Chính sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, lỏng lẻo trong kiểm soát đã tạo lỗ hổng cho doanh nghiệp tìm cách lách luật, thực hiện các hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan.

Việt Nam phối hợp quốc tế chống dịch chuyển lợi nhuận

VGP | 22/02/2017, 22:59

Chính sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, lỏng lẻo trong kiểm soát đã tạo lỗ hổng cho doanh nghiệp tìm cách lách luật, thực hiện các hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan.

Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại các nước họ đang tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm chuyển lợi nhuận sang nơi có mức thuế suất thấp hơn. Do đó, các quốc gia cần hợp tác toàn diện hơn để thực hiện đối phó với xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Base erosion and profit shifting - BEPS).

Đó là nội dung được trao đổi tại Hội thảo Triển khai Chương trình hành động BEPS trong khuôn khổ APEC 2017 ngày 22.2, theo sáng kiến của Việt Nam tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Gian lận thuế ngày càng phổ biến

BEPS là hành vi trốn thuế của người nộp thuế. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không.

Theo các chuyên gia, việc này đang ngày càng trở nên phổ biến và được thiết lập thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cơ sở thường trú hay "thiên đường thuế".

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Vì đến năm 2018, phần lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ bước vào giai đoạn xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sâu, có tác động không nhỏ tới thâm hụt thu NSNN. Do đó, việc triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu ngân sách bền vững, hiệu quả là cần thiết.

Việc triển khai Đề án BEPS giúp ngành thuế ứng phó kịp thời với những tác động của quá trình hội nhập trên cơ sở đề xuất một số giải pháp về chính sách và nộp thuế thông qua hành vi chuyển giá, rủi ro thất thu thuế từ các giao dịch qua biên giới, ngăn ngừa việc lợi dụng các quy định về cơ sở thường trú, ưu đãi, miễn giảm của hiệp định về thuế để trốn, tránh thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, ngăn ngừa việc lợi dụng chi phí lãi vay nội bộ để tối thiểu hóa lợi nhuận tính thuế.

Thực tế, hành động của các cơ quan thuế là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia lớn cũng không chịu ngồi yên mà tìm đang tích cực tìm cách lách luật tinh vi hơn. Theo kết quả khảo sát của Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, hơn 50% doanh nghiệp đã chuẩn bị xây dựng các bước dựa trên Dự thảo Báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS).

Cần phải thừa nhận rằng, ở Việt Nam, hành vi chuyển giá gần đây đã diễn ra phức tạp, xuất hiện trong nhiều loại hình doanh nghiệp có quan hệ liên kết kinh tế với nhiều hình thức khác nhau, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Chính sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, lỏng lẻo trong kiểm soát đã tạo lỗ hổng cho doanh nghiệp tìm cách lách luật, thực hiện các hành vi gian lận trong kê khai thuế, hải quan. Thủ đoạn này không chỉ có ở các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia, mà ngày nay cả các doanh nghiệp trong nước cũng có biểu hiện của hành vi gian lận, chuyển giá nội địa.

Chuyển giá trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý thuế bởi hoạt động này đang phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhiều loại hình mới cùng với sự thay đổi thói quen tiêu dùng. Trong khi đó, không phải cán bộ thuế nào cũng có khả năng về công nghệ thông tin, xác định giá trị thực giá bán cũng như tài sản vô hình…

Từ những thực tiễn trên cho thấy BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có một giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương. Vì khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.

Cần phối hợp đồng bộ hơn giữa các quốc gia

Việc ngăn chặn BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam để giúp bảo vệ nguồn thu chính đáng bị ảnh hưởng từ hành vi trốn thuế, mà rõ nhất là chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Để bảo đảm các giải pháp về BEPS được triển khai hiệu lực, hiệu quả, đồng thời để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp này trong quá trình triển khai, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thiết lập Diễn đàn hợp tác chung bao gồm các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD và G20 cùng thực hiện triển khai Diễn đàn hợp tác chung BEPS trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các nước đang phát triển.

Riêng đối với các nước không phải là thành viên của OECD, điều kiện tham gia Diễn đàn này là phải cam kết thực hiện tối thiểu 4 tiêu chuẩn.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, khi tham gia chương trình này, các nước thành viên sẽ nhận được sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi các thông tin liên quốc gia, bảo đảm thu hiệu quả hơn từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Đại diện ngành thuế cho biết, Việt Nam đang xin chủ trương tham gia vào Diễn đàn này với cam kết thực hiện 4 tiêu chuẩn tối thiểu.

Để triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn, ông Đặng Vũ Minh cho biết, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã thành lập Ban công tác về triển khai Chương trình hành động BEPS. Ban này có nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Chương trình BEPS; nghiên cứu, rà soát đánh giá 4 tiêu chuẩn tối thiểu để tham gia Diễn đàn hợp tác chung về BEPS; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi bổ sung về chính sách, pháp luật liên quan đến thực hiện Chương trình BEPS.

Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, lợi ích, tác động, thuận lợi và thách thức khi tham gia Diễn đàn hợp tác chung về BEPS của OECD ở cấp quốc gia sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

“Chia sẻ của các quốc gia thành viên sẽ là thông tin quan trọng để Bộ Tài chính xây dựng chương trình chính sách pháp luật quốc gia, tăng cường công tác hợp tác quốc tế phục vụ cho vấn đề quản lý thuế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Minh nói.

Ông Richard E. Stern, Trưởng nhóm chuyên gia về thuế của WB, cho rằng, cần có sự phối hợp chia sẻ nhiều hơn giữa các quốc gia về những vấn đề thuế mà họ phải đối mặt. Chuyên gia WB đánh giá, Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến rất lớn về hợp tác, trong đó có hợp tác thuế quốc tế. Nhưng thời gian tới, Việt Nam cần áp dụng nhiều hơn những kinh nghiệm, kiến thức từ những quốc gia khác, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, để tăng cường hiệu quả về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Các quan chức tài chính, chuyên gia thuế của các nền kinh tế APEC, WB, OECD, Tổng cục Thuế các nước sẽ trao đổi chuyên sâu tại Hội thảo, từ đó đúc kết thành bản báo cáo ban đầu, đưa ra kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức vào ngày 23-24.2. Từ đó, các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua kiến nghị về cơ chế phối hợp hay tăng cường hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật để thực thi Chương trình hành động BEPS trong APEC vào tháng 10.2017.

Theo VGP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam phối hợp quốc tế chống dịch chuyển lợi nhuận