“Nếu vụ kiện này sẽ được Tòa án thụ lý và phán quyết của Tòa án dựa trên lẽ công bằng sẽ là phán quyết có tính lịch sử trong pháp luật Việt Nam và cả thế giới”, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc công ty Luật KAV Lawyers nói.

Vụ mẹ muốn thừa kế tinh trùng của con: Nếu kiện ra tòa, có thể có một phán quyết lịch sử

Trí Lâm | 24/12/2018, 11:30

“Nếu vụ kiện này sẽ được Tòa án thụ lý và phán quyết của Tòa án dựa trên lẽ công bằng sẽ là phán quyết có tính lịch sử trong pháp luật Việt Nam và cả thế giới”, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc công ty Luật KAV Lawyers nói.

Bà Vòng Ngọc Huyền (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) có người con trai tên Tuấn đã qua đời. Trước khi mất, người con này có gửi tinh trùng của anhtrong bệnh viện Từ Dũ.

Bây giờ, bà muốn lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm với vợ (chưa đăng ký kết hôn) của Tuấn.Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ không đồng tình vì cho rằng chị D (vợ anh Tuấn) và cả bà Huyền không có quyền theo pháp luật hiện hành.

Vụ việc này đặt ra một vấn đề pháp lý khá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi là tinh trùng có phải là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?

Cần xem xét dưới góc độ quyền nhân thân

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sưKiều Anh Vũ, Giám đốc công ty Luật KAV Lawyers cho biết, theo lập luận của bà Huyền,Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác” và Điều 105 BLDS, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

Bà Huyền cho rằng “vật” được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất, tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí),tồn tại một cách khách quan mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan của mình.Do đó, tinh trùng thỏa mãn đủ các dấu hiệu của “vật” và được xác định là tài sản nên khi người để lại tinh trùng qua đời thì nó trở thành di sản.

Theo đó, con trai bàchết không để lại di chúc nên ba mẫu tinh trùng đã gửi tại Bệnh viện Từ Dũ trở thành di sản, thuộc quyền thừa kế của những người thừa kế theo pháp luật của anh. Trong đó, người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Tuấn chính là bà Huyền.

“Quan điểm của bà Huyền mặc dù đã viện dẫn một số cơ sở pháp lý về tài sản, di sản, thừa kế nhưng lập luận vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục”, ông Vũ nói.

Theo luật sư này, “vật” trong quan hệ tài sản theo quy định của pháp luật được hiểu là bộ phận của thế giới vật chất mà con người chiếm hữu được, mang lại lợi ích cho chính chủ thể; có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai… Tài sản trong quan hệ tài sản còn mang tính giá trị, tính được bằng tiền và có thể chuyển dịch cho chủ thể khác. Với khía cạnh này, tinh trùng không thỏa mãn là “vật” trong quan hệ tài sản.

Tinh trùng là tế bào sinh sản của nam giới, tinh trùng của mỗi nam giới gắn liền với chính họ. Nó không phải là bộ phận của thế giới vật chất mà ai cũng có thể chiếm hữu, mang lại giá trị và chuyển dịch trong quan hệ tài sản.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc công ty Luật KAV Lawyers

Theo ông Vũ, pháp luật dân sự điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Ngược lại với quan hệ tài sản đã nêu trên, trong quan hệ nhân thân, các giá trị nhân thân (quyền nhân thân) được gắn liền với một chủ thể nhất định và về cơ bản, không thể chuyển dịch cho người khác (trừ một số trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định, như quyền công bố tác phẩm của tác giả).

“Mặc dù BLDS chưa minh định quyền nhân thân đối với tinh trùng nhưng có quy định về quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35 BLDS). Từ đó, có thể hiểu “tương tự” là những gì liên quan đến cơ thể người là giá trị nhân thân và phải xem xét dưới góc độ quyền nhân thân”, ông Vũ nói.

Khoản 1 Điều 25 BLDS đã định nghĩa về quyền nhân thân: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Do đó, quan điểm cho rằng tinh trùng là tài sản, từ đó xem tinh trùng là di sản để hưởng thừa kế là không đủ sức thuyết phục. Quyền đối với tinh trùng nên được xem xét dưới góc độ pháp lý là quyền nhân thân sẽ hợp lý và thuyết phục hơn.

Cụ thể hơn, cần xem xét đây là quyền nhân thân đặc thù và có thể chuyển giao cho người thân thích của họ sau khi chết (vợ, cha, mẹ) để sử dụng cho mục đích nhân đạo, duy trì nòi giống.

“Theo tôi, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng về việc sử dụng tinh trùng của người chết. Do vậy, vụ việc suy cho cùng cũng chỉ nên nên xem xét dưới góc độ nhân đạo”, ông Vũ nói.

Cần sớm khởi kiện ra tòa

Tuy vậy, luật sư Vũ cũng cho rằng bệnh viện cũng ở “thế khó” khi không có căn cứ, cơ sở pháp lý khả dĩ để có thể thương thảo, chấp nhận yêu cầu của bà Huyền. Do đó, đây là một vụ tranh chấp dân sự và bà Huyền cần sớm khởi kiện vụ án ra Tòa án để giải quyết.

Tòa án sẽ phải (và nên) thụ lý vụ án này vì khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định rõ Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

“Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng”, ông Vũ nêu.

Trong thời gian Tòa án thụ lý giải quyết, bà Huyền có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc bệnh viện tiếp tục lưu giữ, bảo quản ba mẫu tinh trùng của anh Tuấn.

Khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, theo đó Tòa án có thể áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết vụ án này. Khi có phán quyết có hiệu lực của Tòa án, bệnh viện sẽ buộc phải thi hành và có cơ sở để thi hành.

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

“Nếu vụ kiện này sẽ được Tòa án thụ lý và phán quyết của Tòa án dựa trên lẽ công bằng sẽ là phán quyết có tính lịch sử trong pháp luật Việt Nam và cả thế giới”, ông Vũ nói.

Đã từng có vụ việc tương tự trên thế giới?

Theo NBC News và The Washington Post , năm 2002, anh lính Kevin Cohen đã bị bắn chết khi đang làm nhiệm vụ. Kevin qua đời ở tuổi 20, chưa kết hôn và cũng không để lại di chúc. Mẹ của Kevin Cohen là Rachel Cohen đã yêu cầu bệnh viện trích xuất tinh trùng của Kevin để lưu giữ tại bệnh viện.

Bệnh viện đồng ý trích xuất và lưu giữ tinh trùng của Kevin Cohen nhưng khi bố mẹ anh Kevin yêu cầu được sử dụng mẫu tinh trùng để thụ thai cho một cô gái tự nguyện mang thai với mong muốn sinh con cho Kevin và họ được có cháu thì bệnh viện đã từ chối yêu cầu của bố mẹ Kevin với lý do chỉ có vợ mới có quyền yêu cầu.

Bố mẹ Kevin đã khởi kiện tại Tòa án và sau 4 năm đấu tranh về mặt pháp lý, Tòa án ở Tel Aviv đã chấp thuận yêu cầu của bố mẹ Kevin và cho phép họ sử dụng tinh trùng của Kevin để thụ thai cho một cô gái được chọn bởi gia đình Cohen; đồng thời Tòa án còn buộc cơ quan có thẩm quyền đăng ký hợp pháp cho đứa bé được sinh ra từ tinh trùng của người chết.

Như trong bản tin của NBC News và The Washington Post đã trích dẫn, luật sư Irit Rosenblum biện hộ cho gia đình Cohen cho biết không có quy định nào của Israel quy định về việc sử dụng tinh trùng của người chết và phán quyết của tòa án như là cuộc cách mạng về nhân đạo và là điều tuyệt vời cho nhân loại.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ mẹ muốn thừa kế tinh trùng của con: Nếu kiện ra tòa, có thể có một phán quyết lịch sử