“Để tránh thuế chống thuế, tất cả những khoản phí nào trước nay đang thu mà có tính chất tương tự như thuế tài sản thì bây giờ phải bỏ đi khi áp dụng thuế tài sản, phải làm rõ để người dân hiểu. Còn Bộ Tài chính đưa ra mà không giải thích thì họ phản ứng là điều tất nhiên”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Trong dự án luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án đánh thuế đối với nhà, đất. Theo đó, Bộ đề xuất đánh thuế đối với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng với mức thuế suất 0,4%. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất đánh thuế phần đất ở với mức thuế suất tương tự (0,4%). Cả hai loại thuế này đều sẽ thu hằng năm và dự tính mang về cho Nhà nước 1,5 tỷUSD/năm.
Tuy nhiên, đề xuất này đang gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Để làm rõ hơn, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) về vấn đề này.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự án luật Thuế tài sản. Theo ông, việc đánh thuế tài sản vào thời điểm này có phù hợp không?
Theo tôi là cần thiết vì thuế tài sản là sắc thuế mà rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và rất thành công, đem lại nguồn thu tương đối ổn định cho ngân sách. Luật thuế này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân đóng thuế cũng như với Chính phủ. Do đóở các nước, họ quy định một tài sản lớn đến ngưỡng nào đó thì phải chịu thuế duy trì, tùy từng quốc gia mà có mức thuế khác nhau.
Có 3 phương thức đánh thuế tài sản. Thứ nhất là đánh vào tài sản thừa kế và nhiều nước đánh thuế rất cao, có thể lên tới 50%. Ở Việt Nam thì không thể áp dụng được điều này vì nước còn nghèo, mối quan hệ gia đình lại tương đối chặt chẽ và có xu hướng chắt bóp, tiết kiệm để lại tài sản cho con cháu.
Thứ hai là đánh thuế một lần với mua bán tài sản. Nhiều nước quy định khi mua bán tài sản thì phải đóng thuế ở một mức nào đó, cũng khá cao so với giá trị tài sản, dao động từ 1,5-5% đối với từng nước.
Thứ ba là thuế duy trì tài sản đóng hằng năm và mức này tương đối thấp so với 2 loại thuế trên. Thuế này tính trên giá trị tài sản bạn đang nắm giữ để đánh thuế. Tuy nhiên, ngưỡng tài sản bao nhiêu phải đánh thuế thì cần phải tính toán để phù hợp với từng quốc gia.
Ông nói loại thuế này có tính hợp lý và công bằng, xin ông chỉ rõ?
Tính hợp lý và hợp pháp của loại thuế này làkhi anh có một lượng tài sản lớn, anh phải sử dụng lượng dịch vụ công và cơ sở hạ tầng lớn hơn những người khác; có nhu cầu về dịch vụ nhiều hơn… vì thế anh phải đóng góp nhiều hơn để Chính phủ xây dựng.
Có tài sản lớn thì Nhà nước cũng phải bảo vệ an ninh cho tài sản của mình. Muốn tài sản đó được an toàn, không bị trộm cắp, không có ai gây phương hại đến tài sản của mình thì phải đóng một khoản tiền để Chính phủ duy trì sự quản lý tài sản cho anh; duy trì lực lượng an ninh và các vấn đề liên quan đến quản lý.
Thuế này cũng có tính công bằnglà khi anh có một lượng tài sản lớn, có nghĩa là người có thu nhập cao hơn những người khác trong xã hội. Người có thu nhập cao hơn, sử dụng nhiều hơn phải có trách nhiệm đóng góp, cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Đó là trách nhiệm xã hội.
Và cũng để bù đắp vào việc giảm thuế trong quá trình hội nhập, thưa ông?
Ở Việt Nam hiện nay, trong năm 2017 và đầu năm 2018, nguồn thu ngân sách nhà nước đang cực kỳ căng thẳng và khó khăn, tuy nhiên chi ngân sách vẫn không giảm đi được bao nhiêu, vẫn ở mức rất cao cho bộ máy quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng, trả nợ…
Do đó, Bộ Tài chính phải tìm cách cơ cấu lại nguồn thu, thay đổi toàn bộ hệ thống thuế. Những loại thuế nào bắt buộc phải giảm thì chúng ta giảm, nhưng cái gì có thể tăng được mà phù hợp với thông lệ quốc tế thì làm.
Ví dụ như thuế xuất nhập khẩu ở nhiều hiệp định thương mại tự do mà ta tham gia đều đưa mức thuế xuống còn 0-5%, do đó nguồn thu thuế này đã giảm. Thuế nhập khẩu giảm thì người tiêu dùng mua hàng nhập khẩu có giá rẻ và những mặt hàng khác cũng rẻ theo để cạnh tranh, người dùng có lợi hơn nhưng ngân sách giảm đi.
Khi hội nhập, việc thu hút nguồn vốn FDI cũng trở nên rất quan trọng vì nguồn vốn chảy vào các quốc gia rất dễ dàng, nếu chúng ta không có giải pháp thì không thể thu hút được vốn đầu tư. Trong khi hiện nay chúng ta đang rất thiếu vốn, không có vốn thì không thể phát triển được. Do đó, muốn thu hút được thì Chính phủ lại phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm thấy thuế thấp thì sẽ đầu tư nhiều hơn.
Nếu nhà đầu tư nhiều hơn thì tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động. Bản thân các chủ sử dụng lao động họ có thu nhâp cao hơn thì lương, thưởng của người lao động sẽ được cải thiện hơn. Do đó, người dân cũng được lợi. Chúng ta cũng đang tìm cách để hạ mức thuế này. Tuy nhiên tôi nghĩ sẽ phải giảm từ từ chứ không giảm nhanh được.
Chúng ta cũng đang tìm cách thu hút lực lương lao động có chất lượng cao, đẩy nhanh năng suất lao động lên. Do đó, cần phải kích thích người lao động nâng cao năng lực của mình để có thể cạnh tranh được với lao động các nước khác và thậm chí đi ra nước ngoài làm việc. Do đó, cần phải hạ thuế thu nhập cá nhân. Ngân sách Nhà nước cũng thiệt hại khoản này, hàng nghìn tỉ mỗi năm.
Không ai muốn đóng thuế, muốn mất thêm tiền nhưng rõ ràng Nhà nước cần phải có tiền để hoạt động và người dân cũng được lợi trong việc giảm thuế. Do đó, cải cách hệ thống thuế mà một nhu cầu bắt buộc.
Ví dụ như đối với thuế VAT, hiện nay các nướcáp dụng việc đánh thuế gián thu, trong đó có thuế VAT và mức bình quân chung của thế giới trong năm 2017 theo World Bank là 16%, trong khi của Việt Nam là 9,7%. Như vậy, mức thuế VAT của Việt Nam cònthấp so với mức trung bình của thế giới cũng như so với các nước xung quanh. Do đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế VAT, tôi cho rằng điều này có thể hiểu được.
Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng? Nhiều người lo ngại về việc thuế chồng thuế, quan điểm của ông thế nào?
Trước nay Việt Nam chưa có thuế tài sản, chỉ tính phí sử dụng đất. Nay chúng ta nên đưa vào thuế tài sản. Cần phải xác định một cái ngưỡng để đánh thuế. Ngưỡng này không chỉ dành riêng cho bât động sản mà dùng chung với các tài sản có giá trị cao như ô tô, du thuyền, xe máy… Mức này tùy từng nước quy định cho phù hợp.
Tôi nghĩ mức 700 triệu đòng là không hợp lý vì theo tiêu chuẩn trung bình, mỗi người tối thiểu 25m2/người, gia đình 4 người là 100m2 thì làm gì có nhà nào 700 triệu đồng. Mức này là quá thấp cho nên phải nghiên cứu lại.
Để tránh thuế chống thuế, tất cả những khoản phí nào trước nay đang thu mà có tính chất tương tự như thuế tài sản thì bây giờ phải bỏ đi khi áp dụng thuế tài sản, phải làm rõ để người dân hiểu. Khi giải thích vậy thì người dân họ sẽ hiểu rằng bất cứ nước nào cũng phải đóng thuế, nếu thấy hợp lý thì dân sẵn sàng đóng thôi. Còn chúng ta đưa ra mà không giải thích thì họ phản ứng là điều tất nhiên.
Tôi nghĩ nó sẽ có sự bất hợp lý nào đó trong lúc đầu áp dụng nhưng còn đỡ bất hợp lý hơn việc đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3.
Bên cạnh đó, ở các nước còn trừ khấu hao tài sản, đánh thuế giảm dần do giá trị tài sản đó thay đổi. Ví dụ mua cái nhà này năm nay 5 tỉ nhưng sang năm không thể còn 5 tỉ được. Ô tô cũng vậy, mức thuế cần phải giảm dần.
Liệu có sự bắt tay giữa người mua và người bán để hạ giá trị căn nhà, trốn thuế hay không, thưa ông?
Ở các nước, họ quy định theo giá thị trường và dựa trên mức giá chung, họ có cơ sở dữ liệu về các tài sản khác nhau. Thậm chí từng cá nhân có tài sản nào có giá trị họ đều biết, còn chúng ta chưa có. Nhưng nếu chúng ta không làm thì không bao giờ làm được hệ thống cơ sở dữ liệu. Cứ làm dần thì chúng ta mới có ngân hàng dữ liệu để quản lý.
Bên cạnh đó, cần phải gộp giá nhà với đất với nhau. Khi anh chưa có nhà, bất động sản đó chính là đất, khi anh có nhà thì bất động sản tính gộp 2 thứ. Còn nếu tách thì vô cùng khó và phần thiệt thuộc về ngân sách và dễ phát sinh tiêu cực hơn.
Nhiều người lo ngại những người thu nhập thấp ở đô thị, công chức về hưu… sẽ thêm gánh nặng với thuế này? Ông nghĩ sao về điều này và đâu là cách giải quyết?
Chúng ta từ xưa đến nay, trong chính sách thuế gộp quá nhiều chính sách, mà những chính sách đó lại là chính sách an sinh xã hội. Tôi nghĩ việc đánh thuế là đánh thuế đã, còn việc đảm bảo nhu cầu cho người về hưu, người khó khăn thì cần có chính sách an sinh xã hội kèm theo.
Ví dụ những người không có khả năng nộp thì được miễn thuế chẳng hạn. Một giải pháp không thể giải quyết được nhiều mục tiêu cùng lúc, không nên tham vọng quá, sẽ phải có những giải pháp đi kèm để giải quyết.
Lam Thanh thực hiện