Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) vừa gửi đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới TAND cấp cao tại Hà Nội.

Vụ Ethanol Phú Thọ: Chủ mới biệt thự Tam Đảo bổ sung nội dung kháng cáo

Nhã Thanh | 24/09/2021, 15:37

Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) vừa gửi đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới TAND cấp cao tại Hà Nội.

Liên quan đến vụ án Ethanol Phú Thọ, khu đất 3.400m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) do Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC) bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc) mua bằng tiền tạm ứng trái quy định của PVC (năm 2010), gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỉ đồng.

Năm 2011, Thanh chỉ đạo Hồng bán lại khu đất cho Công ty Mai Phương (khi đó do ông Trịnh Xuân Giới, bố của Thanh đứng tên chủ sở hữu) với giá 23,8 tỉ đồng; nhưng Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng không trả.

Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Thanh). Năm 2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (ở Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng, trong đó có lô đất 3.400m2 đất tại Tam Đảo.

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400m2 đất tại Tam Đảo; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC; tiếp tục thu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này (đứng tên chủ sở hữu là Công ty Mai Phương) hiện lưu trong hồ sơ vụ án.

vu-ethanol-phu-tho-chu-moi-biet-thu-tam-dao-bo-sung-noi-dung-khang-cao.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: N.A

Sau đó, Công ty Mai Phương đã làm đơn kháng cáo, cho rằng tòa cấp sơ thẩm đã không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Mai Phương.

Trong đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo và kiến nghị tới TAND cấp cao tại Hà Nội gửi ngày 24.9, theo Công ty Mai Phương, quyết định của tòa cấp sơ thẩm về phần dân sự liên quan đến Công ty Mai Phương không đảm bảo căn cứ pháp luật, không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Trong đơn, Công ty Mai Phương phân tích, trong vụ án này, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, đại diện của PVC không có yêu cầu nào thể hiện rằng PVC yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo. PVC chỉ yêu cầu tòa án buộc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỉ đồng, là số tiền bị thiệt hại do hành vi tạm ứng tiền và góp vốn trái quy định gây nên.

Theo Công ty Mai Phương, trong khi đương sự là PVC không yêu cầu được sở hữu và trả lại 3.400m2 đất, đại diện VKS cũng chỉ đề nghị Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường hơn 13 tỉ đồng cho PVC nhưng tòa cấp sơ thẩm lại tuyên trả lại lô đất cho PVC là trái với nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”.

Ngoài ra, trong đơn, Công ty Mai Phương cho rằng giao dịch chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bà Trần Dương Nga trong Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm, trong đó có quyền sử dụng lô đất là giao dịch không bị pháp luật cấm. Ông Kiều Đào Lâm không biết và không thể biết về việc lô đất mà PVC Kinh Bắc chuyển nhượng cho Công ty Mai Phương được hình thành từ nguồn tiền nào.

Do vậy, trong trường hợp này phải áp dụng quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Như vậy, chủ sở hữu hiện tại của Công ty Mai Phương là ông Kiều Đào Lâm - người đang quản lý và sử dụng lô đất phải được xác định là người thứ ba ngay tình và cần được pháp luật bảo vệ...

Từ đó, Công ty Mai Phương đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 3.400m2 cho Công ty Mai Phương; bỏ toàn bộ nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng Công ty Mai Phương, chuyển nhượng, sử dụng, xây dựng trên lô đất 3.400m2 đất Tam Đảo.

Trong vụ án này, ngoài Công ty Mai Phương còn có 6 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, trong các ngày từ 8 - 15.3, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. 9 bị cáo cùng bị tuyên phạt về tội danh nêu trên nhận mức án từ 36 tháng treo đến 6 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bài liên quan
Vụ Ethanol Phú Thọ: Bị cáo Đinh La Thăng lĩnh án 11 năm tù
HĐXX TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Ethanol Phú Thọ: Chủ mới biệt thự Tam Đảo bổ sung nội dung kháng cáo