Ông Albert Wong Hak-keung phải kiên trì với quan điểm của mình khi ông trở thành Giám đốc điều hành Công viên Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKSTP) khoảng 6 năm rưỡi trước đây.
Với hơn 30% không gian tại khuôn viên vườn ươm công nghệ bị bỏ trống, Albert Wong Hak-keung đã tuân theo chính sách từ chối các khách hàng tiềm năng trừ khi ít nhất một nửa thành viên trong nhóm của họ tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) - một quan điểm nhằm bảo vệ danh tiếng của công viên là nơi cư ngụ cho các hãng công nghệ.
“Việc thực thi chính sách này không dễ dàng khi có rất nhiều toà nhà và không gian trống trước mắt. Song sau những năm này, các hãng công nghệ công nhận công viên là cụm công nghiệp công nghệ. Khi các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư tìm kiếm các hãng công nghệ, họ sẽ đến đây”, Albert Wong Hak-keung nói trong một cuộc phỏng vấn với trang SCMP.
Ngày nay, HKSTP tự hào có hơn 1.200 công ty khởi nghiệp và đã sản sinh ra một số hãng niêm yết. Tỷ lệ lấp đầy gần 90% và lịch làm việc của Albert Wong Hak-keung dày đặc các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư, phỏng vấn các công ty khởi nghiệp và các chuyến đi nước ngoài.
Tuy nhiên, mức độ thành công hiện tại chưa đáp ứng được tầm nhìn của công viên 20 tuổi này. Vì vậy, Albert Wong Hak-keung đang thúc đẩy HKSTP nâng cao vai trò nuôi dưỡng sự đổi mới, đồng thời xua tan quan niệm rằng Hồng Kông - với biệt danh là trung tâm đô thị đắt nhất thế giới - là sa mạc cho khởi nghiệp. Ông đang muốn tăng danh sách các công ty khởi nghiệp thuê mặt bằng lên 6.000 trong vòng 10 năm tới.
Năng lượng mới, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu là một trong những lĩnh vực mục tiêu của HKSTP, phù hợp với các ưu tiên trong Kế hoạch chi tiết về Đổi mới và Phát triển Công nghệ được đề ra vào tháng 12.2022, lần lượt theo sau bài phát biểu về chính sách của Lý Gia Siêu (Đặc khu trưởng Hồng Kông) hai tháng trước đó và sự tán thành từ Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình về mục tiêu biến Hồng Kông thành trung tâm công nghệ.
Nằm dọc theo bờ biển Tolo Harbour trên vùng ngoại ô phía đông của bán đảo Kowloon, HKSTP cung cấp không gian văn phòng, sản xuất và nghiên cứu phát triển, đồng thời giúp kết nối nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp.
HKSTP đã giúp biến chuyên gia trí tuệ nhân tạo SenseTime trở thành một công ty niêm yết trị giá hàng tỉ USD và giúp nuôi dưỡng hãng giao hàng Lalamove cùng công ty sản xuất tiên tiến SmartMore trở thành các kỳ lân công nghệ (các hãng khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD).
“Chúng tôi là Đại học Harvard, chúng tôi là MIT (Viện Công nghệ Massachusetts). Các công ty trong công viên phải có chất lượng cao. Vì vậy, chúng tôi có các nhà đầu tư đến đây tìm kiếm cơ hội mỗi ngày”, Albert Wong Hak-keung tuyên bố.
Tuy nhiên, một nhóm 1.200 công ty “chắc chắn là không đủ” để đạt được khối lượng đầu tư quan trọng và thấp hơn nhiều so với quy mô của trung tâm công nghệ ở Thâm Quyến và trung tâm Zhongquancun (Thung lũng Silicon của Trung Quốc) ở Bắc Kinh, theo Albert Wong Hak-keung.
“Hồng Kông cần có sức nặng từ 6.000 đến 7.000 công ty. Trong vài năm tới, HKSTP phải mở rộng trên nhiều quy mô. Chúng tôi cần thu hút nhân tài toàn cầu và địa phương, thu hút các doanh nghiệp toàn cầu và phát triển các công ty khởi nghiệp địa phương của chúng tôi”, ông chia sẻ.
Với tỷ lệ lấp đầy 89%, mức độ tăng trưởng đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu không gian cho HKSTP.
“Đó là một vấn đề tốt. Chúng tôi sẽ mở rộng không gian thông qua nhiều cách khác nhau như san lấp đất. Một số người miêu tả chúng tôi như một chủ đất. Tôi đồng ý, nhưng chúng tôi sử dụng thu nhập để hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái công nghệ. Sau những năm qua, hệ sinh thái của chúng tôi đã hình thành”, Albert Wong Hak-keung nói.
Ngoài khu công nghệ khoa học chính, HKSTP còn cung cấp không gian sản xuất quy mô lớn tại ba khu Innopark của mình, tại Tseung Kwan O, Yuen Long và Tai Po.
HKSTP tăng tốc độ đổi mới công nghệ thông qua các chương trình ươm tạo và hỗ trợ việc thương mại hóa, xây dựng một cụm công nghiệp công nghệ mà Hồng Kông thiếu suốt những năm qua.
“Các công ty khởi nghiệp ở Hồng Kông rất có ảnh hưởng trong ngành công nghệ sinh học. Song làm thế nào để chuyển những thành tựu khoa học của họ thành các sản phẩm được thương mại hóa, phát triển ở thị trường Trung Quốc và toàn cầu? Đây là vai trò của chúng tôi”, Albert Wong Hak-keung thổ lộ.
Trong vài năm qua, HKSTP đã xây dựng một mạng lưới các nhà đầu tư tư nhân và tổ chức, đồng thời hợp tác với hơn 200 tổ chức công và tư nhân, chẳng hạn như Cảnh sát Hồng Kông, để tạo cơ hội cho hơn 300 công ty ươm tạo của mình đưa công nghệ để làm việc trong các ứng dụng trong thế giới thực.
Các công ty đặt trụ sở tại HKSTP đã gọi vốn được tổng cộng 80,2 tỉ đô la Hồng Kông (5 tỉ USD) kể từ năm tài chính 2017-2018. Nếu đặt SenseTime sang một bên, điều đó có nghĩa là hơn 40 tỉ đô la Hồng Kông cho hơn 200 công ty. “Đó là một con số khổng lồ với các công ty khởi nghiệp”, Albert Wong Hak-keung nhấn mạnh.
HKSTP đã nuôi dưỡng ba công ty niêm yết. Đầu tiên là Solomon Systech (International), công ty bán dẫn cung cấp chip hiển thị, được niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2004. Công ty niêm yết lớn nhất có trụ sở tại HKSTP là SenseTime. Thứ ba là OrbusNeich Medical Group, nhà sản xuất thiết bị y tế toàn cầu đã niêm yết trị giá 82 triệu USD vào ngày 23.12.2022.
“Tôi tin rằng nhiều công ty hơn, chẳng hạn như AI và các hãng công nghệ sinh học, sẽ tìm cách niêm yết trong vài năm tới”, Albert Wong Hak-keung nói.
Có thông tin cho rằng hãng công nghệ hậu cần thông minh Geek+ có trụ sở tại Bắc Kinh đang có kế hoạch IPO (lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng). Geek+, chuyên gia về robot và AI, đã mở trung tâm R&D toàn cầu tại HKSTP vào năm 2021. Geek+ từ chối bình luận.
Các chính sách của Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho phép các hãng công nghệ sinh học trước khi có doanh thu tiếp cận vốn quốc tế và niêm yết, sẽ thúc đẩy số lượng các công ty xem xét việc phát hành cổ phiếu.
Quy mô gây quỹ cho công nghệ sinh học của Hồng Kông hiện lớn nhất ở châu Á và lớn thứ hai trên thế giới, với 53 hãng công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe có doanh thu/tiền lãi niêm yết ở Hồng Kông đã huy động được khoảng 116 tỉ đô la Hồng Kông tính đến cuối tháng 10.2022.
Albert Wong Hak-keung cho biết HKSTP cũng giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ ở nước ngoài và ở Hồng Kông hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh và nắm bắt các cơ hội ở Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macao, đồng thời đưa các công ty Trung Quốc như New Horizon Health thành lập các trung tâm R&D tại đây để mở rộng ra toàn cầu.
New Horizon Health, hãng công nghệ sinh học có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), đã khai trương một trung tâm nghiên cứu mới trong HKSTP vào ngày 17.2. Giai đoạn phát triển đầu tiên ở Hồng Kông bao gồm một văn phòng điều hành và một phòng thí nghiệm nghiên cứu rộng 930 mét vuông.
“HKSTP đã mang lại cho chúng tôi một số ưu đãi, nhưng đây không phải là điểm thu hút. Chúng tôi bị thu hút bởi hệ sinh thái trong công viên và tin rằng đó là vị trí chiến lược để quốc tế hóa”, Zhu Yeqing, người đồng sáng lập và Chủ tịch New Horizon Health, nói.
Albert Wong Hak-keung thừa nhận rằng HKSTP chỉ là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ nhằm biến Hồng Kông thành một trung tâm đổi mới quốc tế. “Chúng tôi không thể làm tất cả”, ông nói.
Chính sách của chính quyền và các động lực cùng dịch vụ được cung cấp bởi HKSTP đã khuyến khích các giáo sư đại học và nhà khoa học trở thành nhà sáng lập doanh nghiệp, theo lời Francis Chan, Hiệu trưởng khoa Y học Đại học Hồng Kông.
Tuy nhiên, thiếu nhân tài và chi phí nhà ở cao vẫn là những rào cản trên con đường của Hồng Kông trở thành trung tâm công nghệ, theo Francis Chan, một trong những người sáng lập của GenieBiome, hãng công nghệ sinh học sử dụng công nghệ nghiên cứu vi sinh vật để phát triển các liệu pháp, bổ sung dinh dưỡng và kiểm tra sức khỏe cho nhiều loại bệnh khác nhau. Ông đề xuất chính quyền trợ cấp nhà ở để giúp thu hút nhiều khách thuê toàn cầu hơn.