Việc Hoa hậu Thùy Tiên (Nguyễn Thúc Thùy Tiên) bị kiện do liên quan đến khoản nợ 1,5 tỉ đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là sau khi Thùy Tiên đã có buổi gặp gỡ báo chí trưa 5.11.

Vụ Hoa hậu Thùy Tiên bị kiện: Những vấn đề pháp lý

Trí Lâm | 07/11/2022, 17:50

Việc Hoa hậu Thùy Tiên (Nguyễn Thúc Thùy Tiên) bị kiện do liên quan đến khoản nợ 1,5 tỉ đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là sau khi Thùy Tiên đã có buổi gặp gỡ báo chí trưa 5.11.

Quyền khởi kiện của nguyên đơn

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài thương mại phía nam (STAC) cho rằng tranh chấp về “đòi nợ” là một dạng tranh chấp khá phổ biến.

Quyền khởi kiện là một quyền cơ bản được quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS), Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành. Điều 14 BLDS quy định tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân; trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài.

Điều 186 BLTTDS cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Do vậy, ông Vũ cho rằng nếu bà Đặng Thùy Trang cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì bà có quyền khởi kiện.

Theo quy định tại khoản 2 điều 68 BLTTDS, nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện. Do đó, bà Trang là người khởi kiện thì bà Trang sẽ được xác định tư cách tham gia tố tụng là nguyên đơn.

“Tất nhiên, khi khởi kiện, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện nộp đến tòa án có thẩm quyền. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Vụ kiện này đã được tòa án thụ lý. Tiếp theo, tòa án sẽ giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định”, ông Vũ nêu.

tien.jpg
Hoa hậu Thùy Tiên

Ông Kiều Anh Vũ cũng lưu ý việc tòa án thụ lý vụ án không có nghĩa là tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tùy thuộc vào chứng cứ và các vấn đề pháp lý khác trong vụ án, tòa án có thể tuyên xử chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nói cách khác, tòa án thụ lý vụ án không có nghĩa là nguyên đơn đúng, bị đơn sai, mà phải chờ đến khi có kết quả cuối cùng bằng bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án.

Ai là bên cho vay trong vụ kiện?

Có một thông tin đáng chú ý trong vụ kiện này là theo thông tin thể hiện trên Biên bản thỏa thuận xác nhận nợ đề ngày 22.7.2017 (thỏa thuận), bên cho vay (bên B trong thỏa thuận) là ông Nguyễn Quan Trọng. Bà Đặng Thùy Trang ký tên trên thỏa thuận với tư cách “người làm chứng”. Tuy nhiên, hiện nay bà Trang là người khởi kiện (nguyên đơn).

Một số thông tin cho thấy ông Trọng thừa nhận số tiền 1,5 tỉ được đề cập theo thỏa thuận là tiền bà Trang cho bà Tiên vay, ông Trọng chỉ ký thỏa thuận do bà Trang nhờ. Tuy vậy, đây vẫn là tình tiết rất quan trọng cần làm rõ để xác định đúng tư cách pháp lý của các bên liên quan cũng như tư cách tham gia tố tụng trong vụ kiện này.

Luật sư Kiều Anh Vũ cũng nêu câu hỏi rằng bà Trang cho vay và cũng có ký tên vào thỏa thuận tại sao không trực tiếp ký tên với tư cách là bên cho vay mà lại ký tên với tư cách là người làm chứng? Tại sao không để ông Trọng ký tên với tư cách là người làm chứng cho đúng bản chất giao dịch? Đây là vấn đề pháp lý cần phải làm rõ thêm trong quá trình tòa án giải quyết vụ án.

Giá trị pháp lý của biên bản thỏa thuận xác nhận nợ thế nào?

Có thể thấy, chứng cứ mấu chốt trong vụ kiện này là biên bản thỏa thuận xác nhận nợ. Do vậy, giá trị pháp lý của thỏa thuận này là rất quan trọng.

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng trước tiên cần làm rõ hiệu lực của thỏa thuận. Một giao dịch dân sự có hiệu lực nếu chủ thể (các bên ký kết thỏa thuận) có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức của giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp cụ thể này, ông Vũ cho rằng cần làm rõ các bên ký kết thỏa thuận có hoàn toàn tự nguyện không, đặc biệt là từ phía bị đơn. Tất nhiên, các bên trong giao dịch phải chứng minh cho lập luận, quan điểm mà phía mình đưa ra.

“Việc một bên cho rằng mình bị bên kia “gài” thì phải hết sức thận trọng vì không khéo không chứng minh được thì lại gây ra sự bất lợi cho chính mình. Việc thừa nhận “đã đặt bút ký bằng với tất cả niềm tin” cũng là một tình tiết đáng chú ý trong vụ kiện này”, ông Vũ nêu.

kav-3.jpg

Theo luật sư Vũ, giả định rằng thỏa thuận nêu trên là có hiệu lực thì các vấn đề khác liên quan đến giao dịch cho vay và nhận nợ cũng cần làm rõ. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

“Không thể chỉ dựa vào duy nhất văn bản xác nhận nợ để thừa nhận khoản nợ và buộc một bên trả nợ”, ông Vũ nói.

Ông Kiều Anh Vũ cũng cho rằng cần làm rõ quá trình vay nợ giữa hai bên. Trong thỏa thuận, các bên đề cập “sau khi đối chiếu, hai bên thỏa thuận xác nhận nợ, đến hết ngày 22 tháng 7 năm 2017”.

Do đó, đối chiếu ở đây là đối chiếu những khoản nợ cụ thể nào, trước ngày 22.7.2017 đã có những khoản nợ nào và bên cho vay đã giao tiền cho bên vay số tiền bao nhiêu, hình thức giao tiền là bằng tiền mặt hay phương thức nào khác?

Thỏa thuận cũng ghi nhận “mục đích vay nợ đầu tư và đào tạo đi thi hoa khôi Nam Bộ”. Do đó, cần làm rõ có hay không sự tồn tại của khoản vay này và việc sử dụng khoản vay cho mục đích này?

“Tóm lại, trong vụ kiện này, còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan cần làm rõ và tòa án có thẩm quyền sẽ giải quyết vụ kiện này theo quy định của pháp luật. Nếu nợ thì phải trả, đó là đạo lý và công lý. Trường hợp không có nợ thì không thể bị buộc trả nợ, đó cũng là công bằng vậy”, ông Vũ nói.

Trước đó, chiều 3.11, luật sư Phan Thanh Sơn - đại diện của bà Đặng Thùy Trang cho biết TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) đã thụ lý vụ án bà Trang khởi kiện bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Theo đơn khởi kiện, bà Trang nói rằng vào tháng 6.2017, Hoa hậu Thùy Tiên vay của mình số tiền 1,5 tỉ đồng. Thời điểm giao tiền, bà Trang nhờ ông Nguyễn Quan Trọng đứng ra ký biên bản xác nhận (với tư cách là bên cho vay tiền), còn Trang là người làm chứng. Thùy Tiên đã ký, điểm chỉ và ghi rõ đã nhận đủ tiền.

Theo thỏa thuận, Thùy Tiên phải trả tiền trong thời hạn một năm kể từ ngày ký xác nhận nợ, mỗi tháng phải có nghĩa vụ thanh toán một phần khoản nợ. Tuy nhiên, hết thời hạn, bà Trang cho rằng người đẹp sinh năm 1998 trốn tránh, không trả nợ, xé luôn giấy vay nợ.

Liên quan vụ việc, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (đại diện pháp lý cho Hoa hậu Thùy Tiên) cho biết Thùy Tiên không nhận tiền vay từ bà Trang hay ông Trọng. Do đó, bà Trang không có quyền khởi kiện yêu cầu Thùy Tiên phải trả tiền. Hoa hậu Thùy Tiên cũng đã có văn bản đề nghị TAND quận Gò Vấp đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho bà Trang.

Bài liên quan
Hoa hậu Thùy Tiên tỏa sáng với vai diễn đầu tiên trong ‘Linh miêu - Quỷ nhập tràng’
Hoa hậu Thùy Tiên đã tỏa sáng khi hóa thân vào nhân vật Phượng trong phim “Linh miêu - Quỷ nhập tràng”. Đây là vai diễn đầu tiên khi cô chạm ngõ điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Hoa hậu Thùy Tiên bị kiện: Những vấn đề pháp lý