Theo đại biểu quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), nếu tận dụng tốt cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, hệ sinh thái và năng lượng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Nhịp đập khoa học

Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu

Lam Thanh 05/11/2024 10:45

Theo đại biểu quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), nếu tận dụng tốt cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, hệ sinh thái và năng lượng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, giai đoạn 2040-2050 (giai đoạn 3) nước ta trở thành quốc gia thuộc nhóm những nước đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm.

Có thể thấy, chiến lược này là căn cứ quan trọng với các định hướng, mục tiêu và giải pháp nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong tương lai.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn để phát triển vấn đề này, nổi lên là công nghệ và nhân lực.

Nói với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cuộc đua lĩnh vực bán dẫn đang nóng lên toàn cầu và Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất này. Điều này góp phần không nhỏ trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng với hàm lượng công nghệ lớn cho Việt Nam.

Dù vậy, ông Thịnh cũng cho rằng để tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần nhanh chóng đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ cao, cụ thể là đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030 như mục tiêu đề ra. Đây là bài toán khó cần phải giải quyết.

Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng cần rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo môi trường để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo ông Minh, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau và rất phân tán; chưa có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

minh-1.jpg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Duy Minh phát biểu

Ngoài ra, theo ông Minh, việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại một số địa phương vẫn còn chậm. Việc sử dụng tài sản công hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, quy trình, thủ tục thanh toán của các sản phẩm ý tưởng, mô hình được nhận hỗ trợ kinh phí của ngân sách nhà nước còn khó khăn…

Ông Minh đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Minh cũng cho rằng cần chỉ đạo rà soát, đổi mới chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên trong các chuyên ngành về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vi mạch bán dẫn; thu hút các nhà khoa học trẻ, chuyên gia giỏi, đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cũng nêu đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn mà nhiều quốc gia hiện nay đang theo đuổi, đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.

Trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đại biểu Nghĩa cho rằng có thể đào tạo từ nguồn tri thức tinh hoa; quan tâm đào tạo, chọn lọc những học sinh, sinh viên có năng lực vượt trội để nguồn lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn bảo đảm chất lượng.

Cùng với đó, đại biểu Nghĩa đề nghị Chính phủ cần có chính sách đột phá trong việc đãi ngộ, trọng dụng để dẫn dắt nền khoa học công nghệ nước nhà, nhất là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

minh-2-nghia.jpg
Đại biểu quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ)

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cũng đánh giá Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Theo bà Tú Anh, trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia.

“Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Nếu tận dụng tốt cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, hệ sinh thái và năng lượng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, bà Tú Anh nói.

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, hiện Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt về công nghệ và nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư thiết kế chip và nhà khoa học vật liệu. Chương trình đào tạo chưa được cập nhật và chất lượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.

Thêm nữa, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Nguồn cung cấp điện ổn định và năng lượng sạch chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn…

Đại biểu Trịnh Tú Anh đề nghị cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy hợp tác công-tư để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

minh-3-tu-anh.jpg
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)

Ngoài ra, bà Tú Anh cũng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình đào tạo; bổ sung các quy định cụ thể trong các luật liên quan để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác; đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn điện ổn định cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Về nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn.

Theo Bộ trưởng Sơn, đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.

“Cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu