Qua rà soát, đến ngày 17/3, Việt Nam có 90 người theo đạo Hồi của các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh tham dự sự kiện tôn giáo ở Malaysia.

Việt Nam có 90 người tham dự sự kiện tôn giáo ở Malaysia

18/03/2020, 06:20

Qua rà soát, đến ngày 17/3, Việt Nam có 90 người theo đạo Hồi của các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh tham dự sự kiện tôn giáo ở Malaysia.

Lực lượng chức năng xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kiểm tra, xác minh thông tin về người dân đã tiếp xúc với bệnh nhân 61 ở thôn Văn Lâm 3. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng, qua rà soát, đến ngày 17/3, Việt Nam có 90 người theo đạo Hồi của các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh tham dự sự kiện tôn giáo ở Malaysia, trong đó có một người tại Ninh Thuận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng cho biết thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan y tế, chính quyền địa phương về các biện pháp phòng, chống, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Hạn chế lây lan dịch bệnh

Đối với Công giáo, sau khi Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản hướng dẫn, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thông báo chỉ dẫn các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, chủng viện về việc phòng, chống dịch, không tập trung giáo dân để tổ chức lễ hội và chương trình hành hương đã được chính quyền chấp thuận.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế làm việc với Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh (Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam) đề nghị Giáo hội Công giáo Việt Nam đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như tạm dừng hoặc hủy bỏ các cuộc lễ, tĩnh tâm, hội họp, hành hương đông người, hoãn các cuộc tập huấn giáo lý; những giáo dân có triệu chứng sốt, ho, áp dụng biện pháp phòng ngừa đảm bảo sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định tiếp tục chỉ dẫn các giáo phận trong cả nước không tập trung đông giáo dân tại các nhà thờ; phun khử trùng một số cơ sở thờ tự có đông khách nước ngoài đến tham quan, góp phần ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Riêng đối với lễ cầu nguyện vào Chủ Nhật, do đây là lễ buộc, nên mỗi gia đình chỉ cử người đi đại diện để thực hiện nghi lễ và ra về sau buổi lễ, không tập trung đông người, không tổ chức các cuộc hội, họp.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với các Bộ Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thông tin và thống nhất, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn các cơ sở thờ tự tạm dừng tổ chức các lễ hội, khóa tu đông người; khuyến khích đeo khẩu trang, rửa tay… khi đến chùa đọc kinh, cầu nguyện; phát tờ rơi về phòng chống dịch bệnh cho tăng ni, phật tử.

Với các trường hợp có người đi/về từ vùng dịch có biểu hiện ho, sốt, khó thở, khẩn trương đến cơ sở y tế khám và điều trị, cách ly...

Các Tuệ Tĩnh đường tham gia ứng phó cùng các cơ sở y tế trong việc chăm sóc những trường hợp có biểu hiện nguy cơ lây nhiễm; không tung tin thất thiệt về dịch bệnh, nhằm tránh những hoang mang trong xã hội.

Các tổ chức, hệ phái Tin lành đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã chủ động thông tin đến các Hội thánh, các điểm nhóm trực thuộc, chức sắc, chức việc và tín đồ về nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19; yêu cầu các hội thánh, điểm nhóm hạn chế các hoạt động, sinh hoạt tập trung đông người, tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh.

Tại Việt Nam hiện có khoảng 8.000 người Hàn Quốc theo đạo Tin lành, sinh hoạt tôn giáo tập trung tại 48 điểm nhóm. Số người này thường xuyên ra, vào Việt Nam, có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước thông tin dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh chóng tại Hàn Quốc và một số quốc gia ngoài Trung Quốc (Nhật Bản, Italia, Iran…), Ban Tôn giáo Chính phủ đã hướng dẫn các tổ chức Tin lành người nước ngoài thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời cung cấp thông tin, lập danh sách những chức sắc, tín đồ đi qua vùng dịch (nếu có) khi nhập cảnh Việt Nam.

Các tổ chức tôn giáo hợp pháp khác như Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Cao Đài, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo… cũng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, tạm dừng tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh (phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho người dân; in thông báo, tờ rơi dán tại các cơ sở thờ tự, các phòng khám, phát thuốc…), không tán phát thông tin sai lệch về dịch bệnh.

Rà soát số người dự sự kiện tôn giáo Istimah

Cũng theo Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng, từ ngày 27/2 đến 1/3, tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpur, Malaysia đã diễn ra sự kiện tôn giáo (Istimah), tập trung khoảng 16.000 tín đồ Hồi giáo đến từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo thông tin của Bộ Y tế Malaysia, ngày 14/3, Malaysia đã tìm được khoảng 4.900 công dân tham dự sự kiện, hơn 1.600 người trong số đó đã có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.

Trước sự gia tăng nhanh chóng những người nhiễm bệnh, chủ yếu là những người đã tham dự sự kiện tôn giáo trên, ngày 16/3, Thủ tướng Malaysia tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 2 tuần để ứng phó với dịch COVID-19.

Đến ngày 16/3, Brunei Darussalam có 40 người và Singapore cũng có một số người trở về từ sự kiện trên bị phát hiện mắc COVID-19.

Qua rà soát, đến ngày 17/3, Việt Nam có 90 người theo đạo Hồi tham dự sự kiện này, trong đó có một người tại Ninh Thuận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Sau khi có công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Ninh Thuận đã gặp trực tiếp người bệnh để hướng dẫn cách ly và rà soát số người đi Malaysia.

Hiện nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã rà soát, lập danh sách những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân để đưa vào cách ly tập trung, theo dõi. Những trường hợp tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2) cũng được lập danh sách để cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo các địa phương trên rà soát những người đã tham gia sự kiện, hướng dẫn tự cách ly, thực hiện khai báo y tế và đến các sơ sở y tế để làm các xét nghiệm liên quan.

Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đưa 3 người ở xã Phước Nam đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ban Tôn giáo các địa phương hướng dẫn Ban Quản trị các thánh đường Hồi giáo trên địa bàn không nên tổ chức các cuộc họp, lớp học về tôn giáo, các cuộc lễ tập trung đông người, không mời người nước ngoài vào hoạt động tôn giáo cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch; vận động chức sắc, chức việc, người có đạo không tham gia các hội nghị, hội thảo... ở nước ngoài có sự tham gia của tín đồ Hồi giáo từ nhiều quốc gia.

Cùng với đó, Ban Tôn giáo tiếp tục tăng cường tuyên truyền để chức sắc, chức việc, người có đạo nhận thức rõ về tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch COVID-19 và cách phòng, chống dịch bệnh, tự nâng cao ý thức phòng dịch bệnh theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan y tế tại địa phương, kịp thời thông tin các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để có phương án cách ly, theo dõi điều trị, không để lây lan trong cộng đồng, góp phần kiềm chế dịch bệnh.

“Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiếp tục hướng dẫn lãnh đạo các tổ chức tôn giáo Việt Nam hạn chế việc giao lưu, hội họp, chia sẻ với các tổ chức tôn giáo ở bên ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, các nước Hồi giáo… Phối hợp với các bộ, ngành tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tăng cường các giải pháp vệ sinh, khử trùng…, không để các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài trở thành ổ dịch COVID-19," ông Vũ Chiến Thắng cho hay.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có 90 người tham dự sự kiện tôn giáo ở Malaysia