Sử dụng bền vững nguồn nước Mekong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc hỗ trợ xả nước khắc phục hạn, mặn

Một Thế Giới | 15/03/2016, 05:16

Sử dụng bền vững nguồn nước Mekong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Ngày 14.3.2016, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng về thông tin liên quan đến việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo, bà Phạm Thu Hằng khẳng định việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Do đó, Phó phát ngôn của Bộ ngoại giao cho biết Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mekong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

"Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15.3 đến 4.4.2016", bà Hằng cho biết.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mức độ xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40- 60 km, với tỷ lệ độ mặn từ 1 đến 3 phần nghìn, có nơi 5- 6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5. Trong ba ngày tới - cao điểm đợt xâm nhập mặn tháng 3-2016, khả năng lấy nước ngọt ở vùng cách cửa biển 30- 45 km gần như không có, vì nước nhiễm mặn 4g/l (độ mặn gấp 16 lần tiêu chuẩn lấy nước ngọt) sẽ lấn sâu vào khu vực này. Phải sau ngày 18.3, khi triều xuống thấp, mặn giảm dần, khu vực này mới có thể lấy được nước ngọt.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tính đến ngày 13.3, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại gần 162 nghìn ha lúa, 14 nghìn ha hoa màu, gần 7.000 ha cây ăn quả. Ngoài ra, có 167 nghìn ha lúa có nguy cơ bị thiệt hại; tám nghìn ha lúa, cà phê, hồ tiêu, hoa màu phải dừng sản xuất.
P.V 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tiếp cận vốn
Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) Việt gặp phải theo khảo sát PCI 2023, là tiếp cận vốn (57,1% DN), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%)…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đề nghị Trung Quốc hỗ trợ xả nước khắc phục hạn, mặn