Hiện nay, khi Internet và kinh tế phát triển, chiêu trò lừa đảo buôn bán người bằng nhiều hình thức tinh vi diễn ra khắp nơi. Ở ĐBSCL, “việc nhẹ lương cao” vẫn có sức hấp dẫn phụ nữ đi Thái lan, Malaysia, Camphuchia…
Cô P.T.Y, một phụ nữ 22 tuổi, quê ở Long Mỹ, Hậu Giang có hoàn cảnh rất khó khăn, tình duyên dang dỡ, phải gởi đứa con 4 tuổi cho mẹ để lên Cần Thơ bán cà phê. Thu nhập của cô khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cứ tưởng cuộc đời cô Y sẽ trôi đi bình lặng như vậy.
Đùng một cái, cha mẹ cô lên Cần Thơ báo cho cô biết, có một người con gái cùng quê đi làm ở Thái về muốn giúp đỡ cho P.T.Y đi Thái bán hàng ở siêu thị. Lương cao từ 30- 50 triệu đồng/tháng. Nếu ráng cày kiếm tiền bằng cách tăng ca thì sẽ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng. Vậy là cô Y về thu xếp công việc, giã từ bán quán để làm hộ chiếu đi Thái Lan. Không biết mình qua bên kia làm gì, chỉ muốn đi để giải thoát cái nghèo. Không biết tiếng Thái, không rõ công việc thế nào, cô và gia đình chỉ nghe những lời đường mật và thu nhập cao ở xứ Thái là thu xếp hành trang để con gái lên đường.
Những trường hợp này người giới thiệu còn tốt bụng "tạm ứng tiền" trước từ 50-100 triệu để gia đình các phụ nữ trẻ trang trải nợ nần. Hộ chiếu và vé máy bay người môi giới này lo luôn. Người giới thiệu còn dẫn đường qua tận Thái lan để hướng dẫn những phụ nữ trẻ tiếp cận với chủ (?).
Tương tự như trường hợp cô P.T.Y ở Hậu Giang, cô P.T.H, một phụ nữ ở Lai Vung - Đồng Tháp theo chồng về làm dâu ở thị trấn Cái Tắc, Châu Thành A, Hậu Giang. Gia đình không hạnh phúc, cô H ly hôn. Tìm việc làm ở trong nước không ổn định, cô H nghe theo người môi giới rủ qua Malaysia bán ở “siêu thị”. Cô được người môi giới ứng trước cho 80 triệu. Tiền làm giấy tờ, hộ chiếu, vé máy bay người môi giới lo. Qua tới Malaysia tổng số tiền cô mang nợ thông qua người môi giới ứng tổng cộng là 150 triệu đồng, trong đó có khoản tiền 30 triệu đồng cô H cũng phải trả cho người môi giới thông qua nợ ứng trước.
Tổng nợ cô phải trả là 150 triệu, tiền lời trên số nợ đó chúng tính 20% mỗi tháng. Bên ứng trước tiền là đường dây xã hội đen đưa phụ nữ ra nước ngoài làm nghề mại dâm. Chủ yếu chúng dùng từ hoa mỹ đi làm ở “siêu thị”.
Ở Malaysia, cô P.T.H làm nghề mại dâm hơn 10 năm vẫn chưa trả hết số nợ mà cô ứng khi đi nước ngoài. Do mỗi tháng cô phải chi xài, cô phải gởi về cho cha mẹ và cô phải trả tiền chúng ứng kể cả số tiền lãi chúng tính 20%/tháng. Hộ chiếu cô đi nước ngoài là “hộ chiếu du lịch” đã hết hạn nên cô không dám đi ra ngoài sợ bị cảnh sát Malaysia bắt.
Cô H đi Malaixia năm 2010, đến năm 2019 cô được một người đàn ông Malaysia gốc Hoa ngoài 60 tuổi ra tiền cứu cô ra khỏi nhà chứa. Người đàn ông cô đơn chi 100 triệu để chuộc cô ra khỏi nơi “xiền xích vô hình”. Từ đây cô làm vợ hờ cho người đàn ông này. Cô cũng được đi "làm nghề" để có tiền gởi về cho gia đình.
Tuy không có con số thống kê nhưng những năm qua ở ĐBSCL có hàng ngàn trường hợp phụ nữ bị bọn xấu dụ dỗ, đưa đi bán buôn ở nước ngoài bằng “hộ chiếu du lịch” và “việc nhẹ lương cao”. Con đường kết nối của chúng với phụ nữ qua mạng xã hội, Facebook, Zalo, Email, điện thoại thông minh... Mồi nhử của chúng là “việc nhẹ lương cao”. Chúng hứa hẹn làm 1 tháng từ 30 -100 triệu đồng. Với các cô gái gia đình nợ nần, trắc trở tình duyên, gia đình không hạnh phúc thì tìm cách rời khỏi quê hương. Các cô gái này hy vọng dễ làm giàu nên bị lung lạc, sa ngã.
Trao đổi với ông Nguyễn Minh Trí, Chánh văn phòng Sở LĐ-TB XH Cần Thơ về các trường hợp đi làm việc chui ở nước ngoài, ông Trí cho rằng: “'Việc nhẹ lương cao' dễ hấp dẫn đối với phụ nữ nghèo, phụ nữ không có việc làm, phụ nữ không thích lao động muốn có nhiều tiền, phụ nữ nhẹ dạ. Những phụ nữ đi làm chui này thường là dùng hộ chiếu du lịch ngắn hạn. Hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Kinh tế bấp bênh, không có thu nhập ổn định”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Trí, các trường hợp này nếu phụ nữ có đơn kêu cứu, có báo cho cảnh sát nước sở tại thì đại sứ quán Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành chức năng nước ta và nước sở tại giải cứu.
Ở miền Tây hiện nay có Trung tâm vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL, viết tắt là CWDM. Trung tâm này là đơn vị trực thuộc Trung tâm phụ nữ và phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà Ngô Thị Tuyết Em, giám đốc trung tâm cho biết, trong thời gian qua trung tâm đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ các trường hợp phụ nữ rơi vào các tổ chức, cá nhân buôn bán người ở trong và ngoài nước. Trung tâm mong muốn thời gian tới phối hợp chặc chẽ hơn với các ngành chức năng để đẩy mạnh tuyên truyền chống lại việc buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình góp phần vào sự tiến bộ xã hội.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, số lao động chui sang các nước Đông Nam Á hiện nay lên đến hàng triệu người. Trong đó phần lớn là phụ nữ. Họ bị lừa đảo qua môi giới và đường dây của bọn xã hội đen chuyên buôn bán người. Chúng dụ dỗ bằng bẫy “việc nhẹ lương cao”. Chúng cột con mồi bằng nợ, bằng tín dụng đen, bằng đe dọa con nợ và gia đình. Chúng đẩy con nợ vào con đường mại dâm, vắt kiệt sức "con mồi" bằng những chiêu trò tàn nhẫn. Điều đáng nói là nhiều con thiêu thân vẫn mơ hồ, nhẹ dạ đưa chân cho chúng, để rồi không tìm được lối về.