Vera Blansh - nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ đến từ Kyiv - đã chụp hơn 10.000 ảnh về những người lính ở trận tuyến kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vera Blansh đến Nhật Bản từ tháng 12.2022 để tổ chức triển lãm, trưng bày các tác phẩm được ghi lại từ thực tế cuộc chiến Nga - Ukraine qua ống kính của mình.
Blansh đã theo nghề nhiếp ảnh hơn 15 năm. Bà không chỉ chụp ảnh chân dung cho các tạp chí thời trang ở Kyiv mà còn tham gia các dự án nghệ thuật.
Đêm 24.2.2022, Blansh thức giấc vì tiếng rít của tên lửa trút xuống thủ đô của Ukraine. Ôm vội chú mèo cưng của mình, bà nhanh chóng tìm đến một hầm trú ẩn.
Trong chính khoảnh khắc đó, Blansh đã tự hỏi mình có thể làm gì, và câu trả lời của bà là “tôi là một nhiếp ảnh gia, tôi có thể nói cho thế giới biết về cuộc chiến bằng những bức ảnh của mình”.
Sau khi được quân đội Ukraine cho phép, Blansh mang theo máy ảnh đến những chiến địa khốc liệt. Nơi đầu tiên Blansh đến là vùng ngoại ô Kyiv. Tại Bucha, nơi quân Nga chiếm đóng một thời gian ngắn ngay sau khi cuộc chiến nổ ra, bà đã thấy nhiều xác người. Hình ảnh in sâu vào tâm trí bà là những xác người mất chân, tay nằm bên một cao tốc. Trong khi tại trạm xăng gần đó, một chiếc xe hơi bị bỏ lại với vệt máu loang lổ trên ghế tài xế.
Vào tháng 5.2022, Blansh đến Donbas, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm các vùng Luhansk và Donetsk. Ở khu vực này, bà luôn nghe tiếng súng nổ trong các chiến hào.
Hàng ngày, Blansh đều nghĩ đó sẽ là ngày cuối cùng trong đời mình, nhưng bà cũng cảm nhận được rằng, với sự bảo vệ từ những người lính đồng hương thì sẽ không viên đạn nào có thể bắn trúng bà. Blansh ghi nhận tinh thần của các chiến binh rất cao, bà chưa bao giờ nghe họ phàn nàn điều gì.
Một ngày nọ, trên đường đến "vạch số 0" - khu vực gần lãnh thổ do Nga chiếm đóng - bà trông thấy một chiếc xe chạy qua có dán số “200”. Tim bà đã đập mạnh khi nhìn thấy túi đựng xác người.
“200” là mật mã quân sự để chở xác quân nhân từ mặt trận về, còn “300” có nghĩa xe đang chở binh lính bị thương. Mỗi lần trông thấy một xe chạy tới, Blansch cầu nguyện rằng chiếc xe đó sẽ không gắn con số “200”.
Tại một căn cứ mà Blansh đến chụp ảnh, có nhân viên y tế người Mỹ, Ý cùng người của các nước khác, và có cả một người đàn ông châu Á. Người này đã cứu sống một phụ nữ bị vùi dưới đống đổ nát và đưa bà ấy đến căn cứ. Người đàn ông chỉ nói là công dân Nhật Bản, không cho Blansh chụp ảnh mình và không cho biết tên.
Trong khi tiếp tục chụp ảnh ở tiền tuyến, Blansh đã lên án cuộc chiến tranh và thảm kịch chiến tranh bằng cách tổ chức các cuộc triển lãm ảnh ở Mỹ và châu Âu.
Một ngày sau khi đến Nhật Bản, Blansh đã thức giấc với suy nghĩ mình sẽ làm được gì cho Ukraine trong ngày đó. Rồi bà ra ngoài đường phố chụp ảnh. Việc nhìn thấy giới trẻ vui chơi trên các bãi biển, cha mẹ và con cái đi dạo tay trong tay làm bà nhớ đến Ukraine thời yên bình trước kia.
Blansh tri ân sự ủng hộ mà chính phủ và người dân Nhật Bản dành cho bà. Bà nói: “Tôi muốn cho người Nhật thấy sự thật và làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử - như một nhân chứng sống cho những gì tôi đã thấy và đã nghe”.
Hiện Blansh lên kế hoạch mở các cuộc triển lãm ảnh ở khắp nước Nhật và chuẩn bị ra mắt một bộ sách ảnh.