Quan niệm về Luân hồi – Nghiệp báo của Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong dân gian. Và có vẻ quan niệm này không hề xung khắc với những tập tục của người Việt như thờ linh hồn sau khi mất. Những giáo lý này dung hòa với tư tưởng bản địa và vì thế, khiến cho sự phát triển của Phật giáo được chắc chắn...
Kỳ 1: Phật giáo đến Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc hay Ấn Độ?
Phật giáo đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm, với sự truyền thừa từ chính Ấn Độ cùng với sự di cư trốn khỏi phương Bắc của những nhà sư Trung Hoa.
Đặc điểm của Phật giáo Giao Châu thời kỳ đầu
Từ khi du nhập vào cho đến những năm cuối thế kỷ thứ 2, theo Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, Phật giáo Việt Nam đã có tổ chức Tăng đoàn khá chặt chẽ lên đến hơn 500 người và cũng như đã có rất nhiều kinh sách được dịch thuật và lưu truyền.
Từ trước đó, Tứ Thập Nhị Chương Kinh đã có mặt tại Giao Chỉ và có lẽ Tăng đoàn Giao Châu đã hình thành theo qui định trong kinh này. Theo đó, những người tu hành được gọi là sa môn, và phải từ bỏ người thân, mặc áo vàng, xả bỏ tài sản, đi xuất gia, khất thực và hóa đạo, giữ 250 điều giới luật, thực hành bốn đạo hạnh chân chính.
Người sa môn xuất gia hướng đến đoạn dục khử ái, tìm về nguồn gốc tự tâm, đạt chân lý sâu xa của Phật, diệt trừ ngu si và tệ lậu là ái dục, giác ngộ được vô vi. Bên cạnh đó, đến nửa cuối thế kỷ thứ 2, Mâu Tử cũng ghi chép về việc sa ngã của các sa môn, trong đó có nhiều người không giữ giới luật, thích uống rượu, có vợ con, tích trữ tài sản riêng. Từ đó có thể thấy, tăng đoàn Giao Châu lúc này đã lớn mạnh, có nhiều luật lệ, qui định riêng và mục đích tu tập không khác hiện nay là mấy.
Tuy nhiên Phật giáo lúc này vẫn còn mang dáng dấp của Phật giáo nguyên thủy, lấy xuất gia, lìa bỏ gia đình và xã hội, sống trong rừng hoang núi vắng và đi khất thực làm gốc. Những kiến trúc Phật giáo tiêu biểu như chùa chiền chưa được nhắc cụ thể trong thời gian này, chỉ được ghi chép rằng đã có hơn hai mươi ngôi. Những ngôi chùa này có thể tập trung phần lớn ở Luy Lâu, một trong ba trung tâm Phật giáo của nhà Hán đương thời. Giai đoạn này, chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã được xây dựng (187-226) và vẫn còn tồn tại đến ngày nay, trở thành ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.
Lý Hoặc Luận khi miêu tả về các sa môn và tăng đoàn Giao Chỉ vẫn dùng chữ vô vi của đạo Lão để dịch chữ Niết Bàn dù thể hiện rõ ý nghĩa khác nhau. Quan niệm về Luân hồi – Nghiệp báo của Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong dân gian. Và có vẻ quan niệm này không hề xung khắc với những tập tục của người Việt như thờ linh hồn sau khi mất.
Những giáo lý này dung hòa với tư tưởng bản địa và vì thế, khiến cho sự phát triển của Phật giáo được chắc chắn. Những tư tưởng khác như từ bi, hỉ xả, bố thí cho người nghèo, tôn trọng tăng sĩ cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, hình ảnh của Phật Thích Ca trong Lý Hoặc Luận thiên về siêu nhiên hơn một con người lịch sử. Thích Ca được miêu tả “biến hóa không cùng, phân thân tán thể, khi có đó, không đó, khi lớn khi nhỏ, khi vuông khi tròn, khi già khi trẻ, khi ẩn khi hiện, lửa không đốt được, trong bùn không nhiễm, giữa họa mà không bị tai ương, khi đi có thể bay, khi ngồi hào quang sáng chói.”
Đây cũng là lúc ở Ấn Độ và Tích Lan diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần IV, cũng là lúc những chi phái khác nhau của Phật giáo ra đời hoặc có những mầm mống đầu tiên. Đáng chú ý là Thượng tọa bộ cùng Đại thừa đã xuất hiện. Thiền tông và Mật tông tuy phải đến thế kỷ 6-7 mới thực sự hình thành nhưng nhiều tư tưởng đã xuất hiện. Tịnh độ tông có thể chưa xuất hiện ở Việt Nam lúc này nên danh hiệu Phật A – di – đà chưa có trong dân gian.
Người đầu tiên của Thiền tông Việt Nam
Khương Tăng Hội có thể xem là người đầu tiên của Thiền tông Việt Nam. Mặc dù nhiều trước tác nổi tiếng của ông như Lục Độ Tập Kinh, Nê Hoàn Phạm Bối là những sáng tác khi ông ở Kiến nghiệp của Ngô để truyền bá Phật pháp, nhưng những kiến thức Phật học của ông đều được học tại Giao Châu, nơi ông sinh ra và lớn lên. Khương Tăng Hội là người tu Đại thừa, tư tưởng của ông là một tư tưởng thiền học khá rõ, trước khi Bồ - đề - đạt – ma sáng lập Thiền tông ở Trung Quốc gần 200 năm.
Thiền của Khương Tăng Hội thể hiện rõ trong Lục Độ Tập Kinh. Thiền của ông dựa vào phương pháp điều khiển hơi thở. Tăng Hội cũng đề cập đến tứ thiền và cách thực hành tứ thiền, hình thành quan niệm không và chân như. Nhiều khả năng thiền của Khương Tăng Hội lúc này chính là thiền đại thừa. Mặc dù có nhiều quan điểm về thiền, Khương Tăng Hội không thật sự truyền bá một hệ phái nào ở Giao Châu thời kỳ này. Thực tế, hầu như không có ghi chép cụ thể gì về các hệ phái tu tập Phật giáo tại Luy Lâu những năm đầu Công nguyên. Phải đến khi Tì-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc sang vào thế kỷ thứ 6 thì Thiền tông Việt Nam mới chính thức được thành lập. Tuy vậy, gốc rễ của thiền đã có trước đó rất lâu.
Những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo Việt Nam bị bao phủ bởi một màn sương mờ ảo của lịch sử. Tuy vậy, dựa trên những gì đã có, có thể khẳng định Phật giáo trong thời kỳ này đã phát triển mạnh mẽ, khắp vùng từ song Dương Tử xuống phía Nam chỉ có đây là trung tâm Phật giáo. Với hệ thống Tăng đoàn chặt chẽ, nhiều chùa chiền được xây dựng và kinh sách được dịch, Phật giáo Giao Châu đã khẳng định sự lớn mạnh của mình. Nhưng với thân phận một vùng đất nội thuộc, Phật giáo ở đây đã không có cơ hội phát triển độc lập như những vùng trung tâm Trung Quốc. Thế nên hơn một thế kỷ sau, một cuộc truyền bá ngược Phật giáo đã xuất hiện tại Giao Châu.
Thiên Lang