Chiều 30.3, tại buổi họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.
Chiều 30.3, tại buổi họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đang gia tăng, đặc biệt là các nước trong khu vực (Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia) cũng đã lưu hành vi rút này. Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể và dễ lây lan trên diện rộng do có sự giao lưu, đi lại, thương mại, du lịch rộng rãi với các quốc gia đang có dịch.
Đồng thời, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương; đây cũng là loại muỗi truyền bệnh do vi rút Zika. Bên cạnh đó, phần lớn bệnh nhân nhiễm vi rút Zika (80%) không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Đặc biệt là chưa có miễn dịch trong cộng đồng và người dân chưa tự giác, chủ động thực hiện việc ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy...
Trước tình hình trên, ngành y tế đã tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, đáp ứng phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao để triển khai biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, bao gồm giám sát tại các cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt là tại các phòng khám đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika.
Cả nước hiện có 11 đơn vị có khả năng chuyên môn để xét nghiệm, bao gồm 6 cơ sở tuyến Trung ương và 5 đơn vị tuyến tỉnh; trong đó 3 đơn vị đã tiến hành xét nghiệm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành y tế thực hiện giám sát các trường hợp đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thông qua hệ thống sản nhi...
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Thời gian tới, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika hiệu quả, Bộ Y tế nâng mức độ cảnh báo phòng chống dịch bệnh theo tình huống 2 (coi như đã có trường hợp mắc bệnh); thành lập 4 đội đáp ứng nhanh tại tuyến Trung ương và khu vực sẵn sàng ứng phí dịch bệnh; đồng thời thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh năm 2016 để kiểm tra, giám sát tại các tỉnh trọng điểm có nguy cơ cao trong cả nước.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết” – đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay...
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp và Việt Nam là nước có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập cao. Việt Nam nâng cấp lên báo động 2 (coi như đã có trường hợp mắt bệnh); tăng cường phối hợp giám sát, tổ chức các đoàn kiểm tra; thông tin cho các cơ quan truyền thông kịp thời, công khai, minh bạch. Tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không cần áp dụng tờ khai y tế về bệnh do vi rút Zika.
Trước tình hình trên, thời gian tới, việc lấy mẫu xét nghiệm cần tập trung vào nơi có nhiều nguy cơ như: có nhiều khách du lịch nước ngoài ở lại, xung quanh nhà hàng, khách sạn, nhân viên phục vụ tại nhà hàng, khách sạn và những nơi gần sân bay, bến cảng. Đặc biệt, không lấy nhiều mẫu tại bệnh viện vì Việt Nam chưa xuất hiện vi rút Zika. Các Viện khi làm xét nghiệm xác định vi rút Zika trong phòng xét nghiệm cần thận trọng, chính xác khi công bố kết quả.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Biện pháp hiệu quả hiện nay chính là phòng chống muỗi, diệt lăng quăng; đậy kín, lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước và thả cá vào các dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng. Truyền thông phải đi trước một bước để người dân hiểu và tự phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai và dự định có thai để tránh tình trạng đầu nhỏ ở trẻ em...
Thu Phương/TTXVN