Thấy người quen ngày ngày đi chạy thận duy trì sự sống, đến thăm ở bệnh viện lại thấy người người người nằm vạ vật chờ tới lượt điều trị, vợ chồng anh Trần Văn Hiền động lòng. Họ muốn làm một điều gì đó...

Vĩnh Long: Dựng nhà nuôi hàng chục bệnh nhân chạy thận

Thanh Nguyên | 04/12/2020, 09:15

Thấy người quen ngày ngày đi chạy thận duy trì sự sống, đến thăm ở bệnh viện lại thấy người người người nằm vạ vật chờ tới lượt điều trị, vợ chồng anh Trần Văn Hiền động lòng. Họ muốn làm một điều gì đó...

Thăm bệnh mới biết khỏe mạnh đã là may mắn

Trong dãy nhà bốn bề là tôn rộng 250m2 được chia làm 3 gian đơn sơ (khóm 5, P.Thành Phước, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) hàng chục con người đang tất bật chuẩn bị để đi chờ xe chuyển sang một bệnh viện ở Cần Thơ để chạy thận. Họ phần lớn là những người bị suy thận giai đoạn cuối, cuộc sống là một màu đen tối phủ lên. Nghèo khó, bệnh tật bủa vây, sống được với họ đã là mãn nguyện…

1.jpg
Anh Trần Văn Hiền (thứ 2, từ phải qua) cùng với các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối - Ảnh: Thanh Nguyên

Trong những gian nhà này hiện có 25 người đang chạy thận từng ngày để duy trì sự sống. Có người mới chạy thận vài năm, có người gần 10 năm, có người chạy thận suốt 12 năm qua. Cơ thể họ gầy guộc, những mạch máu ở tay sưng to lên vì hàng trăm vết kim tiêm vào bao năm qua. Bà Võ Thị Viễn (63 tuổi) quê ở xã Tân Lược, H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long kể rằng, lúc trước bà bị bệnh tiểu đường, bệnh này kéo theo bệnh kia rồi bà bị suy thận. Bà chạy thân đã được 3 năm, mỗi tuần chạy 3 lần.

“Hồi trước chạy thận một lần hơn 500.000 đồng, bây giờ có bảo hiểm trả hết cũng đỡ rồi”. Thời gian trước bà Viễn chạy thận rồi ở lại luôn bệnh viện. Sát cánh bên bà là người chồng, chia sẻ khi bệnh tật. Hai năm trước thấy bà Viễn và chồng sống cực khổ ở hành lang bệnh viện, anh Hiền lúc đó vừa xây xong mái ấm cho người chạy thận liền mời bà về ở cho thoải mái. Từ đó bà gắn bó cùng những người cùng chung cảnh ngộ với mình.

2.jpg
Đúng giờ, bà Võ Thị Viễn được chồng đưa ra xe chuyển viện từ thiện để đi chạy thận - Ảnh: Thanh Nguyên

Không được may mắn như bà Viễn, bà Nguyễn Thị Kiều Bảy (49 tuổi) nhà ở xã Hòa Bình, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã chạy thận ngót nghét 10 năm qua. Bà Bảy đang ăn bữa sáng gồm cơm và thịt kho vội dẹp sang một bên khi có người hỏi thăm. Cơ thể bà ốm yếu, da vàng vọt, liên tục kêu lạnh khi có gió thổi qua. Giọng run run bà kể, nhà bà nghèo lắm, có 1 công (1.000m2) vườn, huê lợi không được bao nhiêu. Vợ chồng bà đi làm thuê làm mướn thêm để nuôi con. Rồi bệnh tật ập đến, cuộc đời của bà rẽ sang một hướng khác, bế tắc. Gần chục năm qua bà Bảy và chồng sống gần như ở bệnh viện vì căn bệnh suy thận của bà. Những đứa con đi làm ăn xa, ngày nào cũng gọi điện hỏi han sức khỏe của mẹ là động lực để bà chiến đấu với bệnh tật.

Bệnh tật không tha một ai. Anh Phạm Văn Hòa nhà ở mãi xã Thạnh Quới, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, mới 30 tuổi nhưng cũng đã chạy thận miệt mài 5 năm qua. Anh Hòa cho hay, lúc đầu anh thấy chân mình sưng to tới mức đi không được. Đi khám, anh được thông báo cơ thể thiếu canxi. Nhưng bổ sung canxi rồi cũng không thuyên giảm, đi khám lần nữa anh mới biết mình bị suy thận. Rồi từ đó anh chạy thận cho đến nay. Còn trẻ, anh tự lo cho mình được, nên dù ở bệnh viện hay 2 năm nay ở mái ấm chung này, anh cũng thui thủi một mình. “Mệt lắm tôi mới gọi cho cha lên. Cha tôi cũng già rồi, lại có bệnh huyết áp”, anh Hòa buồn bã kể. 30 tuổi chưa có vợ, cơ thể bệnh tật, anh sống thầm lặng, cam chịu số phận của mình.

3.jpg
Anh Phạm Văn Hòa mới 30 tuổi nhưng đã chạy thận 5 năm qua để duy trì cuộc sống - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Hòa kể về quá trình chạy thận của mình: “Bác sĩ cắm 2 cây kim vô mạch máu ở tay mình, rồi mình nằm như vậy khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Cứ nằm vậy, xong rồi dậy về thôi. Ai chạy xong mà mệt thì nhập viện theo dõi. Như tôi còn trẻ mà nhập viện theo dõi hoài, tội nhất là mấy người già, có nhiều bệnh khác trong người, chạy thận xong họ thường chịu đâu nổi, phải nhập viện theo dõi”. Cánh tay trái của anh Hòa vì chịu nhiều hàng trăm thậm chí hàng ngàn vết tiêm suốt 5 năm qua, những mạch máu đã sưng to gần bằng quả trứng gà. Đã có lúc anh phải mổ nối lại mạch máu để có thể tiếp tục chạy thận.

Niềm vui nhỏ nhoi trong mái ấm chung

Những người cùng chung cảnh ngộ, họ dễ dàng cảm thông và chia sẻ cho nhau. Những bữa cơm tối trong mái nhà chung là thời điểm tập trung đông đủ 25 thành viên trong đại gia đình này. Họ cùng ăn cơm, uống trà trò chuyện và thỉnh thoảng trêu đùa, cười cho qua những đắng cay trong cuộc sống. Đó là niềm vui nhỏ nhoi hiếm hoi của họ. Anh Trần Văn Hiền, chủ nhân của mái ấm chung này kể, hơn 2 năm trước 2 người thân của anh cũng bị suy thận. Nhìn cuộc sống, tài lực kinh tế trong gia đình phải dồn hết cho bệnh tật, anh trăn trở lắm.

4.jpg
Không gian ấm cúng của những bệnh nhân cùng chung hoàn cảnh - Ảnh: Thanh Nguyên

“Lúc tôi bàn với vợ ý định tạo dựng một nơi cho những bệnh nhân chạy thận ở, vợ tôi đồng ý liền, cha mẹ cũng chịu hết. Mỗi người một ít, góp vô được hơn 100 triệu đồng, dựng cái nhà này. Rồi có mạnh thường quân thương, lắp thêm la phông trần nhà, cho thêm nệm… dần dần nhà đầy đủ hơn”, anh Hiền kể. Từ khi bắt đầu, những chiếc giường gỗ cứ thế được xếp thêm ngày một nhiều hơn.

Anh Hiền nhớ lại: “Hồi mới dựng xong cái nhà này, tôi đánh xe qua bệnh viện bên Cần Thơ nói với bà con mời họ về chỗ tôi ở. Họ nghe thì mừng rỡ, thu dọn đồ cái rẹt rồi lên ngồi kín xe. Tôi vừa mừng vừa lo. Lo là sợ mình nuôi không nổi”. Cứ thế hơn 2 năm qua, nhiều bệnh nhân biết tiếng anh Hiền cứ thế xin đến ở, “kết nạp” làm thành viên của đại gia đình này. Cũng có nhiều trường hợp, anh Hiền biết họ khó khăn thì ngỏ ý mời về ở cùng.

Các bệnh nhân ở đây cũng cho hay, được ở một không gian ngoài bệnh viện như thế này, họ cảm thấy rất thoải mái. Nhất là tất cả các khoản chi phí ăn uống, điện nước đều được miễn phí và anh Hiền chính là người đứng ra lo hết. Anh cho biết hàng tháng anh vận động được người cho gạo, rau củ quả, mì gói cho các bệnh nhân. Không đủ, thì anh xuất thêm tiền túi mình.

5.jpg
Gian nhà đơn sơ nhưng ấm cúng của những người suy thận - Ảnh: Thanh Nguyên

“Tôi có 1 chiếc xe cẩu, 1 chiếc xe cuốc. Làm ra được tiền, thì tôi để dành một khoản khi hữu sự thì có để lo cho họ”, anh Hiền cho hay. Nhà anh Hiền ở cách dãy nhà của những bệnh nhân này không xa, nên ngày nào anh và vợ cũng thay phiên nhau đến thăm nom tình hình sức khỏe của họ. Những bệnh nhân, người nhà đi cùng khi đến ở đây, đều được anh Hiền yêu cầu xuất trình CMND để trình báo chính quyền địa phương.

Trong đại gia đình này không chỉ có bệnh nhân đang chạy thận mà còn có người già neo đơn không nơi nương tựa, thậm chí có lúc còn có người bị ung thư giai đoạn cuối mà không có người nhà lo, rồi người đi theo nuôi bệnh. Tổng cộng trong đại gia đình hiện có khoảng 25 người. Họ sống bảo bọc, che chở cho nhau, người khỏe quan tâm, nấu cho người bệnh ăn. Hằng ngày, cứ đến ca ai đi chạy thận sẽ có xe cấp cứu của Hội Đông y TX.Bình Minh đến đưa đi. Ca sớm nhất bắt đầu từ 3 giờ sáng, tiếp theo là 8 giờ sáng, có bao nhiêu người cũng đều được xe đưa đi đón về.

6.jpg
Mạch máu trong cánh tay của bà Nguyễn Thị Kiều Bảy sưng to vì quá trình chạy thận 10 năm - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Hiền kể trong quá trình những bệnh nhân ở đây từng có người vì bệnh quá nặng mà qua đời. Nếu người nhà nhận về thì thôi, còn không ai nhận anh sẽ cùng các mạnh thường quân tổ chức mai táng cho họ. Anh cũng dành ra hơn 3 công đất để làm nơi chôn cất những trường hợp này. Ngoài chăm lo cuộc sống cho những bệnh nhân chạy thận trên, anh Hiền còn tham gia vào đội cứu hộ đường thủy, chuyên đi vớt những thi thể chết đuối dọc sông Hậu.

Những việc làm của anh Hiền cho những bệnh nhân chạy thận hơn 2 năm qua đang lan tỏa nhiều thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống. Nhiều mạnh thường quân trong và cả ngoài nước biết đã tìm đến thăm, hỗ trợ thêm cho anh Hiền nuôi dưỡng những người bệnh bất hạnh này. Nhờ vào những tấm lòng thơm thảo như vợ chồng anh Hiền mà cuộc sống của những bệnh nhân suy thận bớt nghiệt ngã hơn vào giai đoạn cuối. “Của cải, tiền bạc rồi cũng hết, tôi muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống”, anh Hiền đúc kết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Long: Dựng nhà nuôi hàng chục bệnh nhân chạy thận