Lượng điện mua từ Lào vào năm 2020 là 1.200 MW, tăng 200 MW so với dự kiến ban đầu và sẽ tăng lên gấp 4,5 lần sau 10 năm.
Chiều 4.1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua bán điện với hai doanh nghiệp năng lượng lớn của Lào là Tập đoàn Phongsubthavy và Công ty TNHH Năng lượng Chaleun Sekong.
Với Tập đoàn Phongsubthavy, EVN ký Hợp đồng mua bán điện đối với Nhà máy Thủy điện Nậm San 3A (công suất 69 MW) và Nậm San 3B (công suất 45 MW) thuộc Cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô.
Với Công ty TNHH Năng lượng Chaleun Sekong, EVN ký Hợp đồng mua bán điện đối với Nhà máy Thủy điện Nam Kong 2 (công suất 66 MW), Nam Kong 3 (công suất 54 MW) và Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (công suất 129 MW)
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các hợp đồng mua bán điện này ký kết và đi vào triển khai có ý nghĩa thiết thực triển khai, tăng cường quan hệ mua bán điện giữa hai nước và có ý nghĩa quan trọng đối với nhu cầu năng lượng để phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lào trong thời gian tới.
Tháng 2.2019, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án: nhà máy thủy điện (NMTĐ) Nam Kong 1, 2, 3 (Tỉnh Atapeu) và Nam Emoun (Tỉnh Sekong); Cụm NMTĐ Nậm Mô (Tỉnh Xiêng-khoảng), dự án Thủy điện Nậm Sum (Tỉnh Hủa Phăn).
Hai Bên đã triển khai đàm phán và đã thống nhất hợp đồng mua bán điện của phần lớn các dự án NMTĐ đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu bao gồm Nam Kong 2, 3, Nam Emoun, Nam Sun 3A, 3B.
Trong khi đó, lượng điện mua từ Lào vào năm 2020 là 1.200 MW, tăng 200 MW so với dự kiến ban đầu và sẽ tăng lên gấp 4,5 lần sau 10 năm. Quan điểm này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về thúc đẩy hợp tác với Lào ngày 7.12.2019.
Việc tăng mua điện từ Lào được đánh giá giúp tăng kim ngạch hai chiều giữa hai nước, đồng thời tăng nguồn điện cho Việt Nam trong bối cảnh dự báo sẽ thiếu điện từ năm 2020.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỉ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỉ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ và 3,5 tỉ kWh vào các năm 2024-2025.
Lãnh đạo Bộ Công Thương từng cho rằng, nhiều nhất chỉ có thể tiết kiệm điện 5-8%, nên chỉ còn cách bù nguồn điện hiện thời là mua thêm từ Lào, Trung Quốc. Tuy vậy, việc tăng mua điện từ các nước lân cận chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, về lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn trong nước.
Tuyết Nhung