Dân gian ta vẫn có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Chính vì vậy, nhiều người thường đổ xô mua muối trong ngày mùng 1 Tết nhằm lấy lộc đầu năm mới.

Vì sao người Việt có tục ‘đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi’?

Theo Tiền Phong | 05/02/2019, 15:11

Dân gian ta vẫn có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Chính vì vậy, nhiều người thường đổ xô mua muối trong ngày mùng 1 Tết nhằm lấy lộc đầu năm mới.

Đầu năm mua muối

Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.

Bên cạnh đó, người Việt xưa cho rằng, muối tượng trưng cho sự mặn mà, nồng nàn, tình cảm ấm áp trong các mối quan hệ gia đình, người thân. Đầu năm mua muối cũng là hành động để cầu mong cho gia đình cả năm yên ấm, thuận hòa, nồng nàn tình cảm giữa ông bà, cha mẹ với các con cháu hoặc giữa các anh chị em với nhau. Quan niệm này xuất phát từ câu tục ngữ “gừng cay muối mặn”.

Ngoài ra, ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người tâm niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc.

Theo đó, vào sáng mùng 1 ở Hà Nội thường có người đi bán muối dạo. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.

Hơn nữa, màu trắng của muối cũng tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết.

Cuối năm mua vôi

Bên cạnh việc mua muối đầu năm thì người Việt thường mua vôi dịp cuối năm. Mua vôi là để xây nhà, ăn trầu và dùng để rải 4 góc nhà đuổi tà ma. Người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì quan niệm vôi trắng tượng trưng cho sự bạc bẽo - "bạc như vôi". Do vậy, người dân tránh mua vôi dịp đầu năm nhằm tránh gặp phải những điều xui xẻo, quan hệ gia đình và công việc không thuận hòa, suôn sẻ.

Trước đây, vôi được sử dụng dịp cuối năm để quét lại nhà cửa để chuẩn bị đón chào một năm mới. Quét vôi trắng cũng được coi là để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu mới, sửa chữa, khắc phục những sai lầm, thất bại đã trải qua trong năm cũ.

Ngoài ra, xét cả câu tục ngữ "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", người xưa còn ngầm gửi gắm một tầng nghĩa khác, một lời nhắc nhở cho con cháu, đầu năm nên sống tiết kiệm, dè sẻn thì cuối năm có thể xây nhà (mua vôi thường tượng trưng cho việc xây hoặc sửa nhà).

Cho nên cho đến tận ngày nay, việc mua muối đầu năm lấy lộc vẫn được lưu giữ và xem trọng. Thậm chí ngay trong đêm giao thừa cũng có rất nhiều người bán hàng rong hoặc cả cửa hàng nhỏ tranh thủ bán những túi muối nhỏ để kiếm thêm chút lộc xuân.

Theo Đỗ Quyên/Tiền Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
3 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao người Việt có tục ‘đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi’?