Trung Quốc vừa hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên và đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tàu sân bay tự đóng thuộc Type-001A và vẫn chưa được đặt tên. Tàu có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, dài 315 m, rộng 75 m, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh mua từ Ukraine và tân trang lại.

Vũ khí tối thượng hay chỉ là hổ giấy?

30/07/2017, 17:58

Trung Quốc vừa hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên và đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tàu sân bay tự đóng thuộc Type-001A và vẫn chưa được đặt tên. Tàu có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, dài 315 m, rộng 75 m, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh mua từ Ukraine và tân trang lại.

Tàu sân bay Liêu Ninh

Việc hạ thủy tàu sân bay thứ hai là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang làm chủ công nghệ đóng tàu cỡ lớn. Tuy vậy, một số nhà quan sát lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chỉ mới đạt khoảng 4% so với năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ.

Trước đó, tờ Global Times dẫn lời chuyên gia quân sự cho hay, Trung Quốc có tham vọng biến tàu sân bay của họ hiện nay thành các chiến hạm “khủng” hơn, để đạt được lợi thế chiến lược so với Mỹ. Họ cũng đã có lời cảnh báo Mỹ về tàu sân bay tiếp theo của mình. “Trước mắt, hay lâu hơn nữa, tàu sân bay Trung Quốc sẽ tuần tiễu ở Đông Thái Bình Dương, sau đó, sẽ xuất hiện ở ngoài khơi nước Mỹ”.

Muốn đối trọng với Mỹ

Trong nhiều thập kỷ, kể từ khi kết thúc cuộc chiến thế giới 2, hạm đội tàu tấn công của Hải quân Mỹ luôn vượt trội, tung hoành mọi ngõ ngách đại dương, thậm chí thời Liên Xô cũng không thể chạy đua với Mỹ về sức mạnh hải quân. Liên Xô chủ yếu tập trung vào chiến lược kết hợp giữa máy bay ném bom, tàu ngầm, lực lượng mặt nước trang bị tên lửa chống tàu tầm xa. Trung Quốc cũng phát triển chiến lược chống tiếp cận sử dụng phương pháp tương tự. Giống Liên Xô thời cuối chiến tranh lạnh, Trung Quốc tập trung phát triển hạm đội tàu mặt nước với mong muốn thách thức Hải quân Mỹ trên biển.

Lượm nhặt hàng thải của Liên Xô, Trung Quốc đã tân trang lại tàu chiến Varyag, đổi tên thành tàu Liêu Ninh. Và tàu này chỉ là khởi đầu của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), khi nó được dùng để huấn luyện và phát triển kỹ năng thiết yếu để vận hành một tàu sân bay trên biển. Hải quân Mỹ đã phải mất hàng thập kỷ mới hoàn thiện kỹ năng này sau những hỏng hóc, lỗi lầm.

Chiến đấu cơ J-5 trên tàu Liêu Ninh

Và để chiến hạm có “cánh”, Trung Quốc đã học mót cải tiến những chiến đấu cơ đời đầu của Nga là Su-33 thành những chiến đấu cơ của mình mang tên J-5. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng phát triển nhiều máy bay hỗ trợ phục vụ cho kế hoạch tương lai của PLAN. Hiện tại, họ có 24 máy bay J-5, 6 trực thăng tác chiến chống ngầm, 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-18J và một cặp máy bay trực thăng cứu hộ Z-9C.

Trong bản Báo cáo Sức mạnh quân đội Trung Quốc năm 2015, Lầu Năm Góc cho rằng, “tàu sân bay Liêu Ninh và hạm đội bay của nó không thực sự đủ sức uy hiếp từ xa dù nó hoạt động đầy đủ. Tàu nhỏ, chỉ đủ làm nơi hỗ trợ cho hạm đội bay, và mở rộng vùng đệm không gian cho hạm đội. Tàu không trường và đủ uy lực như tàu lớp Nimitz của Mỹ” – báo cáo nhấn mạnh. Vấn đề là, thậm chí khi J-15 là một máy bay thực hiện tốt hơn về hiệu suất khí động học so với F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ thì thiết kế theo máy bay Nga tạo ra những hạn chế nghiêm trọng về tải trọng và nhiên liệu mà máy bay có thể mang theo. “Kích thước nhỏ của Liêu Ninh hạn chế số lượng máy bay nó mang theo, giới hạn về độ lớn khiến tàu không đổ được nhiều nhiên liệu, trọng tải ít”- báo cáo viết. Đây không chỉ là nhận định của Lầu năm góc, PLAN cũng thừa biết điều này. Điều đáng nói nhất ở đây là tàu Liêu Ninh thiết kế theo lớp Kuznetsov của Nga, kết hợp động cơ phun nước.

Tàu sân bay thứ hai đang đóng ở cảng Đại Liên

Trung Quốc có lẽ sẽ xây dựng các tàu sân bay tiếp theo, Lầu Năm Góc nghĩ. PLAN sẽ tạo ra nhiều chiến hạm có khả năng chứa đầy các chiến đấu cơ J-15. Nếu viễn cảnh thuận lợi, sẽ mất một thời gian để PLAN tạo ra được các tàu sân bay đủ thách thức Hải quân Mỹ. Nhiều nguồn tin nói rằng, sẽ mất khoảng một thập kỷ để Trung Quốc tạo ra được tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của Mỹ trong khi các tàu này đã có nhiều thập kỷ chinh chiến. Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm xây dựng bất cứ loại tàu sân bay nào, thậm chí kiểu Liêu Ninh vốn đã đi vào hoạt động. Ngay cả khi Trung Quốc tạo ra được chiến hạm mang trên mình nhiều máy bay thì cũng không phải yếu tố để xem xét. Trong khi chiến đấu cơ Super Hornet không phải là máy bay nhanh nhất trên bầu trời nhưng bộ phận cảm biến và hệ thống điện tử của nó thì tuyệt vời. Quan trọng hơn, chiến đấu cơ của Mỹ không tác chiến một mình. Các chiến đấu cơ trên tàu sân bay đòi hỏi hoạt động nhịp nhàng, đặc biệt bộ phận kiểm soát bắn hỏa lực Hải quân (NIFC-CA). Nhờ đơn vị này, các chiến đấu cơ Super Hornet hay máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler, tàu khu trục, tuần dương và các đơn vị khác tấn công liền một mạch như một hình ảnh sống động. Điểm mấu chốt hiện nay là Trung Quốc có thể phát triển tàu sân bay cùng phi đội bay, các phi đội này thường bám sát tàu di chuyển mặt nước, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để cạnh tranh với Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Có thể cuối cùng họ cũng sẽ đạt được điều đó nhưng phải mất hàng thập kỷ.

Tham vọng làm xong tổ hợp tàu sân bay 3 năm tới

Một báo cáo mới đây cho rằng Trung Quốc sẽ có một tổ hợp tàu sân bay trong vòng 3 năm tới. Sẽ là điên rồ nếu như đánh cược vào điều đó.

Một bài viết vừa đăng tải trên tờ Strait Times (Singapore) cho rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội. Khi xem xét các báo cáo trong những năm gần đây, có thể thấy điều đó là khá rõ ràng. Theo đó, Bắc Kinh đang chuẩn bị triển khai 3 tổ hợp tác chiến tàu sân bay mới (CBG) trên biển, với tổ hợp đầu tiên được hy vọng là sẽ hoàn thành trong 3 năm nữa.

Strait Times dường như đã có được thông tin từ GI Zhou, một tờ tin tức nội bộ được xuất bản tại Australia và “rất nổi tiếng trong việc phân tích, bình luận về những ấn phẩm liên quan tới quốc phòng Trung Quốc”. Theo kế hoạch thì tàu sân bay mới của PLAN sẽ có chiều dài là 320 m và lượng giãn nước là 85.000 tấn (tàu Liêu Ninh chỉ có chiều dài là 300 m và lượng giãn nước là 67.000 tấn). Báo cáo cũng cung cấp thông tin về thiết bị vận chuyển ở hai bên boong tàu sẽ trợ giúp trong việc chuyển máy bay từ nhà chứa máy bay lên boong đối với máy bay vận hành trên tàu sân bay. Một điều đáng quan tâm là sự phát triển của một bệ phóng máy bay điện tử với độ dài khoảng 120 - 150 m ở góc của boong chứa máy bay, giống như bệ đà trên tàu Liêu Ninh để giúp các máy bay cất cánh nhanh hơn.

Tiêm kích J-20 sẽ có mặt trên thế hệ tàu sân bay mới của Trung Quốc

Một điều đáng chú ý hơn là lời đồn đoán về máy bay và những thiết bị mới sẽ được sử dụng trên tàu. Tờ Strait Times cho biết, tàu sân bay mới này có thể mang được tối đa 50 máy bay chiến đấu J-15B, mặc dù trên thực tế giới hạn chỉ khoảng 46 chiếc J-15B và 6 chiếc trực thăng Ka-31 hoặc trực thăng cảnh báo sớm. Trong tương lai, tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc thậm chí có thể mang theo máy bay tàng hình: “Tàu sân bay thế hệ mới có thể mang theo từ 25 - 27 máy bay tàng hình J-20 , loại này được kỳ vọng sẽ thay thế cho J-15B như là máy bay tiêm kích thế hệ mới hoạt động trên tàu sân bay”.

Có vẻ như báo cáo trên chứa đựng nhiều mong muốn hơn là tính khả thi. Cho dù Bắc Kinh đang có kế hoạch triển khai 4 tàu sân bay - Liêu Ninh và 3 tàu sân bay mới - thì công việc vẫn còn rất bề bộn và đầy thách thức. Khi tính đến những khó khăn đi kèm trong việc xây dựng, triển khai và thử nghiệm rồi việc huấn luyện thủy thủ đoàn cho 3 tàu sân bay mới với những mục tiêu như Trung Quốc đã đề ra, thì tham vọng có vẻ nhiều hơn là thực tế.

Nên nhớ rằng, không phải cứ đưa một tàu sân bay ra khơi là tự nó có thể hoạt động được, mà còn phải có lực lượng bảo vệ, cung cấp năng lượng (nếu không phải là tàu hạt nhân) và phải có những kỹ năng cần thiết để biến nó thành một “cỗ máy chết người”. Một tàu sân bay hiện đại sẽ mang theo nhiều tham vọng và như đã trình bày ở trên, nó cần nhiều thời gian và nhiều nỗ lực. Mặc dù vẫn còn hoài nghi về tốc độ triển khai những vũ khí phức tạp và đắt đỏ như vậy, Bắc Kinh đã có khả năng làm những nhà phân tích quân sự phương Tây ngạc nhiên trong quá khứ với những nỗ lực phát triển công nghệ chống tiếp cận, tấn công mạng, vũ khí siêu thanh và nhiều loại vũ khí khác. Có thể Trung Quốc sẽ có đủ 4 tàu sân bay vào một thời điểm nào đó, nhưng nếu trong 3 năm nữa thì đó là một sự mơ hồ thái quá.

Một nguồn tin mật từ báo chí Nhật mới đây cho hay, tàu sân bay thứ hai được chụp lén với độ phân giải rất cao. Có thể thấy những dàn giáo để đóng tàu được dựng lên và các chi tiết bên trong. Năm 2015, Bắc Kinh xác nhận dự án đóng tàu sân bay thứ hai của mình. Bức ảnh tàu sân bay Trung Quốc được hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đăng tải mới đây và cho biết họ có được từ một nguồn tin mật. Tàu sân bay thứ hai là chiếc đầu tiên Trung Quốc tự đóng hoàn toàn và sẽ tham gia vào biên chế với tàu sân bay Liêu Ninh.

Dự án đóng tàu sân bay thứ hai được rất ít người biết tới và thông tin về nó cũng hạn hẹp. Tờ SCMP cho biết, đơn vị đóng tàu là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc. Luật pháp sở tại cấm người dân và phóng viên chụp hình khu vực quân sự. Năm 2015, 4 người Nhật đã bị bắt giữ vì tình nghi làm gián điệp. Hãng tin Kyodo cho biết 1 trong 4 người này đã bị buộc tội và sẽ phải hầu tòa trong thời gian tới.

Nguyễn Hưng - K.D. (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vũ khí tối thượng hay chỉ là hổ giấy?