Đời sau khi tìm hiểu về thời Bắc thuộc, đã phải than oán rằng: Quan lại Ngô cũng bầy lang sói/Cũng tham ô, cũng thói dâm tàn".

Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt

22/05/2016, 14:37

Đời sau khi tìm hiểu về thời Bắc thuộc, đã phải than oán rằng: Quan lại Ngô cũng bầy lang sói/Cũng tham ô, cũng thói dâm tàn".

Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương

Kéo dài hơn 1.000 năm, thời Bắc thuộc là một thời kỳ nhân dân ta liên tục nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, phản kháng lại mọi sự áp chế, bóc lột, thống trị của ngoại bang. Còn kẻ cai trị, thì dùng trăm phương nghìn kế không chỉ để đồng hóa dân Việt, không chỉ để nhập bản đồ nước Nam vào bản đồ phương Bắc, mà còn làm sao vơ vét cho đầy túi tham nhân tài, vật lực của dân ta.

Tham nhũng thời thuộc Hán
Ở đây chỉ cả thời Tây Hán (202 tr.CN – 9 s.CN) và Đông Hán (23 - 220). Thời Tây Hán chia nước ta làm châu, quận, đặt quan Thứ sử, Thái thú trấn trị. Chúng tham ô, nhũng lạm dân ta không kể xiết nên thời Hán Vũ đế (141 - 87 TCN) đã phải đặt ra 6 điều trong chiếu thư để kiểm soát hành vi tham nhũng của Thứ sử. Việt sử cương mục tiết yếu cho hay, 6 điều đó là: “1. Cường tộc, hào hữu, ruộng đất vượt quy chế; 2. Quan thái thú không biết vâng theo chiếu thư, vơ vét gian trá; 3. Quan thái thú không tra án ngờ, giết hại người; 4. Quan thái thú chọn lựa, tiến cử người không công bằng, chỉ lấy người mình ưa thích; 5. Con em quan thái thú cậy thế vênh vang, xin xỏ, thỉnh thác; 6. Quan thái thú vào hùa với bọn cường hào, thông đồng biếu xén đút lót”.
Thời Đông Hán, sử ghi nhận đầu tiên là trường hợp Thái thú Giao Chỉ Tô Định khi cai trị dân Việt thì “tính tham lam mà hung dữ” (Trích An Nam chí lược), “Hiếp dân lấy của đem binh hại người” (Trích Thiên Nam ngữ lục). Từ đó góp phần mà khởi phát nên cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm Canh Tý (40). Ngoài trường hợp trên, nhiều viên quan đô hộ phương Bắc cũng bị lên án về sự tham ô, nhũng nhiễu. Theo ghi nhận của Việt Nam sử lược, trong thời Đông Hán “những quan lại sang cai trị Giao Chỉ thường có lắm người tàn ác, tham nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu báu”.
Ở đời vua Hán Hiển Tông (57 - 75), Lê Tắc trong An Nam chí lược cho hay, có Trương Khôi “làm Thái thú Giao Chỉ, vì ăn hối lộ bị tội, của bị tịch thu vào kho”. Không chỉ quan viên lớn của châu, quận tham nhũng, mà những người đứng đầu các địa phương như huyện lệnh cũng “vét đầy túi tham”. Hậu Hán thư có cho hay: “Trước kia, huyện lệnh Cư Phong là người tham lam, tàn bạo, không biết thế nào là chán. Người trong huyện là bọn Chu Đạt họp nhau với dân Man đánh giết huyện lệnh”. Năm Canh Tý (160), nhà Hán phải sai Hạ Phương làm Thứ sử mới yên được.
Thời Hán Hiến đế năm Kiến An thứ năm (200), Chu Phù được cử làm Thứ sử nhưng lại “phần nhiều cho người làng như bọn Ngu Bao, Lưu Ngạn chia nhau làm trưởng lại, vơ vét của dân, một con cá vàng thu thóc một hộc. Trăm học oán ghét làm phản, kéo đi đánh phá châu quận” (Trích Toàn thư). Sau hắn phải trốn chạy vì bị dân đánh đuổi.


Tham nhũng thời thuộc Ngô, Lương, Tùy, Đường
Thời Tam quốc (220 - 280), nhà Đông Ngô cai trị dân ta, hàng ngũ quan lại cai trị cũng một bọn tham lam tàn bạo như Việt Nam sử lược ghi: “những quan lại nhà Ngô thì thường là người tham tàn, vơ vét của dân”, đến nỗi đời sau khi tìm hiểu về thời Bắc thuộc, đã phải than oán rằng:
Quan lại Ngô cũng bầy lang sói,
Cũng tham ô, cũng thói dâm tàn.

Trường hợp Tôn Tư làm Thái thú Giao Chỉ của Đông Ngô là một dẫn chứng, hắn vì “tham bạo, làm hại dân chúng”, tự tiện bắt dân phải cống nộp nặng nề, lại bắt hàng nghìn thợ thủ công giỏi tay nghề sang Kiến Nghiệp (tức Nam Kinh) của nhà Ngô đến nỗi năm Quý Mùi (263) dân oán giận nổi dậy mà giết đi.
Thời nhà Tống cai trị, có Hoàn Hoằng làm Thứ sử Giao Châu mà tiền của kể đến hàng vạn. Sang thời nhà Lương, cái tệ đục khoét vẫn tiếp diễn:
Quan lại Lương cũng dòng khu khoét,
Cũng túi tham vơ vét cho đầy.
Chẳng từ áo rách khố dây,
Moi xương móc tuỷ đọa đầy Giao dân.

Theo Việt sử yếu, thời Lương có Thứ sử Tiêu Tư là người tham lam, bạo ngược vô cùng, làm cho “dân ta lao khổ lầm than lâu ngày” (Trích Việt sử diễn nghĩa), đến nỗi một lực lượng lớn nhân dân do Lý Bí cầm đầu nổi dậy khởi nghĩa chống lại, còn Tiêu Tư phải đem vàng bạc đút lót rồi chạy về châu Quảng.
Sang thời nhà Tùy đời vua Tùy Dạng đế (605 - 616), Khâu Hòa làm Thái thú Giao Chỉ như miêu tả của Toàn thư: “cậy uy thế nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước tặng cho Hòa những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu, cho nên Hòa giàu như vương giả”.
Thời nhà Đường cai trị nước ta, nhà sử học Trần Trọng Kim đánh giá là “Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai trị là nghiệt hơn cả”. Bởi thế chăng mà sử ghi lại có nhiều trường hợp tham nhũng nhất ở triều đại này đối với dân Việt ta. Trong đó có Lý Thọ khi làm Đô đốc Giao Châu, vì tham ô mà bị xử tội năm Mậu Tý (628). Lại lúc Khúc Lãm làm đô hộ ở đời Đường Trung Tông (705 - 710) vì tham lam, bạo ngược mất lòng dân mà bị giết.
Khi Cao Chính Bình làm Đô hộ, đánh thuế rất nặng, làm cho dân ta rơi vào cảnh lầm than khổ cực, từ đó mà dẫn tới khởi nghĩa Phùng Hưng đến nỗi Cao Chính Bình lo sợ mà phát bệnh chết trong thành Tống Bình năm Tân Mùi (791). Tiếp đó là Lý Tượng Cổ làm An Nam Đô hộ, bị Toàn thư phê là: “tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng”, bị Dương Thanh khởi binh giết chết năm Kỷ Hợi (819).
Về cuối đời nhà Đường, quan lại phương Bắc phần nhiều chỉ vì tư lợi bản thân mà ức hiếp nhân dân, chẳng hạn có quan Đô hộ Lý Trác đời vua Đường Tuyên Tông (847 - 859) bị Đại Việt sử ký tiền biên phê phán là “hà khắc tham lam tự tư tự lợi, cưỡng mua của người Man một con bò chỉ trả cho họ một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành”, đến nỗi người Mường, người Mán không chịu nổi liên kết với người Nam Chiếu đánh vào An Nam phủ. Thời Thôi Lập Tín làm An Nam Đô hộ, con rể hắn làm quyền nhiếp chức Thứ sử Hoan Châu, được biết đến là kẻ tham lam quá độ.
Suốt thời Bắc thuộc, ghi nhận nhiều trường hợp quan cai trị phương Bắc, nhất là thời nhà Đường đã tham nhũng, vơ vét của cải, là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc nổi dậy, hoặc khởi nghĩa của nhân dân ta do Hai Bà Trưng, Lý Bí, Dương Thanh, Phùng Hưng… lãnh đạo. Như nhận định của Lê Tắc: “Đương thời ấy ở đất Giao Châu có nhiều của báu, các quan Thứ sử bổ tới, lớp trước cũng như lớp sau, không ai giữ được nết trong sạch, nên lại thuộc và nhân dân đều oán mà làm phản”. Tất nhiên, nhiều cuộc khởi nghĩa có mục đích chính trị rõ ràng chứ không chỉ mang tính địa phương từ nguyên nhân trực tiếp là bọn tham quan ô lại. Điều này, trong Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, GS Trần Văn Giàu cũng nhận xét về các cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc, ngoài tính chất dân tộc với mục đích lớn nhất là đánh đổ bọn thống trị giành lại độc lập, thì nguyên cớ trực tiếp để khởi nghĩa là chống tham quan ô lại, chống thuế nặng sưu cao từ chính bọn đại diện cho chính quyền đô hộ đang tâm cướp bóc, chiếm đoạt của dân lành.
Trần Đình Ba

Ảnh: Nhân vật Tô Định trên sân khấu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
16 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt