Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được, trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Việt Nam đặt mục tiêu dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo vào năm 2030

Thu Anh | 08/09/2019, 13:44

Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được, trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày 22.8.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (gọi tắt là “Chiến lược”). Chiến lược do Bộ KH-CN chủ trì xây dựng, với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Các hợp phần nội dung của Chiến lược được xây dựng theo chu trình của hoạt động sở hữu trí tuệ, bao gồm các khâu sáng tạo, xác lập, bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Chiến lược định hướng sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn tới theo 3 quan điểm chỉ đạo lớn. Cụ thể, phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…

Chính sách sở hữu trí tuệ là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, Chiến lược đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được. Thứ nhất, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Thứ ba, hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.

Thứ tư, tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Thứ năm, hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao. Cụ thể, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược nêu rõ cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ…

Thu Anh
Bài liên quan
TP.HCM: Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được đánh giá năng động nhất nước
Ngày 28.3, UBND TP.HCM tổ chức chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo (ĐMST) TP.HCM. Trong buổi gặp gỡ, lãnh đạo TP.HCM lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ quá trình khởi nghiệp, ĐMST.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đặt mục tiêu dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo vào năm 2030