Năm 2015, Việt Nam nhập siêu 32,3 tỉ USD từ Trung Quốc, tăng 12,5% so với năm trước và lớn gấp 10 lần mức nhập siêu chung của toàn nền kinh tế (3,2 tỉ USD).
Năm 2015, Việt Nam nhập siêu 32,3 tỉ USD từ Trung Quốc, tăng 12,5% so với năm trước và lớn gấp 10 lần mức nhập siêu chung của toàn nền kinh tế (3,2 tỉ USD).
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua ước đạt 17 tỉ USD, tăng 14%, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng rau quả, dệt may, giày dép.
Do đó, Trung Quốc vẫn là thị trường mà Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất trong cán cân thương mại.
Xét về quy mô toàn nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 162,4 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất của kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%).
Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 165,6 tỉ USD, tăng 12% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2015 tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 13,2% của năm 2014.
Không chỉ riêng Trung Quốc, tình hình nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường lớn khác cũng có sự gia tăng. Nhập siêu từ Hàn Quốc với 18,7 tỉ USD, tăng 28%; ASEAN 5,5 tỉ USD, tăng 45%, Nhật Bản hơn 300 triệu USD…
Chỉ có ở thị trường Mỹ và EU vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25,5 tỉ USD và 20,6 tỉ USD trong năm 2015.
Nguyên nhân của tình trạng này được Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực năm nay giảm so với năm trước khiến xuất khẩu tăng thấp, đặc biệt như dầu thô, cao su, than đá, cà phê, rau quả, thủy sản.... Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cũng giảm mạnh.
Báo cáo cũng cho hay tình hình nhập siêu hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với 20,3 tỉ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỉ USD. Năm 2015, ước tính xuất siêu 5,8 tỉ USD, giảm 44% so với năm 2014.
Hoàng Long