Việc Samsung phải thu hồi khoảng 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 trên toàn cầu không chỉ đang thổi bay khoảng 22 tỉ USD vốn hóa do sụt giảm cổ phiếu của tập đoàn này, mà nó còn được đánh giá sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc tương đương với ảnh hưởng từ hai sự kiện lớn khác là Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.

Vì sao Galaxy Note 7 trở thành cơn ác mộng của Samsung và kinh tế Hàn Quốc?

Nhàn Đàm | 13/09/2016, 11:19

Việc Samsung phải thu hồi khoảng 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 trên toàn cầu không chỉ đang thổi bay khoảng 22 tỉ USD vốn hóa do sụt giảm cổ phiếu của tập đoàn này, mà nó còn được đánh giá sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc tương đương với ảnh hưởng từ hai sự kiện lớn khác là Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.

Những tháng nửa sau của năm 2016 có lẽ không phải là một khoảng thời gian tốt lành cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Tập đoàn Apple nổi tiếng của Mỹ sau sự cố bị cáo buộc trốn thuế ở châu Âu và có thể phải đền bù 14,5 tỉ USD và mới đây nhất là sự kiện ra mắt iPhone 7 được đánh giá là không thành công cho lắm, thì đến lượt một ông lớn công nghệ khác là Samsung gặp xui xẻo. Sự cố pin dễ cháy nổ trong các sản phẩm smartphone Galaxy Note 7 đang buộc tập đoàn công nghệ lớn nhất Hàn Quốc phải thu hồi khoảng 2,5 triệu máy trên toàn cầu; nhưng quan trọng hơn là sự cố được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử của Samsung này còn đang thổi bay khoảng 22 tỉ USD vốn hóa do sụt giảm cổ phiếu.

Không dừng lại ở đó, sự cố này còn được đánh giá sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc tương đương với ảnh hưởng từ hai sự kiện lớn khác là Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Vì sao việc thu hồi một sản phẩm lỗi như Galaxy Note 7 lại đang trở thành cơn ác mộng với Samsung và kinh tế Hàn Quốc?

Những gì đang diễn ra với một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới là Samsung đang khiến tất cả những ai quan tâm theo dõi phải choáng váng. Giá cổ phiếu của Samsung đã giảm tới 5,3% và có lúc đã lên tới 5,5% chỉ trong phiên giao dịch sáng ngày 12.9, khiến cho giá trị vốn hóa của tập đoàn này mất khoảng 13.000 tỉ won (tương đương 11,7 tỉ USD) chỉ trong một buổi sáng.

Như vậy, tổng mức giá trị vốn hóa của Samsung giảm trong 2 ngày vừa qua đã lên tới khoảng gần 22 tỉ USD, một con số kỷ lục đối với thiệt hại từ việc thu hồi một sản phẩm lỗi là Galaxy Note 7. Nguyên nhân gây ra sự sụt giảm kỷ lục giá cổ phiếu và thổi bay lượng lớn giá trị vốn hóa của Samsung lần này được cho là từ việc thu hồi khoảng 2,5 triệu máy điện thoại Galaxy Note 7 do bị sự cố pin dễ cháy nổ trong khi sạc trên toàn cầu.

Đây là đợt triệu hồi sản phẩm di động lớn nhất trong lịch sử và dự báo mức thiệt hại của Samsung từ việc thu hồi này có thể lên tới 1 tỉ USD. Tuy nhiên, mức sụt giảm giá trị vốn hóa lên tới gần 22 tỉ USD của tập đoàn này lại khiến tất cả phải kinh ngạc. Và mọi chuyện không dừng lại ở đó, khi mà nền kinh tế Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng từ sự kiện này, khiến cho tỷ giá đồng won giảm tới 1,2% chỉ trong vòng ba ngày.

Điều đáng nói ở đây là, đồng nội tệ của Hàn Quốc là đồng tiền có mức tăng giá tốt nhất trong tổng số 31 loại tiền tệ chủ chốt trên thế giới trong quý 2/2016, khi nó đã tăng giá tổng cộng khoảng 5,5%. Ấy vậy mà chỉ một sự cố liên quan đến Samsung khiến cho giá cổ phiếu của tập đoàn này sụt giảm mạnh đã khiến cho tỷ giá đồng won giảm tới 1,2% chỉ trong vòng 3 ngày.

Tác động từ sự cố thu hồi các sản phẩm Galaxy Note 7 bị lỗi đã có một tác động tới kinh tế Hàn Quốc lớn hơn rất nhiều so với dự đoán. Sự kiện này đang là một dẫn chứng tiêu biểu cho một thực tế rằng, hiệu quả hoạt động của Samsung có một ảnh hưởng lớn hơn dự đoán đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Hiện Samsung đang chiếm khoảng 20% GDP của kinh tế Hàn Quốc, nhưng việc cổ phiếu của tập đoàn này lại có tác động mạnh tới tỷ giá đồng nội tệ của đất nước lại là điều ít người ngờ tới.

Trên thực tế, giá trị cổ phiếu của Samsung có một tầm ảnh hưởng rất lớn tới tỷ giá đồng won của Hàn Quốc. Theo Ha Keon Hyeong, nhà kinh tế của Shinhan Investment Corp có trụ sở tại Seoul, thì “rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại thị trường tài chính Hàn Quốc quan tâm và mua vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn, nhất là Samsung, và nó góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao tỷ giá đồng won”. Nói cách khác, khi một sự cố lớn về công nghệ xảy ra khiến giá cổ phiếu của Samsung sụt giảm, thì nó cũng sẽ kéo tỷ giá đồng won xuống theo. Và ngược lại, nếu vì một lý do gì đó khiến đồng won sụt giá, thì nó cũng có thể kéo giá cổ phiếu của Samsung sụt giảm theo.

Ngoài ảnh hưởng từ sự việc thu hồi 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 trên toàn cầu, thì hai sự kiện quan trọng khác cũng góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ giá đồng won và hạ giá cổ phiếu của Samsung, đó là việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành thử hạt nhân trong những ngày vừa qua, và FED nâng lãi suất đồng USD. Đã gần như trở thành một thông lệ, cứ mỗi khi Triều Tiên thử vũ khí như tên lửa đạn đạo hay bom hạt nhân, thì các chỉ số vĩ mô của kinh tế Hàn Quốc như tỷ giá đồng nội tệ hay giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều sụt giảm mạnh. Trong khi đó lần thứ vũ khí lần này của Triều Tiên lại diễn ra với tần suất lớn nhất từ trước đến nay, khi chỉ cách nhau có vài ngày.

Việc FED có dự định nâng lãi suất đồng USD cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá đồng won và giá cổ phiếu của Samsung. Suh Dae II, nhà kinh tế của Mirae Asset Daewoo có trụ sở ở Seoul, cho hay: “Khả năng tăng lãi suất của Mỹ có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chậm lại và tác động tiêu cực tới tỷ giá đồng won”. Nói cách khác, có ít nhất ba sự kiện tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc và giá cổ phiếu của Samsung diễn ra cùng lúc ở thời điểm hiện tại, đó là: sự cố thu hồi 2,5 triệu máy Galaxy Note 7, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, và FED có dự định tăng lãi suất đồng USD.

Tác động tổng hợp từ ba sự kiện này khiến cho tỷ giá đồng won và giá cổ phiếu Samsung rớt mạnh trong những ngày vừa qua, do hai loại tài sản này có sự tương thông về giá trị với nhau. Một nhà đầu tư muốn bán tháo đồng won do lo ngại về việc Triều Tiên thử hạt nhân và FED nâng lãi suất có thể sẽ tác động gián tiếp khiến giá cổ phiếu của Samsung sụt giảm; và ngược lại, việc một nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu Samsung do lo ngại sụt giá liên quan đến sự cố thu hồi Galaxy Note 7 cũng có thể khiến tỷ giá đồng won sụt giảm theo.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Galaxy Note 7 trở thành cơn ác mộng của Samsung và kinh tế Hàn Quốc?