Nhà nông chỉ biết nó là con chồn cáo mèo chuyên phá hại, bắt gà của người ta không kể xiết, nên ai gặp nó cũng tiêu diệt. bây giờ mấy ông chức trách lại nói đó là mèo rừng quý hiếm, chẳng biết đường nào mà lần”, ông Hai Hùng nói.

Vụ 'giết mèo rừng quý hiếm đăng Facebook': Sự thật không đơn giản

04/09/2020, 15:31

Nhà nông chỉ biết nó là con chồn cáo mèo chuyên phá hại, bắt gà của người ta không kể xiết, nên ai gặp nó cũng tiêu diệt. bây giờ mấy ông chức trách lại nói đó là mèo rừng quý hiếm, chẳng biết đường nào mà lần”, ông Hai Hùng nói.

Con chồn cáo mèo bị hai con chó của ông Cường cắn chết - Ảnh: Thanh Anh

Sự thật vụ “giết mèo rừng đăng Facebook”

Cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Công an huyện Cái Bè, UBND xã Tân Thanh và công an xã đến làm việc với ông Huỳnh Hữu Cường (ngụ xã Tân Thanh) để xác minh làm rõ vụ “giết mèo rừng quý hiếm đăng Facebook” gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Trước đó vào ngày 24.8, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có văn bản gửi Công an huyện Cái Bè, thông báo việc phát hiện ông Cường có hành vi “săn bắt, giết nhiều cá thể mèo rừng và đăng tải các hình ảnh này lên trang Facebook cá nhân”.

Hình ảnh con chồn cáo mèo đăng trên trang cá nhân của ông Cường - Ảnh: Thanh Anh

ENV cho rằng hành vi của ông Cường có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), vì mèo rừng là loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm II B. Hành vi của ông Cường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đến 12 năm hoặc bị phạt hành chính số tiền lên đến 360 triệu đồng. ENV cũng cho rằng đây không phải lần đầu ông Cường săn bắt, giết hại mèo rừng quý hiếm, vì ngày 30.11.2018 ông này cũng bắt được mèo rừng giết thịt. Từ đó, ENV đề nghị Công an huyện Cái Bè kiểm tra, xử lý nghiêm ông Cường theo quy định của pháp luật. Sự việc ngay sau đó đã làm dậy sóng dư luận.

Về phía ông Cường, ông thừa nhận những hình ảnh ông xách con vật giống con mèo, lông màu vàng có đốm đen, đăng trên trang Facebook cá nhân là thật, nhưng không thừa nhận trực tiếp giết hại con “mèo rừng quý hiếm”. Theo giải trình của ông Cường, đêm 23.8, trong lúc ông đang ngủ giữ vườn cây ăn trái của gia đình thì nghe nhiều tiếng chó sủa gắt phía chuồng nuôi nhốt gà, nên ra xem. Đến nơi, ông Cường phát hiện một con vật lạ hình dáng giống con mèo, lông màu vàng có đốm đen đang bắt gà.

Thấy có người, con vật lạ bỏ chạy, nhưng bị hai con chó của ông Cường bao vây, cắn chết tại trận. Ông Cường xác định con vật này là con chồn cáo mèo, loài vật lâu nay nhà vườn rất căm ghét vì nó chuyên bắt gà ăn thịt, ăn trứng gà, nên đem về làm thịt và đăng hình lên trang cá nhân. Sau khi dư luận phản ứng, ông Cường đã gỡ bỏ các hình ảnh này, khẳng định từ trước đến nay chỉ biết con vật này có tên là chồn cáo mèo chuyên phá hại, không hề biết đó là con... “mèo rừng quý hiếm”.

Văn bản của ENV đề nghị Công an huyện Cái Bè xử lý nghiêm ông Cường - Ảnh: Thanh Anh

Nhưng trong buổi làm việc với ông Cường, đại diện Sở NN-PTNT Tiền Giang không thu được các mẫu của con vật được cho là mèo rừng quý hiếm bị ông Cường làm thịt để đưa đi giám định, nên cho rằng chỉ qua hình ảnh thì không thể kết luận con vật thuộc loài gì, nhóm nào, có phải là ĐVHD quý hiếm hay không. Trong khi đó ông Cường vẫn khẳng định 2 con chó của ông cắn chết con chồn cáo mèo chuyên ăn gà chứ không phải con “mèo rừng quý hiếm”. Sở dĩ ông gỡ bỏ các hình ảnh trên trang cá nhân vì sợ bị… dư luận ném đá, dù họ chưa biết rõ con vật ông làm thịt có phải là “mèo rừng quý hiếm” hay không.

Nhà nông lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan

Theo ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, nông dân ở huyện Cái Bè), con vật mà ông Cường đăng hình ảnh trên Facebook từ xưa đến nay nhà nông quen gọi là con chồn cáo mèo, không ai biết đó là con “mèo rừng quý hiếm” như ENV khẳng định. Ông Hùng kể: “Từ những năm 1990 trở về trước, vườn tược, đồng ruộng ở các vùng nông thôn miền Tây còn nhiều nơi hoang vu, lau sậy rậm rạp, nên các loại chồn sinh sống nhiều vô kể. Ở miền Tây phổ biến có 3 loại chồn là chồn đèn lông xám, chồn mướp lông xám có sọc đen trên lưng và chồn cáo mèo lông vàng có đốm đen. Trong đó chồn cáo mèo là loài dữ dằn nhất, chuyên phá chuồng gà, chuồng vịt của nhà nông”.

Ngày trước để bảo vệ gà vịt nuôi, ban đêm nhà nông hay giăng loại bẫy có tên gọi bẫy cò ke để bắt chồn xâm nhập ăn gà, ăn vịt. Nhưng do tốc độ sinh sản nhanh và rất tinh khôn nên các loại chồn xuất hiện rất nhiều. Những năm gần đây các loại chồn vẫn còn, do ruộng vườn trống trải thu hẹp môi trường sống, cộng thêm việc nhiều người lùng sục săn bắt để cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu đặc sản, nên bọn chồn chỉ còn chui rúc ở những bờ bãi ven sông rậm rạp, số lượng cũng ít dần.

“Từ trước đến nay nhà nông miền Tây đều gọi con chồn lông màu vàng nhạt có đốm đen là con chồn cáo mèo, chẳng ai gọi nó là con mèo rừng như ENV gọi. Nó đúng là ĐVHD, nhưng quý hiếm hay không thì nhà nông không hề biết, chỉ biết nó chuyên bắt gà vịt ăn thịt, ăn luôn cả ổ trứng, gây thiệt hại cho nhà nông thì phải tiêu diệt”, ông Hùng nói. Và nếu mang đi bán, thì chồn cáo mèo thấp giá nhất so với 2 loại chồn còn lại.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên nông dân xã Tân Thanh bắt được con “mèo rừng quý hiếm” như cách gọi của ENV. Vào tháng 3.2016, nông dân Lưu Thành Trung (ngụ ấp Phước Lý 1, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) sau khi bị mất nhiều gà đã đặt bẫy trong vườn và bắt được một con vật nặng khoảng 4kg, lông vàng nhạt có đốm đen và rất hung dữ. Chẳng biết đó là con gì, anh Trung đem hỏi các bậc cao niên thì được cho biết đó là con chồn cáo mèo chuyên bắt gà ăn thịt.

Loại thú này rất giống mèo nên người dân hay gọi là chồn cáo mèo - Ảnh: Thanh Anh

Nghe tin anh Trung bẫy được chồn cáo mèo, cả xóm kéo đến chia vui, vì lâu nay nhiều người bị mất gà, phát hiện thủ phạm là một con vật lông vàng đốm đen nhưng không bắt được vì nó chạy rất nhanh khi thấy bóng người. Theo nhiều người dân ấp Phước Lý 1, trong vùng chuyên nuôi gà chọi bán với giá vài triệu đến vài chục triệu đồng/con. Nhưng từ khi con chồn cáo mèo xuất hiện thì nhiều nhà bị mất gà, từ gà trưởng thành đến gà con, thiệt hại kinh tế rất nặng nề, nên ai cũng sợ. Sau khi anh Trung bẫy được con chồn cáo mèo, nạn mất gà cũng chấm dứt.

Trước đó vào ngày 19.1.2016, anh Nguyễn Văn Dày (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cũng bị mất gà nên đặt bẫy và bắt được một con chồn cáo mèo. Sau khi đăng ảnh con chồn, anh Dày nhận được nhiều cuộc gọi cho biết đó là con “mèo rừng quý hiếm”, nên anh không giết thịt, giao cho một khu bảo tồn thiên nhiên ở Phú Quốc (Kiên Giang) chăm sóc.

Chồn cáo mèo bị bắt ở Vĩnh Long - Ảnh: Thanh Anh

Đến tháng 4.2017, anh Võ Quốc Bào, người dân ở thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng bẫy được 1 con chồn cáo mèo nặng khoảng 3kg sau khi phát hiện nhiều gà nuôi bị mất bí ẩn. Tuy mất gà nhiều, nhưng thấy con chồn có bộ lông đẹp nên anh Bào làm chuồng nuôi nhốt, không giết thịt. Nhưng sau đó các cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đến nhà, vận động anh Bào thả con chồn cáo mèo về tự nhiên, vì cho rằng đó là con “mèo rừng quý hiếm”, nghiêm cấm săn bắt, nếu giết thịt con chồn cáo mèo, anh Bào có thể bị xử lý hình sự.

Trở lại sự việc ông Cường bị ENV đề nghị công an xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, ông Hùng cho biết: “Sau vụ này tui mới biết con chồn cáo mèo chuyên bắt gà ăn thịt lại là con “mèo rừng quý hiếm”. Theo tui, trong chuyện này ông Cường không có lỗi. Nếu con chồn cáo mèo là ĐVHD quý hiếm cần bảo vệ, thì các cơ quan hữu trách nên có động thái tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết, không bắt ăn thịt.

Nếu muốn bảo vệ con vật chuyên phá hại này, các cơ quan chuyên môn cần tìm kiếm, gom chúng lại một khu vực nào đó để chúng không bắt gà vịt của dân. Nói thiệt, nuôi đàn gà, đàn vịt tốn rất nhiều tiền của, công sức, chỉ mong có ngày thu hoạch. Vậy mà con chồn cáo mèo vào bắt ăn hết, nhà nông ai mà không xót ruột, nên người nào cũng muốn tiêu diệt nó”.

Thanh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ 'giết mèo rừng quý hiếm đăng Facebook': Sự thật không đơn giản