Trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân (tổng hợp cả 3 tội danh).
Sự kiện

Vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2): Trương Mỹ Lan lĩnh án chung thân

Nhật Anh (tổng hợp) 17/10/2024 16:59

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân (tổng hợp cả 3 tội danh).

Sau gần 1 tháng xét xử, ngày 17.10, HĐXX TAND TP.HCM tiến hành tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.

34 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo đó, HĐXX quyết định tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hình phạt mà bị cáo Lan phải chấp hành là tù chung thân.

plo.png
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: PLO

Có ý chiếm đoạt trước khi thực hiện hành vi

Theo HĐXX, có đủ căn cứ để xác định Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của tập đoàn và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tòa xác định bà Trương Mỹ Lan nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, đã đồng ý với đề xuất của Nguyễn Phương Hồng (đã chết) về việc phát hành trái phiếu nhằm xử lý khó khăn về tài chính.

Để thực hiện, bị cáo đã họp với các lãnh đạo chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu thông qua 4 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra).

Cùng với đó, bị cáo chọn 5 công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng mua sơ cấp số trái phiếu của 4 công ty trên để lên phương án tạo dòng tiền khống tại SCB, hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp.

Các cá nhân được thuê lập, ký khống các chứng từ giao dịch (nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản) và hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB trong cùng một ngày, nhằm tạo nguồn tiền 30.869 tỉ đồng cho các trái chủ sơ cấp chuyển tiền cho 4 công ty phát hành để mua gần 309 triệu trái phiếu.

Sau khi hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp, bà Lan và đồng phạm hoàn thành việc tạo lập 25 gói trái phiếu khống và bán cho 35.824 nhà đầu tư thứ cấp.

HĐXX xác định quá trình phát hành trái phiếu có sự tham gia của nhiều cá nhân thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB phối hợp triển khai. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn gian dối từ việc lựa chọn công ty phát hành, các công ty mua sơ cấp đến việc xử lý dòng tiền khống và dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu. Như vậy, tội phạm hoàn thành từ thời điểm tiền của bị hại đã chuyển vào SCB.

Sau khi chiếm đoạt, các bị cáo đã thực hiện tiếp nhiều thủ đoạn gian dối để rút tiền mặt, che giấu dòng tiền sử dụng vào nhiều mục đích không đúng với phương án phát hành. Các bị cáo đã xây dựng một quy trình từ việc lựa chọn công ty phát hành, ký các hợp đồng khống, chạy dòng tiền khống, bán cho các công ty sơ cấp, phân phối cho hàng trăm nghìn người dân.

Theo nhận định của HĐXX, quy trình này thể hiện ý thức chiếm đoạt có từ trước khi thực hiện hành vi. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội danh nên tòa không có căn cứ chấp nhận quan điểm của một số bị cáo và luật sư cho rằng “không nhận thức được hành vi khi thực hiện tội phạm”.

ttx.jpeg
Bị cáo Trương Mỹ Lan - Ảnh: TTXVN

Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm chính

Đối với tội “Rửa tiền”, từ ngày 1.1.2018 đến 7.10.2022, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB; hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản.

Theo HĐXX, hành vi này nhằm tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền. Tổng hợp với số tiền lừa đảo chiếm đoạt của các trái chủ (hơn 30.000 tỉ đồng), bà Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi rửa tiền tổng cộng 445.747 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong vòng 10 năm (từ 27.10.2012 đến 7.10.2022) đã có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ USD.

21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định, với 152 giao dịch (tổng cộng hơn 3 tỉ USD). Như vậy, bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (hơn 106.000 tỉ đồng).

Từ những nhận định trên, HĐXX cho rằng cáo trạng truy tố Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng tới nhiều bị hại nên cần có mức án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục.

Trong vụ án này, HĐXX xác định Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới chỉ đạo hành vi phạm tội nên phải chịu trách nhiệm chính, hình phạt phải nặng nhất so với các bị cáo khác mới đủ sức răn đe.

Bài liên quan
Bà Trương Mỹ Lan nói về 3 ước mơ còn dang dở, xin giảm nhẹ cho các bị cáo
Trong lời nói sau cùng, bà Trương Mỹ Lan nói về 3 ước mơ chưa được hoàn thành; đồng thời xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ cho các bị cáo khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2): Trương Mỹ Lan lĩnh án chung thân