Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay vừa qua là Trung Quốc cho thấy một điểm chung là có một khoảng thời gian đạt mức tăng trưởng cao (thường là 2 con số) liên tục trong suốt 20-30 năm. Việt Nam, dù cũng muốn tăng trưởng cao, chưa đạt được như thế.
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hàng năm luôn được đặt lên hàng đầu trong số các nhiệm vụ của Chính phủ, trong khi đó một số các chỉ số khác được đánh giáthực chất hơn (như bình quân thu nhập đầu người, sức khỏe của các ngành và khu vực kinh tế…) thường ít được coi trọng hơn.
Về lý thuyết, dù tốc độ tăng trưởng chỉ là một trongnhững chỉ số vĩ mô phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nó vẫn là một trong những chỉ số quan trọng. Kể cả khi các chỉ số khác có mức tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng chung đi nữathì nếu như GDP có thể đạt mức tăng cao và liên tục trong một thời gian dài cũng đồng nghĩa với các chỉ số khác sẽ tự động được cải thiện.
Kinh nghiệm các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay vừa qualà Trung Quốc cho thấy, điểm chung giữa các nước này là có một khoảng thời gian đạt mức tăng trưởng cao (thường là 2 con số) liên tục từ 20-30 năm. Có thể nói, về mặt nào đó,"nghiện tăng trưởng" cao chính là con đường dẫn đến sự phát triển thịnh vượng thực sự của một nền kinh tế.
Vậy Việt Nam có phải là một nước nghiện tăng trưởng như vậy? Câu trả lời là: Không. Chúng ta đề cao việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hàng nămnhưng lại không đặt ra mục tiêu cao nhất tương xứng với tiềm năng, cũng không tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.
Lấy ngay năm 2017 vừa qua làm ví dụ. Con số tăng trưởng 6,81% của năm 2017 là mức tăng trưởng cao nhất của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây, vì thế cũng là dễ hiểu khi ai cũng vui mừng. Nhưngthực tế đó là một mức tăng trưởng dưới tiềm năng.
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấynếu bóc tách số liệu và không tính lĩnh vực khai khoáng (vốn có mức tăng trưởng âm liên tiếp trong 2 năm trở lại đây)thì tăng trưởng thực của kinh tế Việt Nam 2017 lên tới 7,9%, cao hơn nhiều con số 6,81% (theo CafeF). Một số nhà kinh tế cũng đã chỉ ra rằng,Việt Nam đã lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng cho các dự án thua lỗ và lãng phí của một loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc các bộ, ngành mà nền kinh tế 2017 vẫn tăng tới 6,81%thì mức tăng trưởng sẽ còn cao đến đâu nếu số tiền lớn đến thế không bị lãng phí.
Có thể thấy, yếu tố kéo lùi tăng trưởng thực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 cũng như các năm trước đâyđều thuộc về khu vực DNNN. Đó là ngành khai khoáng và các dự án công nghiệp-thương mại thuộc các bộ, ngành. Về lý thuyết, một nền kinh tế có quy mô khoảng 220 tỉ USD và có độ mở lớn như Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 10%/năm là điều trong tầm tay. Nhưng trong vòng 10-20 năm qua chúng ta cứ lẹt đẹt ở mức tăng trưởng dưới 10% và tự thuyết phục nhau rằng đó là cao rồi.
Nếu thực sự là một quốc gia "nghiện tăng trưởng" như Nhật Bản hay Hàn Quốc trong quá khứ và mới đâylà Trung Quốc, lẽ ra Việt Nam cần giải quyết dứt điểm những con bệnh đang kéo lùi nền kinh tế và mức tăng trưởng trong hàng chục năm qua từ lâu. Báo chí gần đây đề cập đến việc các bộ, ngành tuyên bố đã có giải pháp chống thua lỗ cho hàng chục dự án ngàn tỉnhưng ai sẽ trả lại cho Việt Nam chi phí cơ hội và cơ hội tăng trưởng đã đổ xuống sông xuống biển từ nhiều năm qua? Nếu thực sự là một nước nghiện tăng trưởng, lẽ ra Việt Nam đã phải bán hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn từ lâu và tập trung vào hoàn thiện hạ tầng cơ sở rồi.
Một cách căn bản, tăng trưởng cao đến từ việc sử dụng vốn một cách hiệu quả nhất có thể. Và khi mà hiệu quả sử dụng vốn của DNNN chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp tư nhân, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cuối năm 2017,thì làm sao kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao khi hàng triệu tỉ đồng vốn vẫn đang nằm trong khu vực DNNN? Trên thực tế, Việt Nam hiện thích tăng trưởng cao nếu so sánh như một người gãy chân muốn đi nhanhvà đang tự hài lòng với tốc độ di chuyển theo kiểu khập khiễng đó hơn là tốc độ cao nếu như cả hai chân đều lành.
"Nghiện tăng trưởng" chẳng có gì sai, nếu như Chính phủ luôn nỗ lực tìm mọi biện pháp để đẩy tăng trưởng lên mứccao nhất có thể, tương xứng với tiềm năng và bền vững. Còn nếu như chưa xứng với tiềm năng,tăng trưởng có cao đến mấy cũng chỉ là "vịt què".
Nhàn Đàm