Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho rằng nguyên nhân khiến thép cán nóng nhập khẩu tăng mạnh vì tình trạng cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.
Thị trường và chính sách

Vì sao lượng thép cán nóng nhập khẩu tăng mạnh?

Lam Thanh 23/07/2024 11:30

Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho rằng nguyên nhân khiến thép cán nóng nhập khẩu tăng mạnh vì tình trạng cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6.2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Về giá, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45 - 108USD/tấn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Trong văn bản gửi cơ quan chức năng của 8 doanh nghiệp tôn mạ, ống thép, các doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân khiến HRC nhập khẩu tăng mạnh vì tình trạng cung nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

thep-2.jpg
Thép cán nóng nhập khẩu tăng mạnh

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu HRC lần lượt là 4,992 triệu tấn và 7,429 triệu tấn, tăng 2,437 triệu tấn so với 6 tháng đầu năm 2023.

“Điều này hoàn toàn là bình thường vì nhu cầu thép trong năm 2024 tăng so với năm 2023 là điều đã được dự báo từ trước. Đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ và các bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong chính sách cho thị trường bất động sản; các địa phương, bộ ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, từ đó góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng nguyên liệu HRC tăng”, các doanh nghiệp nêu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng cho rằng số lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán tại thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Cụ thể, nguồn cung HRC nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 1,696 triệu tấn và 2,131 triệu tấn, tăng nhẹ 435.022 tấn so với 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn cung HRC nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đáp ứng được lần lượt là 34% và 29% tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam, giảm 5% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Thực trạng nguồn cung HRC nội địa hiện không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam còn thể hiện qua việc mặc dù Hòa Phát là một trong 2 nhà sản xuất HRC tại Việt Nam nhưng các công ty con của Hòa Phát vẫn phải nhập khẩu HRC từ Trung Quốc với số lượng lớn và ngày càng tăng, tính đến hết tháng 3.2024.

Các doanh nghiệp này cho rằng lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 3,296 triệu tấn và 5,298 triệu tấn, tăng 2,002 triệu tấn so với 6 tháng đầu năm 2023 là tất yếu.

Lý do là tổng nhu cầu HRC trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,437 triệu tấn, nguồn cung HRC nội địa chỉ tăng 435.022 tấn, thì lượng HRC nhập khẩu tất yếu phải tăng 2 triệu tấn để đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Về nguyên nhân lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng, các doanh nghiệp cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác giảm 165.632 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc.

Điều này do nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu và bù đắp cho mức giảm nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là 165.632 tấn. Hệ quả tất yếu là lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết HRC Trung Quốc có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.

thep-1.jpeg
Năng lực sản xuất thép cán nóng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu

Ông Vũ Văn Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho rằng nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11,525 triệu tấn và 11,593 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm.

Như vậy, giả định Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu HRC thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh cung HRC nội địa trong năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu thì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh lại tăng sản lượng HRC xuất khẩu so với năm 2022, khiến cho nguồn cung HRC nội địa càng thiếu hụt nghiêm trọng”, ông Thanh nói.

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Thanh cho rằng tổng lượng bán HRC của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 6,192 triệu tấn và 6,808 triệu tấn. Trong đó, sản lượng HRC xuất khẩu của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và 2023 tăng mạnh, lần lượt là 1,304 triệu tấn và 3,405 triệu tấn.

Năm 2022, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chỉ xuất khẩu HRC với số lượng chiếm 21% tổng số lượng bán hàng HRC thì đến năm 2023, tỷ trọng này đã tăng lên đến 50%.

Ông Thanh cho rằng vì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng số lượng HRC xuất khẩu nên số lượng HRC bán tại thị trường nội địa trong năm 2022 và năm 2023 đã giảm mạnh. Trong năm 2022, số lượng HRC bán tại thị trường nội địa của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chiếm 79% tổng số lượng bán hàng thì đến năm 2023, tỷ trọng này chỉ còn 50%.

Trước đó, tại hội nghị của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu thép cán (chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), trong đó chủ yếu là thép cán nóng. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã sản xuất được thép cán nóng với sản lượng ngày một tăng, chiếm tỷ trọng cao, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường trong nước.

Ngoài ra, ngành thép cũng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất thép thô dẫn đến tình trạng bị động về giá.

Bài liên quan
Mexico hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngày 13.1, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum công bố kế hoạch kinh tế hướng đến hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc - động thái mà hãng Reuters nhận định nhằm mục đích lấy lòng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, giảm nguy cơ bị ông áp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao lượng thép cán nóng nhập khẩu tăng mạnh?