Sau khi xác định 30 tấn cá tại một kho lạnh tại tỉnh Quảng Trị được xác định có chứa chất cực độc Pheno, chủ cơ sở này cho biết số cá trên được mua từ vùng biển ngoài 30 hải lý. Phía cơ quan chức năng cho biết đang kiểm tra vấn đề này.
Chiều tối 10.6, PV Dân trí đã có mặt tại cơ sở kinh doanh cá Dũng Thuộc (Khu phố An Hòa, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) - nơi các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cách đây vài ngày. Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu cá nục lấy từ kho đông lạnh của hộ dân này đã xác định có chứa hàm lượng Phenol 0,037mg/kg, là một chất cực độc cấm dùng trong thực phẩm.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lê Thị Thuộc, chủ cơ sơ này tỏ ra lo lắng khi nghe tin mẫu cá lấy từ cơ sở của mình đưa đi phân tích có chứa chất cực độc. Bà Thuộc cho hay, cá của cơ sở bà được mua sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, từ các ngư dân trong tỉnh và một số ngư dân của tỉnh Quảng Bình.
Bà Thuộc nói: “Trước đó, tôi đã thu mua số cá nói trên của ngư dân trong vùng và ngư dân tỉnh Quảng Bình để vào kho do việc tiêu thụ khó khăn. Số cá này được ngư dân đánh bắt ở vùng biển từ 30 hải lý trở ra. Hơn nữa, nghe các cơ quan chức năng khuyến cáo thu mua cá xa bờ thì không có vấn đề gì nên tui mua từ các ngư dân vào bờ. Bây giờ các cơ quan chức năng lại kết luận cá có chứa chất độc làm tôi thấy hoang mang”.
Theo bà Thuộc, hiện kho của bà có khoảng 110 tấn cá đông lạnh các loại. Trong số đó, mẫu cá nục cơ quan chức năng kiểm tra, phân tích và xác định có chứa chất cực độc Phenol đại diện cho 30 tấn được bà thu mua ngay sau hiện tượng cá chết.
Bà Thuộc cũng cho hay, số cá gia đình thu mua có giá trị 25.000 đồng/kg. Tổng giá trị cá hiện có trong kho lạnh khoảng gần 2 tỷ đồng. “Việc cá có chứa chất độc hay không tui không rõ, nhưng các cơ quan chức năng đã xác định cá có chứa chất độc thì tui biết vậy. Mong rằng, các cấp có thẩm quyền có hướng xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho gia đình. Nếu tiêu hủy thì cần có chính sách hỗ trợ cho tui, chứ bỏ ra số tiền lớn như vậy mà bây giờ không tiêu thụ được thì thiệt hại về kinh tế rất lớn, cuộc sống sẽ khó khăn”.
Nói về lô cá bị nhiễm chất độc, bà Thuộc có đưa ra một số giấy tờ do cơ quan chức năng cấp và cho rằng, số cá bà mua đều được chứng nhận đánh bắt ở vùng biển an toàn.
Bà Thuộc cho rằng, số cá này bà thu mua của ngư dân đánh bắt từ vùng biển 30 hải lý trở ra.
Liên quan đến số cá chứa hàm lượng chất cực độc Phenol, ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, cho hay: “Chất cực độc trong 30 tấn cá nục đông lạnh có hàm lượng Phenol là 0,037mg/kg. Đây là dẫn xuất nhân thơm dùng trong công nghiệp để tẩy uế, sát khuẩn”.
Theo ông Biên, chất này tuyệt đối không được có trong thực phẩm, kể cả bao bì thực phẩm, thậm chí thức ăn chăn nuôi. Về nguồn gốc, nguyên nhân khiến số cá trên bị nhiễm độc Phenol, ông Biên cho hay chỉ có thể khẳng định có chất độc trong mẫu kiểm nghiệm, chứ không thể xác định việc nhiễm độc từ đâu.
“Với hàm lượng 2-5 gram, chất Phenol gây ngộ độc cấp và 10 gram gây chết người. Dù hàm lượng trong mẫu kiểm nghiệm ít, không gây ngộ độc bây giờ nhưng tiềm tàng nguy hiểm về sau”, ông Biên nói.
Bên cạnh chỉ tiêu Phenol, mẫu này không phát hiện 4 chất asen, chì, thủy ngân và cyanua. 7 chỉ tiêu khác gồm cadimi crom, niken, đồng, sắt, kẽm và mangan nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2001 của Bộ Y tế.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, tỉnh đã giao cho Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm tra để xác định rõ số cá này có chính xác được thu mua từ vùng biển an toàn hay không mới có biện pháp xử lý.
Như vậy việc xác định số cá này có được cơ quan chức năng xác nhận đánh bắt ở vùng biển an toàn không thì vẫn chưa khẳng định được.
Đăng Đức/Dân Trí
Ảnh: Số cá nục được cho là chứa chất cực độc