Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan và không thuộc phạm vi Kiểm toán Nhà nước.
Chất vấn Tổng kiểm toán Nhà nước ngày 5.6, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cho biết vụ việc của ngân hàng SCB xảy ra trong thời gian vừa qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Đại biểu Mai Văn Hải chia sẻ, theo thông tin đại chúng cho thấy nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB tuy nhiên không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này. Ông đề nghị Tổng kiểm toán cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của SCB vừa qua?
Trả lời chất vấn, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan đến Kiểm toán Nhà nước và không thuộc phạm vi Kiểm toán Nhà nước.
Theo ông, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập.
"Do đó, trách nhiệm ở vụ việc xảy ra tại SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập", ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có 2 hệ thống kiểm toán. Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán độc lập, do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, có tiền của nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt; việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.
Nhánh thứ hai là hệ thống kiểm toán độc lập, thực hiện theo luật kiểm toán độc lập. Tức là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Tổ chức cung cấp này gồm những người hành nghề kiểm toán độc lập; doanh nghiệp kiểm toán độc lập; các doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam.
Những đối tượng này sẽ thực hiện hợp đồng kiểm toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán dự án đầu tư hoặc kiểm toán một công việc mà do doanh nghiệp thuê. Kiểm toán độc lập sẽ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thông qua vấn đề hợp đồng, trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước về quản lý chất lượng kiểm toán và Bộ không trực tiếp thực hiện kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, ban hành chiến lược, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán. Đến năm 2024, Bộ đã đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Như vây, Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép và thanh tra, kiểm tra đúng theo quy định của pháp luật.
Thực tế, sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng liên quan vụ việc tại Ngân hàng SCB vừa qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có đề cập tới vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Quốc Dũng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước. Do đó, theo quy định pháp luật, SCB không thuộc phạm vi, thẩm quyền và không phải là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Mặc dù không trực tiếp kiểm toán SCB nhưng thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động phát hiện và đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro của SCB tại Báo cáo kiểm toán Ngân hàng Nhà nước.
Nổi bật là, tăng trưởng tín dụng vượt quá chỉ tiêu cho phép; cấp tín dụng cho cổ đông là cá nhân với số tiền lớn hơn số vốn góp vào chính tổ chức tín dụng; chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn; chênh lệch thu - chi âm...
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại chất lượng tài sản bảo đảm của các khoản cho vay đặc biệt; đánh giá, xác nhận khả năng thu hồi nợ gốc, lãi của khoản cho vay đặc biệt SCB, và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định, phù hợp với thực tiễn.
Ông Dũng cho rằng với vai trò và chức năng nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động nỗ lực đóng góp trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, do các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nên Kiểm toán Nhà nước không thể kiểm toán, đối chiếu, kiểm tra hồ sơ trực tiếp với các ngân hàng này.
“Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu thông qua các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước dẫn đến các kết quả kiểm tra, đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị chỉ mang tính gián tiếp, hiệu quả còn hạn chế", ông Dũng nhấn mạnh.
Từ thực tế trên và để nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng cần có một số giải pháp. Trong đó, sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng có độ mở hơn, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là đối với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện.