“Chúng ta trên quan điểm cái gì sai thì nhận rồi sửa sai và chấp nhận một phần lịch sử để lại. Không ai đúng tất cả, cũng phải có lúc sai, mà quan trọng là sai mà có sửa chữa được không”, ông Nguyễn Văn Săn - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nói trong cuộc họp báo định kỳ quý II.2019 vào sáng nay 24.7.

Vĩnh Long phản hồi bài viết về người dân Mỹ Hòa

Nguyên Việt | 24/07/2019, 17:35

“Chúng ta trên quan điểm cái gì sai thì nhận rồi sửa sai và chấp nhận một phần lịch sử để lại. Không ai đúng tất cả, cũng phải có lúc sai, mà quan trọng là sai mà có sửa chữa được không”, ông Nguyễn Văn Săn - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nói trong cuộc họp báo định kỳ quý II.2019 vào sáng nay 24.7.

Vĩnh Long: Nước mắt Mỹ Hòa

Liên quan đến các bài viết về số phận của 14 hộ dân ở xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, mười mấy năm trời khiếu nại việc thu hồi đất, giá bồi hoàn của khu công nghiệp (KCN) Bình Minh, sáng nay, tỉnh Vĩnh Long đã có phản hồi.

Ông Trần Minh Khởi, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi tường (TN&MT) Vĩnh Long giải trình như sau: về việc thu hồi đất thì dự án KCN Bình Minh (tại xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh hiện nay) được thực hiện chủ trương của Chính phủ tại văn bản số 262, 15.1.2002 về việc Quy hoạch và xây dựng KCN Bình Minh, Vĩnh Long (tuy nhiên, Thủ tướng chưa có văn bản đồng ý chính thức và chấp thuận nhà đầu tư như quy định hiện hành, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) - PV).

Ông Trần Minh Khởi, Phó giám đốc Sở TN&MT thông tin về việc bồi thường giá đất tại KCN Bình Minh- Ảnh: Thanh Nguyên

Năm 2003, tỉnh thực hiện dự án và thu hồi hơn 1,6 triệu mét vuông của hơn 680 tổ chức cá nhân, tổng mức đền bù khoảng 110 tỉ đồng. Trong đó, có 657/688 hộ cá nhân đã đồng ý nhận tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư, chiếm 96,62%. Còn 23 hộ không đồng ý, khôngnhận tiền vàkhông đồng ý giao đất, làm đơn khiếu nại lên UBND tỉnh.

Năm 2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đối với 23 hộ trên. Sau khi ban hành, các hộ dân không đồng tình và gửi đơn khiếu nại đến TTCP. Tháng 12.2007, TTCP có báo cáo số 2746 về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến KCN Bình Mình gửi Chính phủ. TTCP kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh ban hành đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại củacông dân theo quy định pháp luật.

Vớinhững trường hợp đã ban hành quyết định giải quyết rồi nhưng hiện vẫn có đơn khiếu nại tiếp thì cần xem xét lại. Nếu khiếu nại đúng thì ban hành quyết định thay thế, nếu khiếu nại sai thì có văn bản trả lời.

Thực hiện chỉ đạo đó, tháng 6.2009, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại với 22/23 hộ dân (có 1 hộ không tham dự). Tháng 7.2009, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành thông báo kết luận trả lời 9 nội dung khiếu nại yêu cầu của các hộ dân. Năm 2017, có 6 hộ đồng ý với UBND tỉnh nên không khiếu nại nữa, còn lại 16 hộ tiếp tục khiếu nại.

Sau đó có thêm 2 hộ rút đơn và chấp nhận nhận tiền bồi thường theo quyết định thu hồi đất. Đến nay còn 14 hộ kiện lên Tòa Cấp cao, tòa đã đưa ra xét xử 13 vụ. Trong đó, tòa bác đơn khiếu nại 11 vụ, đình chỉ 2 vụ, còn 1 vụ chưa có lịch xét xử.

Phó giám đốc Sở TN&MT khẳng định việc thực hiện KCN Bình Minh là trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, và Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, trong đó có KCN Bình Minh.

Còn vụ việc của bà Bùi Thị Bích Nhiên, diện tích đất bị thu hồi của bà là hơn 4.200 mét vuông, tổng giá trị là hơn 261 triệu đồng, việc áp giá đền bù là theo các Nghị định thời điểm đó. Từ đó UBND tỉnh ban hành các Quyết định thu hồi đất. Ngoài ra UBND tỉnh cũng đã nâng mức áp giá bồi hoàn lên 30% so với thời điểm đó.

Việc áp giá bồi thường là đúng theo báo cáo của TTCP vào cuối năm 2007. Như vậy, trường hợp của bà Nhiênđã được bồi hoàn là hơn 282 triệu đồng và 210 mét vuông tái định cư. Tương tự bà Nhiên, hộ ông Huỳnh Ngọc Hiệp cũng được bồi hoàn 221 mét vuông tái định cư và hơn 363 triệu đồng, bao gồm nhiều khoản.

Ông Nguyễn Văn Dân, Phó chủ tịch thường trực UBND TX.Bình Minh khẳng định việc bồi thường giá đất đã làm đúng theo quy định - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Nguyễn Văn Dân, Phó chủ tịch thường trực TX.Bình Mình, cho biết việc áp giá bồi thường đất được làm theo quy định, các Nghị định và bản án của tòa có hiệu lực hiện hành. Ông Dân cho rằng báo chí chưa phản ánh hết sự việc trong quá trình đo đạc, áp giá như đã trình bày.

“Chính quyền nhiều lần gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thuyết phục từng hộ, Phó chủ tịch tỉnh cũng đã chủ trì đối thoại nhưng các hộ dân vẫn không nhận tiền. Theo thời gian, giá cả biến động, giá trị bồi hoàn sau mười mấy năm giảm đi nhiều là điều tất yếu. Phó chủ tịch có nói, nếu bà con không nhận tiền bồi hoàn thì bà con phải chịu chứ nhà nước không chịu trách nhiệm như vậy được”, ông Dân nói.

Đi sâu vào trọng tâm mà báo điện tử Một Thế Giới phản ánh, Ông Nguyễn Văn Săn, Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long cho rằng, về mặt chủ trương, UBND tỉnh khẳng định đúng chủ trương của Chính phủ. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long được Phó thủ tướng lúc đó duyệt, trong đó có chủ trương xây dựng KCN Bình Minh. Bắt đầu năm 2002 đưa vào thực hiện, như vậy có sự đồng thuận của cán bộ Đảng viên và nhân dân.

“Lúc đầu ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long có báo cáo cho Thường vụ Tỉnh ủy, tỏ ý băn khoăn việc này. Xem xét về mặt dư luận, tư tưởng và quan điểm của ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Mười Phú lúc đó là Bí thư H.Bình Minh cũng có phản ứng với Tỉnh ủy về việc xây dựng KCN Bình Minh, tiếc cho vườn bưởi Mỹ Hòa, và giải quyết nhiều vấn đề liên quan nữa. Nhưng sau khi xin ý kiến Trung ương, thống nhất và các cấp mới chấp hành”, ông Săn nói.

Ông Săn cũng cho biêt thêm, tại Lễ khởi công KCN Bình Minh, ông cũng có mặt ở đó. Lúc này Công ty Hoàng Quân rải tờ rơi, quảng cáo bán 1 mét vuông đất là 1,8 triệu đồng. Điều này khiến dư luậndậy sóng một lần nữa.

“Ông Mười Phú la làng lên: “Làm ăn gì kỳ vậy?” Người ta như muốn biểu tình lúc đó. Trong khi đó bồi hoàn 35.100 đồng/mét vuông, cộng thêm các thứ. Nhưng vào thời điểm đó, cũng tương đương trên 6 cây vàng/công. Giá vườn Mỹ Hòa lúc đó là khoảng 5 cây vàng.

Do đó, nếu lấy 35.000 đồng/mét vuông để so với 1,8 triệu/mét vuông lúc đó thì đúng là bức xúc. Nhưng lấy 35.000 đồng lúc đó mà so với 2 tỉ đồng (giá nền tại khu đô thị Bình Minh) bây giờ là không được. Tôi hỏi, nếu mà lấy giá đất đền bù hiện hành để áp cho 14 hộ dân này liệu có được không?”, ông Săn đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Săn (đứng), Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu tại cuộc họp- Ảnh: Thanh Nguyên

Ngoài ra, ông Săn khẳng định rằng theo ông được biết, các hộ này không như báo chí phản ánh. Như hộ bà Bùi Thị Bích Nhiên có nhà ở xã Mỹ Thuận, H.Bình Tân, tức là sau khi giải tỏa người ta đã có nhà cửa ổn định rồi. Hay như ông Huỳnh Ngọc Hiệp cũng đã cấp nhà cho ông ở P.Đông Thuận (TX Bình Minh) rồi.

Về khu đất dành cho chuyên gia KCN Bình Minh, hiện nay được phân lô bán cho dân, ông Săn cho biết ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng rất bức xúc vào thời điểm đó. “Tại sao 162 héc ta là KCN lại lòi ra 30 héc ta này? Lúc đó chúng tôi được giải thích là khu nhà ở của chuyên gia.

Việc này, tỉnh sẽ nắm lại và có phản hồi cho báo chí. Chúng ta trên quan điểm cái gì sai thì nhận rồi sửa sai và chấp nhận một phần lịch sử để lại. Không ai đúng tất cả, cũng phải có lúc sai, mà quan trọng là sai mà có sửa chữa được không”, ông Săn kết thúc vấn đề.

Phản bác lại ý kiến của ông Nguyễn Văn Săn, ông Huỳnh Minh Truyền (52 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa) là 1 trong những hộ dân đến giờ vẫn theo đuổi vụ kiện cho rằng: “Giá thị trường lúc đó không phải là 5 cây vàng như ông Săn nói. Bằng chứng là em gái tôi bán hơn 700 mét vuông đất cho xã xây trường học với giá 150.000 đồng/mét vuông, tương đương là 20 cây vàng chứ không phải 5 cây vàng vào thời điểm đó”.

Ngôi trường mà ông Truyền nhắc đến ở đây là Trường tiểu học Mỹ Hòa B. Ông Chuyền cho biết, do trường cũ là do dân xây nằm trong quy hoạch KCN Bình Minh. Sau khi bị thu hồi, xã Mỹ Hòa mới mua đất của em gái ông nằm cách KCN Bình Minh chỉ 30 mét với giá 150.000 đồng/mét vuông. Do đó, ông và nhiều hộ dân mới không đồng tình, khiếu kiện.

Còn trường hợp bà Nhiên, theo ông Săn, bà này không khổ như phản ánh, khi đã có nhà ở ấp khác. Ông Truyền cho biết: “Phần đất ấy là của em bà Nhiên. Thấy bả khổ, chị này cất luôn căn nhà, cho bà Nhiên ở nhờ gần đây. Chứ lâu nay bả ở chòi, khổ sở đúng như báo điện tử Một Thế Giới phản ánh. Người dân chúng tôi sẵn sàng làm chứng”.

Báo điện tử Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Long phản hồi bài viết về người dân Mỹ Hòa