Trong một nền kinh tế mà khu vực quốc doanh nắm giữ vai trò quan trọng trong rất nhiều năm, còn khu vực tư nhân thì chậm lớn với 96% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ như Việt Nam, thì việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn nhất lại đang đặt ra những bài toán không dễ giải quyết.

Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Từ mừng thành lo?

Nhàn Đàm | 12/09/2016, 10:17

Trong một nền kinh tế mà khu vực quốc doanh nắm giữ vai trò quan trọng trong rất nhiều năm, còn khu vực tư nhân thì chậm lớn với 96% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ như Việt Nam, thì việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn nhất lại đang đặt ra những bài toán không dễ giải quyết.

Một vấn đề vĩ mô đang trở thành chủ đề nóng trong nền kinh tế Việt Nam những ngày gần đây là việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có quy mô lớn nhất, khi Chính phủ đã ra chỉ thị tiến hành thoái một phần lớn hoặc tất cả số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại các doanh nghiệp này. Đó là một động thái quan trọng trong việc cổ phần hóa khu vực kinh tế quốc doanh và tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, trong đó Chính phủ sẽ dần chuyển giao các hoạt động phát triển cho khu vực tư nhân và tập trung vào mục tiêu kiến tạo và phục vụ. Nhưng, vấn đề đang trở nên không đơn giản như vậy. Trong một nền kinh tế mà khu vực quốc doanh nắm giữ vai trò quan trọng trong rất nhiều năm, còn khu vực tư nhân thì chậm lớn với 96% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thì việc thoái vốn khỏi các DNNN lớn nhất lại đang đặt ra những bài toán không dễ giải quyết. Nó không chỉ đơn thuần là việc rút vốn khỏi các DNNN lớn, mà còn liên quan chặt chẽ đến vấn đề chuyển đổi mô hình kinh tế của Việt Nam.

Việc Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị tiến hành thoái vốn khỏi 10-12 DNNN lớn nhất cách đây ít ngày có thể được xem như một tín hiệu mang tính cải cách lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đã từ lâu, 10-12 ông lớn DNNN này được xem như biểu tượng cho vị thế và tầm quan trọng của khối quốc doanh, điển hình như Sabeco, Habeco hay Vinamilk với quy mô và lợi nhuận khổng lồ. Vì thế, việc chính phủ cương quyết thoái hết vốn khỏi các doanh nghiệp này mang ý nghĩa quan trọng về việc khẳng định quyết tâm tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh, theo hướng giảm dần các hoạt động đầu tư kinh tế của chính phủ để chuyển sang mục tiêu kiến tạo và phục vụ như Thủ tướng đã đặt ra. Tuy nhiên, ngay từ khâu chuẩn bị thôi cũng đã bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề không dễ giải quyết.

Trước hếtlà những rắc rối liên quan đến cách thức thoái vốn, hay nói cách khác là rút vốn bằng cách nào. Ngay từ bước này đã có sự khác biệt và xung đột giữa các luồng quan điểm, thậm chí là giữa Chính phủ và các bộ chủ quản những DNNN này. Trong khi chính phủ muốn các doanh nghiệp này phải niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) trước khi rao bán cổ phần, và đặc biệt là ưu tiên tiến hành thoái vốn thông qua hình thức đấu giá để đạt được giá trị lớn nhất có thể; thì các bộ chủ quản lại phản đối cách làm này.

Quan điểm của những bộ chủ quản này là, cần xác định trước những đối tác tiềm năng có đủ điều kiện mới được tham gia mua lại các DNNN lớn này, để đảm bảo duy trì những thương hiệu lớn vốn từ lâu được xem là thương hiệu quốc gia. Nếu như bán thông qua hình thức đấu giá công khai một lần trên sàn giao dịch chứng khoán thì sẽ không biết người mua là ai, có cam kết giữ thương hiệu, phát triển công ty lên có lợi cho đất nước hay không (theo The Saigon Times). Quan điểm này của các bộ chủ quản không hẳn là không có lý, dù các ý kiến phản đối cho rằng cách thoái vốn như trên là tiếp tay cho lợi ích cục bộ và có thể Nhà nước sẽ không thu được lợi ích lớn nhất như hình thức đấu giá công khai.

Sau đó là chuyệntiền thoái vốn khỏi các DNNN lớn đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì và như thế nào. Đây là vấn đề thậm chí còn hóc búa hơn nhiều, khi nó liên quan mật thiết đến câu chuyện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Về cơ bản, khoản tiền mà chính phủ nhận được từ việc thoái toàn bộ vốn khỏi 10-12 ông lớn kể trên (theo dự kiến có thể dao động từ 7-15 tỉ USD) chính là từ việc bán đi những viên ngọc lớn nhất trên chiếc vương miện mang tên khu vực kinh tế quốc doanh. Các DNNN lớn nằm trong diện thoái toàn bộ vốn lần này chính là những cỗ máy mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Nhà nước và Chính phủ, đóng góp một phần lớn vào ngân sách quốc gia (điển hình là việc mức đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm 2014 của một mình Sabeco đã lớn hơn mức đóng góp của cả thành phố Đà Nẵng).

Nói cách khác, cái giá của việc có được số tiền khổng lồ này đến từ việc bán đi những doanh nghiệp có lãi nhất và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách, và vì vậy câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ sử dụng khoản tiền lớn này vào những mục đích gì để bù đắp lại những nguồn thu lớn vừa mất đi đó, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang rơi vào tình trạng bội chi một cách nghiêm trọng trong vài năm trở lại đây. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất về việc sẽ sử dụng số tiền thu được từ thoái vốn các DNNN lớn vào mục đích gì, hạ tầng cơ sở hay hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Xét trên khía cạnh nền kinh tế, thì việc thoái vốn khỏi các DNNN lớn còn đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tiến một bước dài trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó giảm dần quy mô của khối quốc doanh và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân theo hướng tăng tính thị trường. Tuy nhiên, đây là mục tiêu không dễ gì thực hiện khi khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người ở Việt Nam đang thuộc diện thấp nhất khu vực, hiện mới chỉ có khoảng 500.000 doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, và theo mục tiêu của đề án “Quốc gia khởi nghiệp” thì con số này phải tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Về chất lượng và quy mô doanh nghiệp, theo thống kê có tới 96% số doanh nghiệp thuộc diện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đây là hệ quả của tình trạng kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nhiều năm liền tích tụ lại, và nó đang dần trở thành trạng thái tĩnh và rất khó có thể phá vỡ để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh.

Điển hình cho tình trạng kìm hãm phát triển này là việc ngay phần đầu của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hai điều cấm, một trong số đó là: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên những tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định; có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…” (theo The Saigon Times).

Nói cách khác, tình trạng kìm hãm, chèn ép các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành một thói quen trong nền kinh tế Việt Nam nhiều năm trở lại đây, và rất khó để có thể thay đổi thói quen này trong ngày một ngày hai. Sẽ cần một khoảng thời gian không nhỏ để biến khu vực tư nhân từ tình trạng một cái cây Bonsai bị ép chậm lớn trở thành một cái cây phát triển bình thường. Nói cách khác, trong thời gian đó, ngân sách nhà nước sẽ bị tác động không nhỏ từ việc bán đi những DNNN làm ăn hiệu quả nhất. Việt Nam trong nhiều năm qua đều ở trong tình trạng thiếu tiền chi tiêu, và trớ trêu là giờ đây khi tiền sắp rủng rỉnh trong túi thì lại không biết cần chi tiêu vào việc gì cho hiệu quả nhất.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Từ mừng thành lo?