Cách đây 28 năm, những người lính ấy đã ôm chặt lấy nhau giữ vững lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma khi lính Trung Quốc tấn công, giết hại và bắt bớ. Sau đó 28 năm, những người lính ấy lại ôm chặt lấy nhau nước mắt vắn dài an ủi đồng đội vượt cơn bạo bệnh trong bệnh viện Ung bướu…

‘Vòng tròn Gạc Ma’ giữa bệnh viện Ung bướu

Lê Đình Dũng | 20/11/2016, 12:19

Cách đây 28 năm, những người lính ấy đã ôm chặt lấy nhau giữ vững lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma khi lính Trung Quốc tấn công, giết hại và bắt bớ. Sau đó 28 năm, những người lính ấy lại ôm chặt lấy nhau nước mắt vắn dài an ủi đồng đội vượt cơn bạo bệnh trong bệnh viện Ung bướu…

Áo lính choàng lên áo bệnh nhân

Thế là chiều hôm qua, 19.11, ước mơ trong những cơn đau vật vã vì chứng ung thư não của ông Dương Văn Dũng dường như đã trọn vẹn. Tôi còn nhớ rõ ánh mắt dạn dày đạn bom của ông chợt ướt khi ngồi trên xe lăn bất ngờ thấy bao đồng đội tề tựu chờ đón trong một phòng họp nhỏ của bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Ông Dương Văn Dũng (52 tuổi, trú 58 Trần Lựu, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) là một cựu binh từng chiến đấu ở đá Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam) trong lần tấn công cướp đảo bằng vũ lực của Trung Quốc ngày 14.3.1988.

Ông Dũng cùng 7 đồng đội sống sót khi tàu HQ 604 bị địch bắn chìm và bị phía Trung Quốc bắt giam 4 năm. Ông được trao trả và trở về với gia đình vào năm 1991. Hiện, ông đang bị ung thư não giai đoạn cuối. Ước mơ ở lại với đời, xem hai đứa con gái lớn khôn, đỡ đầnngười vợ biết baohi sinh với ông không còn nhiều. Đêm ở bệnh viện ông không ngủ được, cứ nằm xuống là y như rằng những cơn đau nó ăn vào não. Ông phải đi lại mới đỡ được cơn đau. Rồi ông mong, giá như lần cuối được gặp lại những đồng đội năm xưa…

Cuộc hội ngộ đầy xúc động của cựu binh Dương Văn Dũng với đồng đội

Ban liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 - 1988) cùng anh em báo chí tại Đà Nẵng đã ‘bí mật’ với ông Dũng tổ chức buổi gặp mặt những đồng đội năm xưa. 6/7 bạn chiến đấu của ông hay tin không quản đường xa, sức yếu đã có mặt đông đủ. Họ gồm: Nguyễn Văn Nhân (tỉnh Hà Nam), Nguyễn Văn Thống (Quảng Bình), Lê Văn Đông (Quảng Bình), Trần Thiên Phụng (Đông Hà, Quảng Trị), Lê Minh Thoa (Bình Định), Trương Văn Hiền (Đắk Lắk). Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã bố trí một phòng họp nhỏ cho cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này. Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch đầu tiên của huyện đảo Hoàng Sa cũng đến tham dự.

Không có nhiều nước mắt trong cuộc gặp này, bởi họ là lính. Đã kinh qua bom đạn, qua tù đày của giặc, can trường lắm. Nhưng, người mà, ai chẳng có rung động, họ khóc trong lòng. Đồng đội với nhau gặp lại, người bệnh tật, kẻ nghèo khó.

Ông Dũng không nói được nhiều, đôi môi mấp máy nặng nhọc, khóe mắt ướt đỏ. Đồng đội chỉ nhìn nhau, ôm nhau an ủi. Họ cùng nhau mặc cho bạn chiếc áo lính hải quân, phủ trùm áo bệnh viện. Những chiến sỹ Gạc Ma lại mạnh mẽ như hôm nào. Người ta khóc khi nhìn họ.

Những đồng đội cũ quây quần bên nhau ôn lại chuyện ngày xưa

Chị Trần Thị Lợi, vợ ông Dũng, chứng kiến giây phút đồng đội về bên chồng mình mà không cầm được lệ. “Thật không ngờ lại có ngày gặp mặt ý nghĩa vậy. Mấy hôm cơn đau hành hạ, trong cơn mê, anh ấy vẫn ú ớ gọi tên đồng đội”.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa chia sẻ: “Thật không ngờ có buổi gặp mặt anh em, đồng đội ý nghĩa như vậy. Đây sẽ là nguồn động viên lớn không riêng gì anh Dũng mà tất cả những anh em khác đã chiến đấu, ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Đây sẽ là sự kết nối lâu dài cho những con người vì Gạc Ma”.

Gian khổ đời lính

Tới Đà Nẵng, vì cùng giữ bất ngờ đến phút cuối cho ông Dũng, cựu binh Trương Văn Hiền (trú thôn 3, Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tranh thủ xuống biển tắm. Biển mặn luôn cứa vào ông Hiền nỗi đau ám ảnh.

Ông kể, sau trận hải chiến, phía Trung Quốc bắt các chiến sỹ ta về bán đảo Lôi Châu giam cầm mỗi người một nơi. Sau gần 1 năm, 9 anh em được đưa về một khu mới biết nhau còn sống sót. Gần 3 năm 8 tháng, 9 anh em chịu đựng khổ ải cùng cực, nương tựa vào nhau, động viên nhau cùng sống. Ông Hiền được giam cùng phòng với ông Dũng. “Sống với nhau trong tù nên anh em có quá nhiều kỷ niệm để kể. Dũng lúc nào ngủ cũng mở mắt, nên có lẽ nó khổ đến tận bây giờ”.

Nhưng nào có ai sướng hơn ai. Năm 1991, ông Hiền được trả tự do về nước với hai bàn tay trắng; lập gia đình, đi làm thợ hồ, con trai đầu cũng nghỉ học sớm, theo cha. “Được sống là hạnh phúc lắm rồi. Anh em sống đến nay nào quản khó khăn gì. Chỉ thương rằng đời con cái cũng khổ cực như ba mẹ nó”, ông nói mà muốn khóc.

Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch đầu tiên của huyện đảo Hoàng Sa xúc động chia sẻ trong buổi gặp mặt

Cựu binh Phạm Văn Nhân (đội 1, thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định) có mặt ở Đà Nẵng muộn nhất vì đường xa. Ông bảo, hay tin đồng đội bệnh nặng là gác ngay việc đồng áng để tức tốc có mặt. Gặp lại đồng đội, bàn tay quíu vào lời nói.

Giây phút xúc động trong cuộc gặp của cựu binh Gạc Ma

Dường như đến bây giờ với những người lính Gạc Ma, thứ mà họ sẵn có để khoe với nhau vẫn là gian khó và bệnh tật. Mấy anh em cười bảo, Nhân hay “đào ngũ” về trước trong những lần gặp mặt. Ông cười: “Gặp gỡ cũng muốn nán lại gặp mặt anh em lắm chứ. Nhưng ở quê, ruộng đồng nào ai lo”.

Sau ngày được trả tự do, anh Nhân về quê lập gia đình. Vợ chồng làm nông với 4 sào ruộng, cố nuôi 2 con ăn học. Cuộc sống vẫn là khốn khó. Vỗ vai bạn, cựu binh Trần Thiện Phụng nói nửa buồn: “Tao nào có sướng gì hơn. Mày có ruộng cày là sướng, tao phải bưng bát cho vợ bán quán”.

Ông Phụng và ông Nhân năm xưa bị giam cùng phòng; sau khi phục viên vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, buồn vui đều tâm sự hết. “Nhân tốt và lo cho anh em lắm. Năm xưa, nó mấy lần vượt ngục để tìm đường cứu anh em đó. Riêng về khoản trốn, kể cả trốn nhậu, anh em tôi phục nó”, ông Phụngnói.

Anh em kể lại, ở trại giam, sống trong khổ cực nên tất cả bí mật gom góp những đồng tiền ít ỏi mà hằng tháng phía Trung Quốc cấp để mua nhu yếu phẩm giúp ông Nhân tìm đường vượt ngục.

Cuộc vượt ngục đầu tiên vào cuối năm thứ 2 bị giam. Lần đó, ông lén ra khỏi trại với bộ áo quần độc nhất trên người và một ít tiền anh em gom góp; cứ nhằm hướng Đông rồi xuống hướng Nam mà đi để tìm đường về nước. Hết nhảy xe tải lại đi bộ. Khi cách biên giới khoảng 70km, ông bị bắt lại. Chuyến vượt ngục đó ròng rã gần 13 ngày đêm. Bị bắt lại, ông Nhân bị giam riêng một phòng. Mãi về sau mới được về lại cùng phòng giam với ông Phụng.

Lần thứ hai, ông Nhân chuẩn bị phá song sắt để vượt ngục thì bị phát hiện và tiếp tục giam riêng một khu với lính canh chừng cẩn mật… “Gian khổ ngày đó mà mình còn sống. Giờ chỉ thương bạn, nghèo cũng được, sao lại khốn khổ phải bệnh tật đày đọa éo le thế này”.

Mong nhiều tấm lòng giúp đỡ cựu binh

Sau khi được Trung Quốc thả về, ông Dũng lập gia đình và có 3 người con, mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Vợ ông bán trái cây nên thu nhập rất bấp bênh.

Năm 2011, đứa con trai đầu của vợ chồng ông tử vong do tai nạn giao thông. Khi đó, căn nhà ông đang xây dang dở phải gác lại vì không có tiền.

Nuốt nước mắt đưa tiễn con, ông gắng gượng đứng lên để nuôi nấng hai đứa con nhỏ. Nghiệt ngã thay, số phận tiếp tục gây giông bão cho gia đình nghèo khó. Ông bị ung thư. Gia đình đã đưa ông chạy chữa nhiều nơi nhưng căn bệnh đã di căn vào não.

Cuộc sống của ông bây giờ hoàn toàn ở bệnh viện. Vợ ông phải bỏ nghề để chăm sóc cho chồng. Hằng tháng, cả nhà ông phải sống nhờ vào 800 ngàn đồng là chế độ trợ cấp bị tù đày và nhờ vào số tiền vợ ông vay mượn được.

Hai đứa con gái của ông Dũng

“Bây giờ cứ đứng dậy là tôi chóng mặt, buồn nôn. Tôi biết mình không còn nhiều thời gian… Chỉ tội vợ và các con còn quá nhỏ, tôi có đi cũng chẳng yên lòng”, ông nói lúc sức đã hồi lên được chút ít mà nước mắt lưng tròng.

“Ông Dũng mặc dù đã xạ trị nhưng hiện bệnh đã tái phát và đang ở giai đoạn cuối. Hiện bệnh đã xâm lấn vào não nên chúng tôi đang điều trị chống phù não và giảm đau cho bệnh nhân. Nếu ông Dũng bị phù não thì có thể gây tử vong bất cứ lúc nào. Thời gian sống của bệnh nhân khoảng 2-6 tháng hoặc lâu hơn tùy vào thể trạng bệnh nhân”, bác sĩ Phạm Đình Linh, người trực tiếp điều trị cho ông Dũng tại Khoa Điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng cho biết.

Tri ân và chia sẻ cùng hoàn cảnh éo le của cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng, báo điện tử Một Thế Giới rất mong có nhiều tấm lòng hảo tâm trên khắp đất nước hỗ trợ phần nào để ông và gia đình có điều kiện chống chọi với bạo bệnh.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vòng tròn Gạc Ma’ giữa bệnh viện Ung bướu