Ông Nguyễn Tăng Minh – Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã thông tin với báo chí như trên, xung quanh vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng vào chiều 5.9.
Nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm
Theo UBND quận 12, Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ( LĐ-TB-XH) quận cấp phép hoạt động loại hình cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra hôm 4.9 tại Mái ấm Hoa Hồng có đến 86 trẻ, trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học tại Trường Mầm Non Sóc Bông; 3 trẻ từ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.
Như vậy theo Quyết định thành lập của Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cấp thì Mái ấm Hoa Hồng đã vượt 47 trẻ, vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc.
Điều đáng nói, từ thời điểm thành lập Mái ấm Hoa Hồng đến nay, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH quận phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần (tháng 11.2023 và tháng 4.2024).
Đặc biệt, mới đây vào tháng 7.2024, UBND phường Trung Mỹ Tây - nơi Mái ấm Hoa Hồng tọa lạc thực hiện kiểm tra thường xuyên tại cơ sở này cũng không phát hiện số trẻ chăm sóc ở đây vượt quy định cũng như những sai phạm khác của cơ sở này.
“Điều này cho thấy, hành vi đối phó của chủ Mái ấm Hoa Hồng rất tinh vi khiến lực lượng chức năng không phát hiện bất cứ sai phạm nào. Hiện Công an quận 12 đang tiếp tục điều tra làm rõ việc dôi dư 47 trẻ nói trên, kể cả có hay không việc trục lợi của cơ sở này”, bà Chính nhấn mạnh.
Theo bà Chính đối với công tác kiểm tra, quận sẽ kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, kiểm tra định kỳ phải báo cáo cho cơ sở; còn kiểm tra đột xuất thì phải phản ánh về dấu hiệu sai phạm. “Sự việc trên là bài học đối với địa phương. Trong thời gian tới, quận 12 sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở bảo trợ xã hội thông qua việc kiểm tra định kỳ và đột xuất”, bà Chính nói.
Đây là sự việc rất đáng tiếc
Theo bà Võ Thị Chính hiện UBND quận đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH, UBND phường Trung Mỹ Tây phối hợp Tổ công tác của Sở LĐ-TB-XH thực hiện phân loại trẻ và lập hồ sơ để đưa 86 trẻ đang chăm sóc tại Mái ấm Hoa Hồng sang nơi khác. Qua đó đã đưa 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu Niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ đang nằm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị bệnh viêm phổi. “Sau khi trẻ này điều trị khỏe mạnh sẽ được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình”, bà Chính thông tin.
Đối với Mái ấm Hoa Hồng, bà Chính cho biết, UBND quận 12 đã chỉ đạo ban hành quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động Quyết định thành lập sổ 917/GPHĐ ngày 7.7.2023 của Mái ấm Hoa Hồng, đồng thời chỉ đạo Công an quận 12 đưa chủ Mái ấm Hoa Hồng và các bảo mẫu, nhân viên mái ấm có liên quan về trụ sở Công an quận lấy lời khai.
Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em, nhưng tại thời điểm kiểm tra chỉ có 2 nhân viên có mặt. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, hành vi của bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, thường trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự nên đã ra quyết định tạm giữ đối với bà Cẩm để phục vụ điều tra. Đồng thời, các tổ công tác của Công an quận 12 và Phòng Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng phối hợp công an các tỉnh, đưa 3 đối tượng còn lại về trụ sở để làm việc. Hiện Công an quận 12 khẩn trương củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng.
“Chúng tôi lấy làm tiếc về sự việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, mặc dù công tác quản lý đối với các cơ sở bảo trợ xã hội, UBND quận 12 cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa những vi phạm phát sinh trong công tác bảo trợ, nhất là chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn”, bà Chính chia sẻ.
Thành phố sẽ tổng kiểm tra các cơ sở trợ giúp xã hội
Theo ông Nguyễn Tăng Minh – Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện TP có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp TP, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận huyện và TP.Thủ Đức.
Các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Hiện nay có 3 cấp quản lý đối với cơ sở trợ giúp xã hội gồm: cấp Thành phố do Sở LĐ-TB-XH quản lý; cấp quận - huyện - TP.Thủ Đức do Phòng LĐ-TB-XH quản lý và cơ sở dưới 10 đối tượng do UBND cấp xã, phường quản lý.
“Chúng tôi thường xuyên đề nghị, nhắc nhở các địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát các cơ sở trú đóng trên địa bàn quản lý thực hiện đảm bảo hoạt động theo giấy phép đã được cấp và tuân thủ các quy định”, ông Minh nói.
Sau vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, ông Minh cho biết, sở đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, thanh tra các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Cơ sở trợ giúp xã hội Mái ấm Hoa Hồng (số L50, L52, 467 khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) được thành lập theo Quyết định số 917/GPHĐ ngày 7.7.2023 của Phòng LĐ-TB-XH quận 12. Người đại diện theo pháp luật: bà Giáp Thị Sông Hương (thường trú tại số 94/1053D đường số 20, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM). Loại hình cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí. Chức năng: trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ sở, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ.