Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về phương án do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Việc phân chia thành 5 hình thức kinh doanh vận tải đường bộ rất bất cập

Trí Lâm | 19/04/2018, 12:44

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về phương án do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo danh mục rà soát, có 352/558 điều kiện kinh doanh được xem xét bãi bỏ/sửa đổi. Các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ phần lớn là các điều kiện đang có những bất cập, vướng mắc hiện hành. Nhiều ngành, lĩnh vực có tỷ lệ cắt giảm lên tới 75%.

Riêng với các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông đường bộ, VCCI cho rằng việc phân chia các hình thức kinh doanh vận tải -kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; bằng xe buýt theo tuyến cố định; bằng xe taxi; theo hợp đồng; du lịch -là rất bất cập và lúng túng ngay trong chính các nhà làm chính sách.

Lý do là hiện có rất nhiều loại hình kinh doanh giao thoa nhau và rất khó phân biệt. Chẳng hạn, kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng và kinh doanh vận tải khách du lịch. Về bản chất, đây đều là hình thức vận tải khách theo hợp đồng, chỉ khác là đối tượng vận chuyển.

“Việc phân định ra làm hai hình thức kinh doanh này là chưa hợp hợp lý, từ đó dẫn tới việc nhiều xe thực chất là vận tải khách du lịch nhưng lại “núp bóng” dưới hình thức xe hợp đồng (vì điều kiện kinh doanh xe hợp đồng dễ dàng hơn xe du lịch)”, VCCI nêu.

Hay như kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, du lịch với kinh doanh vận tải theo tuyến cố định. Hiện nay các nhà quản lý đang rất đau đầu trong việc giải quyết hiện tượng, xe chạy hợp đồng/du lịch nhưng lại kinh doanh tương tự như xe chạy tuyến cố định.

Từ những sự việc như trên, các nhà chính sách lại tìm giải pháp bằng cách điều chỉnh các quy định để làm thế nào phân định rõ được xe hợp đồng và xe chạy tuyến cố định, theo hướng đưa ra một số nét đặc trưng của xe hợp đồng. Ví dụ: lái xe phải mang theo hợp đồng; trước khi vận chuyển hành khách phải thông báo tới sở giao thông về hợp đồng trong đó có nêu về tuyến đường vận chuyển, số lượng khách; xe hợp đồng không được lặp đi lặp lại một tuyến đường…

Tuy nhiên, những quy định để định danh rõ xe hợp đồng chỉ tạo ra những gánh nặng cho doanh nghiệp (về thủ tục hành chính; tạo những nguy cơ bị xử phạt do vi phạm) mà chưa đưa đến hiệu quả quản lý nào đáng kể.

Hơn nữa, có nhiều hình thức kinh doanh vận tải mới nhưng lại không biết xếp vào hình thức kinh doanh nào và từng có nhiều tranh luận về việc cấm hay cho phép các hình thức kinh doanh này.

“Điển hình nhất là xe Uber, Grab. Các nhà quản lý khá lúng túng khi chưa thể phân định rõ Uber, Grab vào hình thức kinh doanh nào trong 5 hình thức kinh doanh được liệt kê trong luật”, VCCI cho biết.

Theo đó, cơ quan này cho rằng phảiphân định lại phương thức quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng phân chia thành hai loại: kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Đối với kinh doanh vận tải hành khách chỉ quy định điều kiện kinh doanh chung và các điều kiện tập trung vào các yếu tố có thể tác động đến an toàn giao thông khi đưa phương tiện vào kinh doanh.

VCCI kiến nghị cần phải đánh giá lại về cơ chế quản lý đang áp dụng đối với các hình thức kinh doanh vận tải và những bất cập, chưa hợp lý của việc đóng khung kinh doanh vận tải theo 5 hình thức như quy định hiện hành. Đồng thời, việc có thêm hình thức vận tải mới cần phải nhìn nhận lại tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh đang thiết kế cho kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong lĩnh vực hàng không, VCCI cho rằng các quy định về điều kiện “số lượng tàu bay tối thiểu (3 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không; 1 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung)”, về mức vốn tối thiểu là không hợp lý.

VCCI băn khoăn, không rõ căn cứ để đưa ra số lượng tối thiểu tàu bay doanh nghiệp phải có và chưa nhận thấy mối liên hệ giữa tác động của việc doanh nghiệp không có số lượng tối thiểu tàu bay này thì lợi ích công cộng nào sẽ bị ảnh hưởng. Yêu cầu doanh nghiệp hàng không phải đáp ứng số vốn tối thiểu nhằm hướng đến mục tiêu nào?

“Nếu chỉ là đảm bảo hiệu quả kinh doanh thì đây là mục tiêu không phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh. Nhiều ngành, nghề trong lĩnh vực giao thông vận tải được rà soát đã kiến nghị bãi bỏ yêu cầu về vốn pháp định, tại sao kinh doanh vận chuyển hàng không lại không đề cập đến?”, VCCI cho hay.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định số 767/QĐ-BGTVT công bố phương án cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh, tương đương 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Quyết định nêu rõ, lĩnh vực hàng không được dẫn đầu với số danh mục cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, kế đến là đường sắt với 73,08%; lĩnh vực đường bộ đứng thứ 3 với số điều kiện cắt giảm, đơn giản tương đương 68,5%, đường thủy là 67,34%, hàng hải 65,08%; lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ (61,43%); kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm (61,74%)…

Diệu Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc phân chia thành 5 hình thức kinh doanh vận tải đường bộ rất bất cập