Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã bị tấn công trên mạng xã hội sau những phát ngôn bị cho là "chưa chuẩn mực". Trước sự việc này, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ "các facebooker hãy là đám đông thông tuệ".

Vụ Hoa hậu Ý Nhi bị tấn công trên MXH: 'Các facebooker hãy là đám đông thông tuệ'

Giang Sơn | 10/08/2023, 23:30

Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã bị tấn công trên mạng xã hội sau những phát ngôn bị cho là "chưa chuẩn mực". Trước sự việc này, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ "các facebooker hãy là đám đông thông tuệ".

Trong vài tuần qua, ồn ào xoay quanh những phát ngôn của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đã thu hút sự quan tâm của dư luận và truyền thông.

Chỉ vừa mới đăng quang, Ý Nhi bị khán giả tẩy chay, yêu cầu tước vương miện… vì những phát ngôn bị cho là “chưa chuẩn mực” của cô trong một số cuộc phỏng vấn. Tân hoa hậu sau đó đã bị tấn công trên mạng xã hội với những lời lẽ nặng nề, cay nghiệt và bạo lực. Thậm chí, một số antifan quá khích còn tấn công cả gia đình, thầy cô của tân hoa hậu.

Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm liên quan đến vụ việc dưới góc độ tâm lý. 

Phóng viên: Những ngày gần đây bà có theo dõi tin tức và những lùm xùm liên quan đến phát ngôn của Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi. Nếu có, xin bà cho biết nhận xét về chuyện một hoa hậu mới 20 - 21 tuổi trả lời chưa chuẩn mực. Là một người trẻ, trong cơn phấn khích vì đạt giải thì sai sót này liệu có quá ghê gớm?

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm: Tôi không muốn bị định hướng suy nghĩ của mình theo câu hỏi phỏng vấn, ở góc nhìn của tâm lý học tôi muốn chia sẻ rằng: Chuyện ghê gớm hay không là do cách mình nghĩ. Tâm lý học trường phái nhận thức cho rằng “bạn là cái mà bạn nghĩ - “you are what you think”, cách mà não chúng ta suy nghĩ có nguyên tắc của nó. Nếu ta tin vào điều gì đó, ta nghĩ chắc chắn nó là vậy thì ta thấy mọi chuyện sẽ xảy ra đúng y như thế.

Không sai, bởi cho dù chuyện có xảy ra theo cách nào, não của ta cũng sẽ “cố tình diễn dịch” theo cách mà ta muốn tin. Ví dụ như một người không thích bạn thì cho dù bạn hành xử với họ kiểu gì bạn cũng bị chê trách, chỉ trích. Khi gặp họ bạn vui vẻ, lễ phép, tôn trọng, họ sẽ nghĩ chắc là bạn sắp nhờ vả, xin xỏ hay lấy lòng họ gì đây. Nhưng sau khi bị đánh giá tiêu cực, lần sau gặp họ bạn sẽ dè dặt không dám chào hỏi, vui cười, thì họ sẽ diễn dịch suy nghĩ rằng “Đúng là loại người không ra gì, không biết trên biết dưới gì cả…”.  Nghĩa là khi họ không thích bạn thì bạn hành xử kiểu gì cũng bị dè bĩu!

Đó là sự “định kiến” mang tính chủ quan, tâm lý con người luôn dựa trên những trải nghiệm tiêu cực của bản thân, tạo thành những niềm tin cốt lõi độc hại. Niềm tin ấy khiến họ luôn diễn giải mọi việc theo một hướng nhất định và thường là xu hướng tiêu cực. Đó là lý do tại sao antifan nhanh chóng có hơn nửa triệu thành viên. Và tất cả họ đều cùng chung một tiếng nói, một góc nhìn.

363745764_1007025084050048_9184616461643630915_n.jpg
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: TL.

Hiện cộng đồng mạng không chấp nhận sai sót này và ‘ném đá’ Ý Nhi rất cay nghiệt, thậm chí đòi giết. Là một chuyên gia tâm lý, xin bà cho biết vì sao con người ta lại có thể hành xử một cách hung hăng như vậy? Phải chăng do áp lực cuộc sống, hay người ta mang tâm lý là chửi bới trên mạng ko bị trách nhiệm gì hay vì một lý do nào đó khiến tâm lý những người này trở nên bất chấp như vậy?

- Khoan hãy nói đến hành xử của “cõi mạng”, hãy bàn về tâm lý đám đông. Không phải lúc nào đám đông cũng thông minh hơn từng người, đặc biệt là những người giỏi nhất.

Ở góc độ tâm lý thì những người tham gia vào cộng đồng mạng khi bị kéo vào vòng xoáy, họ phải có động thái gì đó (kiểu như lập group antifan đối với một sự kiện hay gia nhập nhóm anti hoa hậu) để chứng tỏ mình không bị loại ra khỏi nhóm, nhưng thực sự ẩn sâu bên dưới là một phản ứng buồn lo khi đa số bạn trẻ cảm thấy bị “đụng chạm đến cái tôi” của mình khi nghe câu phát biểu có phần chân chất của Hoa hậu Ý Nhi: “Khi các bạn dành thời gian uống trà sữa thì tôi đi thi hoa hậu...”.

Ngoài ra, nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng “facebook của tui là nhà tui”, tui muốn nói gì tui nói, mà không biết rằng dù là phát biểu trên mạng cũng có luật lệ của nó. Nếu những điều bạn làm gây tổn thương, tổn hại đến người khác một cách vô cớ, bạn có thể bị phạt tiền hoặc bị kiện.

Trên hết là vấn đề nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội của một bộ phận người dùng còn bị thiếu. Nước ta có nguồn tài nguyên mạng vô cùng tốt, từ thành thị đến nông thôn, nhưng đa số người dùng vẫn hành xử rất giản đơn, người dùng thô sơ đến mức không lịch sự, kém duyên khi vào bình luận (comment) các trang bài của người khác.

Trở lại việc cộng đồng mạng công kích Hoa hậu Ý Nhi. Nếu khách quan, tỉnh táo và độ lượng một chút, các bạn trẻ có thể hiểu câu nói này có ngầm ý rằng cô ấy là một người sống có mục tiêu, có kế hoạch cho cuộc đời, biết sử dụng thời gian thanh xuân của mình cho những điều mình mong muốn. Chỉ có vậy thôi!

Cho nên chúng ta không cần phải nhảy ngay vào một cách không cân nhắc, rồi yêu cầu, lên án, phán xét… như đúng rồi. Trong khi sự thật mỗi câu nói đều có một ngữ cảnh của nó, chưa kể khi người nói có thói quen dùng từ trong giao tiếp thông thường, họ không quen ngôn ngữ viết, phỏng vấn…

Nếu muốn phản biện xã hội, các facebooker hãy là đám đông thông tuệ. Khi nào thì đám đông được xem là thông tuệ?

Có 4 điều kiện cần thiết để một đám đông được xem là thông tuệ là:

- Sự đa dạng về ý kiến: Mỗi người nên có một thông tin riêng nào đó, dù đó có thể là một cách diễn giải đặc biệt về những sự kiện đã biết.

- Sự độc lập: Các ý kiến của mọi người không được hình thành theo ý kiến của những người xung quanh.

- Sự phân cấp - phi tập trung hóa: Không có bất cứ một sự chỉ đạo (từ trung tâm) nào đối với từng thành viên trong nhóm.

- Sự tổng hợp: Nhóm phải có cơ chế để biến những ý kiến riêng thành ý kiến tập thể.

Qua 4 điều kiện để một đám đông được xem là thông tuệ cho thấy đa số chúng ta đều không đạt được khi mà đám đông không có sự đa dạng về ý kiến, cũng không hề có sự độc lập trong ý kiến của mình. Bằng chứng là khi chúng ta đọc qua các bài báo, hay nhiều status (dòng trạng thái) cá nhân viết về sự kiện hoa hậu trên, chúng ta cảm giác hình như mọi người copy nội dung lẫn nhau thôi chứ không hề có một sự kiểm chứng, có chính kiến riêng hay tình tiết mới lạ gì.

Điều đặc biệt nghiêm trọng là không có sự phân cấp, phi tập trung hóa; nghĩa là trong sự kiện này, ai cũng mơ hồ cảm nhận có một sự dẫn dắt nào đó (từ trung tâm – có thể là group antifan) rõ ràng đến nỗi mỗi bước đi, mỗi lời nói của cô hoa hậu đều được cắt từng lát ra để phán xét, để la ó, giãy nảy được“virals” (lan truyền) lên, bắt đầu từ vài trang mạng.

Cho dù câu trả lời của em ấy có ngây ngô hay phạm húy thì các trang mạng - với tư cách người định hướng dư luận, lẽ ra nên biên tập, nói tránh, nói giảm hoặc diễn dịch theo hướng tích cực, thấu cảm, thậm chí góp ý, chỉnh sửa cho em ấy trước khi đăng tải, nhưng thực tế, các trang mạng đã làm khác đi theo kiểu “Ồ thú vị quá, đây là cơ hội lớn để “câu view”, tạo sóng hoặc làm thương hiệu cho mình...(?)”.

ynhi.png
Trong vài tuần qua, những ồn ào của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong số những người lăng mạ, tấn công Hoa hậu Ý Nhi có những người còn rất trẻ, thậm chí là vị thành niên nhưng câu từ trong các bình luận (comment) thì sặc mùi bạo lực? Điều này phải chăng từ môi trường giáo dục?

- Không chỉ là do môi trường giáo dục, thế hệ GenZ, Gen Alpha ngày nay có nhiều cái nhìn, chính kiến tư tưởng rất khác lạ so với các thế hệ X,Y... Đôi khi họ đầy mâu thuẫn, kiểu như các bạn không câu nệ hình thức trong giao tiếp đi thưa về trình. Mô típ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” bị cho là xưa cũ, lỗi thời, nhưng các bạn lại bắt lỗi từng câu nói của người khác, các bạn tỏ ra mạnh mẽ, "xù lông nhím" lên để bảo vệ, không cho ai chạm tới cái tôi to đùng của mình.

Dù vậy, các bạn lại vô cùng nhạy cảm, mong manh dễ tổn thương… Các bạn rất muốn sống độc lập nhưng lại vô cùng lệ thuộc, rất muốn tự quyết, tự chủ nhưng lại sợ cô đơn… Vậy nên các bạn có xu hướng sống theo tâm lý đám đông, nhất là từ khi có mạng xã hội.

Nhiều người có uy tín trong lĩnh vực văn hóa cũng có tâm lý e ngại không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải - không chỉ riêng chuyện Hoa hậu Ý Nhi - vì sợ bị các nhóm antifan tấn công, sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc? Ở góc độ tâm lý học bà nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Lẽ phải là sự thật. Có một câu nói đại ý rằng, nếu bạn không dám nói sự thật, điều đó đồng nghĩa với tội ác. Nhưng người ta e ngại, cân nhắc việc nói hay không nói sự thật, điều này tùy thuộc vào sự an toàn tâm lý, sự dân chủ và môi trường nơi người ta sống. 

Galton và những nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã chứng minh được sự tồn tại của "trí tuệ" đám đông: khi đám đông không nổi loạn hay mù quáng vì chính suy nghĩ của nhóm thì sẽ thông minh hơn bất kỳ một cá nhân xuất sắc nào trong việc đưa ra những giải pháp cho 3 loại vấn đề chính sau:

- Vấn đề nhận thức và giải quyết vấn đề: Đám đông rất giỏi giải quyết những vấn đề có câu trả lời cụ thể như: Ai sẽ chiến thắng trong cuộc thi Super Bowl năm nay? Vị trí tốt nhất để xây dựng nhà máy ở đâu?

- Vấn đề phối hợp: Đám đông khá giỏi trong việc điều phối các hoạt động của thành viên. Ví dụ như làm thế nào để các công ty tổ chức được các hoạt động của họ?

- Vấn đề hợp tác: Đám đông có khả năng hợp tác. Ví dụ như làm thế nào để những người có tính tư lợi và đa nghi có thể hợp tác và đóng góp vào phúc lợi chung? Việc xử lý nạn ô nhiễm, việc thống nhất mức đóng góp chung hợp lý là những vấn đề hợp tác của đám đông.

Có một thế giới bí ẩn và ảo diệu bên trong mỗi người chúng ta mà có khi dành cả đời mình chúng ta cũng không sao hiểu hết được, huống chi nhảy vào bàn tán, đánh giá lời nói và đời sống của người khác chỉ qua vài câu nói hay hành vi mà có khi, ta chỉ nghe kể lại.

Tôi muốn đứng ngoài những dư luận cũng như chính kiến cá nhân trong câu chuyện của Hoa hậu Ý Nhi. Bài trả lời phỏng vấn này tôi xem như góp thêm một số kiến thức để cộng đồng có thêm góc nhìn của tâm lý học. Còn thì mỗi người, hãy quay vào bên trong chính mình mà nghiên cứu, khám phá và chiêm nghiệm thêm.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Hoa hậu Ý Nhi bị tấn công trên MXH: 'Các facebooker hãy là đám đông thông tuệ'