Nhân dịp Quốc hội thông qua Luật hôn nhân và gia đình với thay đổi duy nhất chuyển từ “cấm” sang “không thừa nhận” hôn nhân cùng giới, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã có chia sẻ về quyết định này.

Việt Nam bước hụt khi không thừa nhận hôn nhân cùng giới

Một Thế Giới | 20/06/2014, 14:00

Nhân dịp Quốc hội thông qua Luật hôn nhân và gia đình với thay đổi duy nhất chuyển từ “cấm” sang “không thừa nhận” hôn nhân cùng giới, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã có chia sẻ về quyết định này.

Xin ông cho biết, việc Luật hôn nhân và gia đình “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” là một thất bại? 
Đúng, việc Luật hôn nhân và gia đình chưa thừa nhận hôn nhân cùng giới ở Việt Nam là một thất bại. Tuy nhiên, đây là thất bại của Quốc hội nói riêng và của xã hội Việt Nam nói chung chứ không phải là thất bại của cộng đồng người đồng tính và những cá nhân, tổ chức ủng hộ họ. Thất bại vì pháp luật đã không bảo vệ được sự bình đẳng cho các công dân là người đồng tính của mình. Thất bại vì Việt Nam vẫn phân biệt đối xử với với những người chỉ vì họ sống là chính họ. Tôi nghĩ, cộng đồng người đồng tính đã cố gắng hết mình, nhiều người dũng cảm vượt qua sợ hãi để sống thật, tham gia vận động chính sách và vận động xã hội. Họ xứng đáng được pháp luật đối xử công bằng hơn hiện tại. 
Có người nói đáng ra cộng đồng chỉ nên xin được thừa nhận từng bước, như vậy thì các nhà lập pháp cũng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Ông có nghĩ cộng đồng người đồng tính đã đòi hỏi quá đáng khi vận động cho hôn nhân bình đẳng?
Tôi không nghĩ yêu cầu được đối xử bình đẳng là quá đáng, vì đã là con người thì ai cũng được hưởng quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đây là quyền cho tất cả mọi người khi sinh ra dù người đó là ai, chứ không phải quyền của nhà nước để ban phát cho nhóm người này và từ chối nhóm người kia. Chính vì vậy, chúng tôi luôn vận động trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Đây cũng là đích đến, và khi chưa đến được đích thì cuộc vận động còn tiếp tục. 
Viet Nam buoc hut khi khong thua nhan hon nhan cung gioi
 
Ảnh: Ông Lê Quang Bình phát biểu khai mạc sự kiến Bước Tới Tự Hào (Nguồn: iSEE)
Tuy nhiên, Quốc hội cũng đại diện cho xã hội Việt Nam và theo chính một nghiên cứu của iSEE thì chỉ có 36% người dân ủng hộ hôn nhân cùng giới. Như vậy, việc Quốc hội chưa thừa nhận hôn nhân cùng giới ở thời điểm này là phù hợp với nhận thức xã hội? 
Tôi nghĩ, Luật pháp có tính giáo dục rất cao vì khi Luật bảo vệ quyền bình đẳng đồng nghĩa với việc thúc đấy giá trị bình đẳng trong xã hội. Người dân nhìn vào đó để thay đổi, và người đồng tính nhìn vào đó để tự hào và cống hiến cho xã hội. Nhiều nước đã thông qua hôn nhân cùng giới khi đa số người dân chưa ủng hộ, ví dụ như Canada hợp pháp hóa khi chỉ có khoảng 38% người dân ủng hộ. Đến giờ đã có khoảng 80% người dân Canada ủng hộ. Hơn nữa, nếu nói Quốc hội phải phản ánh quan điểm của người dân thì theo nghiên cứu của chúng tôi, hơn 50% người dân đã ủng hộ cặp đôi cùng giới sống chung nhận con nuôi và sở hữu tài sản chung. Đây chính là nội dung của điều 16 đã bị bỏ ra khỏi bản đệ trình cuối cùng. Điều này thực sự là một điều đáng tiếc cho Việt Nam. 
Như vậy việc Luật hôn nhân và gia đình “treo” quyền kết hôn của người đồng tính là một điều đáng thất vọng? 
Tất nhiên đây là một điều đáng thất vọng, bản thân tôi cũng rất thất vọng. Thất vọng vì đáng ra Việt Nam có thể làm nhiều hơn thế. Việt Nam có thể đã đi đầu châu Á trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính. Việt Nam đã có thể cải thiện thành tích nhân quyền của mình. Nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp, Thụy Điển và các cơ quan Liên Hợp Quốc đã từng hy vọng Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu cho các nước khác. Họ giống như cộng đồng người đồng tính cũng thất vọng khi Luật HN&GĐ thông qua không có điều khoản bảo vệ quyền của cặp đôi cùng giới. 
Chẳng nhẽ quá trình này hoàn toàn thất bại? 
Ngược lại, quá trình vận động quyền của người đồng tính đã tạo ra nhiều thay đổi quan trọng. Thứ nhất, đồng tính đã chuyển từ một khái niệm vô cùng tiêu cực, là đề tài gắn với tệ nạn xã hội, gắn với những câu chuyện phiếm thị phi thành một đề tài chính thống được thảo luận trên truyền thông báo chí, trong các cơ quan chính phủ và giữa nghị trường quốc hội. Tuy chưa được bảo vệ đầy đủ, nhưng quyền của người đồng tính sẽ trở thành một trong những đích phấn đấu của VIệt Nam. Thứ hai, rõ ràng xã hội Việt Nam đã hiểu và coi đề tài đồng tính là nghiêm túc. Có nhiều người phản đối, có nhiều người ủng hộ nhưng quan trọng là mọi người sẵn sàng tham gia tranh luận, nói ra quan điểm của mình. Đây chính là điều kiện để thay đổi vì khi thảo luận con người mới hiểu ra vấn đề, tạo ra một môi trường xã hội cởi mở hơn với người đồng tính. Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, cộng đồng người đồng tính đã không còn im lặng, không còn nhẫn nhục chịu đựng sự bất công với mình. Họ đã lên tiếng, đã tự hào, và kiên trì vận động cho quyền của mình. Đây chính là động lực, là cội nguồn của những thay đổi. Nó cũng là nền tảng cho việc vận động quyền trong thời gian tới. 
Có nghĩa cộng đồng người đồng tính và các tổ chức xã hội dân sự như iSEE sẽ không dừng lại? 
Tất nhiên, con đường đi đến tự do và bình đẳng không bao giờ bằng phẳng nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục bước tới. Quyền của người đồng tính là một quyền dân sự, quan trọng như quyền của phụ nữ, của người da màu, hay của người bản địa. Để đi đến đích chắc chắn không tránh khỏi có những gian khổ, hy sinh và mất mát. Điều quan trọng là cộng đồng người đồng tính phải kiên trì, sáng tạo và không từ bỏ quyền bình đẳng chính đáng của mình. 
Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục góp ý sửa đổi các luật liên quan như Luật dân sự, Luật con nuôi, hay vận động để Việt Nam xây dựng một Luật phòng chống mọi hình thức phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung thúc đẩy chất lượng cuộc sống của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, đặc biệt là giảm định kiến kỳ thị trong gia đình và xã hội, nâng cao sức khỏe tình dục, và xây dựng kết nối cộng đồng. Việc bình thường hóa cuộc sống của các cặp đôi cùng giới, hay tăng cường sự công khai nhiều hơn của người đồng tính cũng là một chiến lược mới mà iSEE sẽ theo đuổi. 
Nếu ông được chia sẻ một điều gì đó với cộng đồng người đồng tính thì ông sẽ nói điều gì?
Tôi chia sẻ sự thất vọng của cộng đồng khi Luật hôn nhân và gia đình thông qua không có nhiều thay đổi. Cho dù, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng việc chuyển từ “cấm” qua “không thừa nhận” là một bước tiến, đặc biệt trong cách nhà nước nhìn nhận đồng tính và hôn nhân cùng giới, tôi vẫn cho rằng đây là một bước hụt so với quyền chính đáng của người đồng tính, quan niệm xã hội hiện tại và mong đợi của bạn bè quốc tế. 
Tuy nhiên, tôi vẫn chúc mừng cộng đồng người đồng tính đã tạo ra những thay đổi kỳ diệu. Nếu so với 5 năm trước đây thôi thì hiện nay người đồng tính đã có nhiều đồng minh hơn rất nhiều, kể cả trong Bộ Tư pháp, Chính phủ và Quốc hội. Chính sự ủng hộ của thanh niên và sinh viên, giới truyền thông báo chí, và đặc biệt các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước mà cộng đồng đã đi những bước dài. Tôi cũng cảm ơn họ đã tin tưởng và đồng hành cùng iSEE trong những năm vừa qua. Không có sự can đảm, đoàn kết và dũng cảm của họ chắc chắn không có nền tảng vững chắc cho những thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới. Cá nhân tôi và iSEE sẽ luôn luôn là một đồng minh trung thành, đồng hành cùng cộng đồng đi tới bình đẳng, tự do và nhân phẩm cho tất cả mọi người! 
Xin cảm ơn ông! 
Theo Diễn Ngôn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam bước hụt khi không thừa nhận hôn nhân cùng giới