Hai người bị voi quật chết trong bảy năm qua, nhiều ruộng vườn bị dẫm hư hỏng, chính quyền vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn voi về.

Voi quậy phá tại Nghệ An và bài toán bảo tồn

vne | 05/11/2018, 10:48

Hai người bị voi quật chết trong bảy năm qua, nhiều ruộng vườn bị dẫm hư hỏng, chính quyền vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn voi về.

Ngày 3.11, đàn voi rừng năm con của Vườn quốc gia Pù Mát tiến gần bản Bãi Đá, xã Phúc Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), dẫm gãy khoảng 600 cây tràm và bồ đề. Ban đêm, lo sợ voi xông vào nhà, tàn phá ruộng ngô, nhiều hộ dân ở bản giăng bóng điện, chuẩn bị xoong nồi và đuốc sẵn sàng xua đuổi voi.

Nhằm hạn chế voi về bản, hai năm trước một dự án hào ngăn voi được xây dựng ở xã Phúc Sơn với chiều dài 5 km. “Hào ngăn voi đó mới có một đoạn, không thể bao quát toàn bộ bản. Vài hôm nữa đến mùa, voi lại dễ dàng tràn vào bản”, ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng bản Cao Vều 1 (xã Phúc Sơn) nói.

Voi thường xuất hiện ở xã Phúc Sơn vào cuối năm, khi mía và hoa màu đến mùa thu hoạch. Có những tháng ghi nhận năm lần đàn voi xuất hiện để phá hoa màu, làm hư hỏng nhà cửa.

Từng bị voi rượt đuổi vài năm trước, ông Nguyễn Văn Thanh (48 tuổi, trú bản Cao Vều 1) cho biết, hơn 10 năm trước mỗi lần thấy voi xuất hiện, người dân chỉ cần khua chiêng, đốt lửa là chúng hoảng sợ bỏ chạy vào rừng. Gần đây đàn voi hung dữ hơn, xua đuổi bằng cách truyền thống không còn hiệu quả. “Giờ cứ thấy người là nó rượt đuổi. Nhà cửa cũng bị nó phá”, ông Thanh kể.

Vì sao voi về bản nhiều và hung dữ hơn?

Đàn voi xuất hiện ở xã Phúc Sơn ngày 3/11 sinh sống ở phía đông nam Vườn quốc gia Pù Mát, thường di chuyển từ xã Môn Sơn (Con Cuông) về các bản vùng sâu của xã Phúc Sơn (Anh Sơn), rồi xuống tận xã Thanh Đức (Thanh Chương) để tìm kiếm thức ăn.

Trước kia những cánh rừng xã Phúc Sơn bạt ngàn nứa và chuối, loại thức ăn ưa thích của voi. Đến năm 2009, hàng nghìn hecta rừng ở vùng ven vườn quốc gia bị đốn hạ để công ty lâm nghiệp trồng cao su khiến voi phải lui vào rừng sâu, nguồn thức ăn bị hạn chế, môi trường sống bị xâm hại.

Hào ngăn voi được xây dựng tại bản Cao Vều 1, xã Phúc Sơn -Ảnh: Hiến Tùng.

Theo cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát, có nhiều nguyên nhân khiến voi trở nên hung dữ. Đầu năm 2011, khi một con đực đầu đàn ở rừng bị thợ săn bắn chết để lấy ngà thì kể từ đó tần suất đàn voi quay trở về bản quấy phá nhiều hơn. Tháng 5/2011, đàn voi trở về bản Cao Vều 1 bất ngờ tấn công khiến anh Vi Văn Sinh (trú ở huyện Con Cuông) chết tại chỗ, một người khác bị thương. Tháng 4/2013, anh Lương Văn May (31 tuổi, trú huyện Tương Dương) đang làm thuê tại xã Phúc Sơn bị đàn voi tấn công và tử vong trên đường cấp cứu.

"Nguyên nhân xung đột chủ yếu là khai thác tài nguyên rừng, làm ảnh hưởng đến sinh cảnh, voi bị thiếu thức ăn. Mỗi ngày, một voi rừng có thể di chuyển khoảng 50 km. Những cánh rừng bị xé lẻ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang di chuyển của voi”, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, nói.

Để tránh tình trạng voi phá hoại mùa màng, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc khuyến cáo người dân không nên trồng những loại cây vốn là thức ăn ưa thích của voi như mía, ngô, chuối, sắn..., phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, giải pháp này dường như không khả thi bởi đối với người dân miền núi, những loại hoa màu này là nguồn sống của họ.

Loay hoay tìm giải pháp bảo tồn voi

Nghệ An có khoảng 15 con voi, chia làm sáu đàn, trong đó tới bốn đàn chỉ còn một con sống độc lập. Số lượng này không tăng thêm trong bảy năm qua. Để bảo vệ đàn voi, tháng 5.2013, Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020 với nguồn vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án là lập dự án, tổ chức di chuyển, tái nhập đàn đối với những cá thể đơn lẻ.

Là một trong ba vùng được ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, đến nay Nghệ An vẫn chưa tìm ra giải pháp để di chuyển voi. Ông Trần Xuân Cường cho biết đã tính đến phương án sáp nhập con voi đơn lẻ vào những đàn đông con. Tuy nhiên, quãng đường để di chuyển phải mất hai ngày đường, qua rất nhiều sông suối, có thể nguy hiểm đến sự an toàn của voi.

Giải pháp để di chuyển voi đơn lẻ thông thường dùng đến thuốc mê. Hiện nay có hai loại thuốc mê là loại tác dụng nhanh và chậm. Loại tác dụng nhanh bắn xong voi bị mê lập tức, như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe voi. Đặc biệt ở địa hình núi dốc, voi dễ bị rơi xuống vực hoặc lăn xuống dốc mà chết.

Loại còn lại có tác dụng sau khoảng 25 phút. Nếu dùng loại này, sau khi bắn, voi sẽ hoảng loạn mà chạy vào rừng sâu. Như vậy những người bắn sẽ khó đuổi theo kịp để biết nó sẽ bị hạ gục ở vị trí nào.

Hiến Tùng - Hải Bình/VNE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Voi quậy phá tại Nghệ An và bài toán bảo tồn