Doanh nhân Mỹ William Badger khẳng định Việt Nam có vị thế mạnh tại châu Á, và Tổng thống Mỹ tân cử Joe Biden sẽ rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.
Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với ông William P. Badger, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại trường Concordia International School, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham). Trong cuộc phỏng vấn, vị doanh nhân Mỹ bày tỏ lòng biết ơn khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam giúp ông giữ được cả sự an toàn lẫn công việc kinh doanh.
Những tháng cuối năm 2020, từ Việt Nam, ông Badger theo dõi sát sao cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Khi chiến thắng nghiêng về ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, ông hào hứng nhận định chính quyền mới của Mỹ sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi nhờ sự ủng hộ tự do hóa thương mại toàn cầu và mong muốn đẩy mạnh mối quan hệ với các nước đồng minh.
- Theo ông, chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ có tác động như thế nào đến các chính sách kinh tế hiện tại giữa Mỹ và Việt Nam?
- Tôi tin rằng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 sẽ có lợi cho Việt Nam. Nếu bạn còn nhớ, ông Biden là phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama. Trong giai đoạn đó, ông Obama đã nói về việc tăng cường mối quan hệ với Đông Nam Á.
Trong lịch sử, ông Biden cũng được biết đến là người coi châu Á như một đối tác thân thiết. Theo tôi, các chính sách chung đối với châu Á sẽ không thay đổi. Đó là khu vực chiến lược quan trọng của Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng tiếp tục coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng về mặt ngoại giao và thương mại. Điều này giúp đất nước các bạn hưởng lợi.
- Vậy Việt Nam sẽ hưởng lợi như thế nào từ những thay đổi chính sách dưới thời ông Biden, thưa ông?
- Theo tôi, hãy tạm dừng nhìn vào các thay đổi liên quan đến ông Biden mà tập trung đến những điều mà Việt Nam đã làm được. Hãy nhìn vào sự ổn định của Việt Nam, cách đất nước các bạn đối phó với dịch Covid-19 và những hiệp định thương mại toàn cầu quan trọng.
Trong thời gian qua, Việt Nam không chỉ là một trong những đất nước kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, mà còn ký kết nhiều hiệp định quan trọng, tiêu biểu là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều quan trọng là hiệp định này sẽ mang tới tác động lan tỏa, giúp Việt Nam không chỉ hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu mà còn các công ty Mỹ.
Liên minh châu Âu muốn ký hiệp định thương mại tự do với các quốc gia châu Á và Việt Nam là quốc gia đi trước. Để thúc đẩy quá trình này, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ. Chúng ta đang ngồi đây, ở một quốc gia an toàn nhất thế giới trong "kỷ nguyên Covid-19". Điều đó cũng khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Ngoài ra, tôi tin rằng chính quyền ông Joe Biden sẽ đưa ra những chính sách ổn định, có thể dự đoán trước giữa Mỹ và các đối tác trên toàn cầu. Đó cũng là một thay đổi rất tích cực.
Bạn biết đấy, có một tỷ lệ rất lớn thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông và ông Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với các tuyến đường hàng hải. Điều này không chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Việt Nam mà còn thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của tôi, thực tế là Việt Nam hưởng lợi nhiều dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama hơn thời Tổng thống Donald Trump, nhất là trên phương diện thương mại. Chẳng hạn, cáo buộc thao túng tiền tệ của chính quyền ông Trump đối với Việt Nam có thể dẫn đến những tác động tiêu cực.
- Ông Joe Biden hứa hẹn đẩy mạnh mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh nếu đắc cử. Theo ông, liệu chính quyền ông Biden có khả năng tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
- TPP ra đời dưới nhiệm kỳ của ông Obama với mục đích tạo ra một mạng lưới thương mại không bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP và chọn cách tiếp cận đơn phương với Bắc Kinh.
Trong suốt bốn năm qua, Mỹ không kết hợp với các đồng minh, thậm chí tự cô lập khỏi những đồng minh truyền thống. Tôi lạc quan rằng với chính quyền mới, Mỹ sẽ xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh.
Việt Nam hiện có một vị thế rất mạnh. Các bạn không chỉ là đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn là đối tác của Liên minh châu Âu - một đồng minh lâu năm của Mỹ - với EVFTA. Như đã nói ở trên, điều này sẽ tạo sức mạnh lan tỏa giúp mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng bền chặt.
Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền ông Biden có tái gia nhập TPP, nay là CPTPP, hay không. Với tư cách một doanh nhân Mỹ sống lâu năm tại Việt Nam, tôi rất mong muốn điều đó. Tuy nhiên, tôi không đánh giá khả năng này quá cao vì còn nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh TPP mà Mỹ cần chú trọng.
Tôi tin ông Biden sẽ tìm cách để giải quyết vấn đề này và thúc đẩy các chính sách đôi bên cùng có lợi. Ông ấy được biết đến là một chính trị gia rất giỏi trong việc thỏa thuận ở cả bên trong và bên ngoài nước Mỹ.
- Ông nhận định ra sao về các chính sách đối với Trung Quốc dưới thời ông Biden? Làn sóng chuyển dịch FDI ra khỏi Trung Quốc có tiếp tục không thưa ông?
- Tôi cho rằng ông Biden vẫn sẽ không thay đổi lập trường đối với Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc là một vấn đề toàn cầu. Các công ty đang thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất sang những thị trường khác, trong đó có Đông Nam Á.
Cách tiếp cận của ông Biden có thể khác với Tổng thống Trump nhưng vẫn rất cứng rắn. Tuy nhiên, ông ấy sẽ dùng những biện pháp mang tính ngoại giao và xây dựng hơn. Chính quyền ông Biden cũng không làm một mình mà kết nối chặt chẽ với các đồng minh.
Còn đối với Việt Nam, các bạn đang có những bước tiến dài để trở thành một quốc gia toàn cầu, từ việc ký kết EVFTA đến kiểm soát tốt dịch Covid-19. Với tất cả điều này, Việt Nam có thể thuyết phục doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
- Theo ông, ngành công nghiệp nào tại Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất dưới thời ông Biden?
- Nếu chiến thắng của ông Biden giúp Mỹ tái gia nhập TPP, rất nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam có thể hưởng lợi, nhưng ngành sản xuất sẽ hưởng lợi lớn nhất.
Ngoài ra, sự ổn định trong Nhà Trắng và cách tiếp cận mới để đánh bại dịch Covid-19 có thể đưa nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng. Điều này có tác động tích cực đến những nền kinh tế như Việt Nam. Chẳng hạn, sản xuất và tiêu dùng ở Mỹ phục hồi sẽ tốt cho ngành sản xuất tại Việt Nam.
undefined
- Theo ông, Việt Nam cần phải lưu ý điều gì khi thu hút dòng FDI trong tương lai?
- Với EVFTA, Việt Nam không chỉ tăng cường sức hút với các doanh nghiệp châu Âu mà còn những công ty Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và từ nhiều quốc gia khác. Không những thế, Việt Nam còn là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương vào thời kỳ Covid-19. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế của đất nước các bạn.
Đặc biệt, Việt Nam còn cam kết phát triển lĩnh vực công nghệ và đầu tư vào giáo dục. Điều này giúp các bạn có một tương lai rất sáng. Vì vậy, khi doanh nghiệp nước ngoài muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý tiếp theo.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý khi thu hút làn sóng FDI là môi trường. Trong hai năm qua, vấn đề môi trường, nhất là chất lượng không khí, ngày càng đáng quan tâm.
Từ góc độ giáo dục, chúng tôi - một trường quốc tế - không chỉ phục vụ người Việt Nam mà còn con cái của những nhà ngoại giao và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các nhà ngoại giao và nhà đầu tư này không muốn đưa gia đình, con cái đến Việt Nam vì vấn đề chất lượng không khí, điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành giáo dục và cả nền kinh tế nói chung.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn là một quốc gia tuyệt vời và thoải mái để sinh sống. Nếu đất nước các bạn có thể cải thiện chất lượng không khí và giải quyết một số vấn đề về môi trường, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Đã có một số khoản đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng mặt trời và dự án điện gió đến Việt Nam trong những năm qua. Tôi cho rằng đây là một bước đi đúng hướng. Môi trường không phải vấn đề của riêng Việt Nam hay Mỹ mà là vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam có cơ hội để đi trước các quốc gia khác, trở thành mô hình mẫu cho những nước khác ở khu vực trong việc áp dụng chính sách tích cực với môi trường.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng sẽ có một tiềm năng tăng trưởng việc làm rất lớn ở cả Việt Nam và Mỹ nhờ sự phát triển của các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, điện gió và một số lĩnh vực tương tự.
Vì vậy, theo tôi, việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý trong việc bảo vệ môi trường sẽ giúp ích cho chính người dân Việt Nam, cũng như thu hút đầu tư và đưa Việt Nam trở thành hình mẫu thế giới.
- Ông có thể chia sẻ về những năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam với tư cách một doanh nhân nước ngoài không?
- Tôi đã sống ở Việt Nam 23 năm và chứng kiến sự phát triển thần tốc của đất nước, nhất là về kinh tế. Việt Nam cũng cam kết tiếp tục phát triển thịnh vượng và trở thành người chơi toàn cầu trong nhiều lĩnh vực.
Với tư cách là một doanh nhân Mỹ tại Việt Nam, tôi cho rằng đất nước các bạn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Riêng đối với Concordia International School, nhờ thành tích học tập cao, học sinh của chúng tôi tại Việt Nam đã được chọn vào những trường đại học như Đại học Princeton, Đại học Stanford, Đại học Dartmouth, Đại học Duke, UCLA, USC, Đại học Toronto, Đại học McGill...
- Trong 23 năm qua, ông đã chứng kiến sự thay đổi như thế nào về cái nhìn của các doanh nhân và nhà đầu tư Mỹ đối với Việt Nam, thưa ông?
- Việt Nam và Mỹ mới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa mối quan hệ. Kể từ năm 1993, khi tôi đến Việt Nam để nghiên cứu, cho đến nay, đã có rất nhiều thay đổi đáng kể. Cả hai quốc gia đều xây dựng lại mối quan hệ một cách tích cực và thiện chí.
Cái nhìn về Việt Nam cũng thay đổi đối với những doanh nghiệp Mỹ cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất. Đất nước các bạn ngày càng được biết đến là một đối tác thương mại quan trọng, một điểm đến đầu tư hấp dẫn với mối quan hệ tương lai ngày một tốt đẹp lên.
Còn đối với những công ty Mỹ đang làm việc tại Việt Nam, đây là một thời điểm rất tuyệt vời. Tất cả đều biết ơn sâu sắc vì cách Việt Nam bảo vệ chúng tôi và gia đình khỏi dịch Covid-19. Đất nước các bạn là một trong những nơi an toàn nhất hành tinh. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn cách Việt Nam mang lại sự an toàn, giúp nền kinh tế và các doanh nghiệp sống sót.
Với việc đánh bại dịch Covid-19, EVFTA và sự chú trọng ngày càng gia tăng dành cho lĩnh vực công nghệ, Việt Nam là câu chuyện thành công rất hấp dẫn cho nhà đầu tư. Nhìn vào đất nước này, tôi tin rằng các bạn có một tương lai rất tươi sáng.