Ngôi làng Lương Điền, xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tưởng chừng đón cô dâu mới trong ngày đại hỷ, nào ngờ ngày hạnh phúc cũng là ngày đại tang của làng.
>> Hình ảnh vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người đi rước dâu tử vong
>> Phó thủ tướng chỉ đạo điều tra khẩn vụ TNGT khiến 13 người chết
Khoảng 13 giờ 15 ngày 30.7, thi thể ông Nguyễn Khắc Mỹ, nạn nhân thứ 13 thiệt mạng vụ tai nạn thảm khốc trong đoàn nhà chú rể đi Bình Định đám cưới gặp nạn tại Quảng Nam đã về đến quê nhà thôn Lương Điền, xã Hai Sơn, H.Hải Lăng (Quảng Trị).
Trước đó, lần lượt thi thể 12 nạn nhân khác cũng đã được lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành Quảng Nam hỗ trợ đưa về quê nhà. Trong số đó có tài xế lái xe khách gặp nạn Lê Ngọc Cường (31 tuổi, ở thôn Tây Phú, xã Phong Bình, H.Phong Điền, Thừa Thiên – Huế). Trừ tài xế Cường, 12 nạn nhân thiệt mạng khác đều là người ở làng Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Họ đều là ruột rà, họ hàng thân thích khởi hành từ Quảng Trị lúc 23 giờ ngày 29.7 vào Bình Trị, Mỹ Quang, Phù Mỹ (Bình Định) tham dự tiệc cưới ngày 30.7.
Nhiều tấm rạp tang thương được dựng lên ở làng Lương Điền đón người thân đi đám cưới nửa đường gặp nạn trở về
Làng Lương Điền có 1.107 hộ, khoảng 5.300 nhân khẩu, phần lớn làm nông và họ đã ngưng buổi ruộng đồng lớn nhỏ nối nhau từ cuối làng đến đầu làng để đón những nạn nhân trở về.
Con đường làng vốn rất đẹp nối ra QL1A nối những đôi mắt ngơ ngác của con trẻ, những gương mặt ưu tư, đẫm lệ của người lớn. Nước mắt chồng lên nước mắt, nỗi đau chồng lên nỗi đau khi 12 người đều là ruột thịt, họ hàng thân thích với chú rể Nguyễn Khắc Long.
Đường làng đón hạnh phúc nhưng được mang về bằng thảm nạn
Long là con út trong gia đình mồ côi bố. Mẹ Long năm nay 58 tuổi và bà một mình nuôi 4 con (3 trai 1 gái) khôn lớn. Từng đứa được bà đặt tên là Thượng, Du (Thu), Nhung và Long. Thượng đang làm công nhân ở miền Nam, Du làm thuê ở quê, Nhung lấy chồng và sống ở Đông Hà, còn Long học được ngành y và hành nghề y tư nhân. Nhiều năm sống ở miền Nam, Long quen được cô gái cùng tuổi Lê Thị Yên, ở thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang, H.Phù Mỹ (Bình Định). Sau đám hỏi, cách nay 10 ngày tiệc cưới đã được cô dâu và chú rể tổ chức ở TP.HCM trong sự chungvui của hai họ cùng bè bạn.
Nguyễn Khắc Du (Thu), anh của chú rể Long đau lòng khi mất đi người thân
Ngày 30.7, một tiệc cưới do nhà gái tổ chức ở quê nhà cũng đã được bày biện, nhưng khi mọi người đến dự tiệc thì được thông báo hung tin. Tiệc cưới đẫm nước mắt vì không có chú rể lẫn cô dâu.
“Sau khi nghe hung tin, tui động viên con gái và cả nhà rồi thuê xe ra Quảng Nam. Ra tới nơi thật không tin những gì mình thấy. Xe hoa đã thành xe tang ngày cưới...” – ông Nguyễn Đức Tuân, bố cô dâu Lê Thị Yên, khóc kể.
Trưa 30.7, sau khi làm thủ tục pháp lý với cơ quan chức trách, ông Tuân đưa Yên về quê chồng để thọ tang và lo hậu sự.
Nỗi đau bao gia đình ở LươngĐiền hẳn sẽ còn lâu mới nguôi ngoai
Đũa vốn đã nên đôi, giờ chỉ còn một chiếc. Yên sốc nặng, ngất lịm. Cô nằm mềm nhũn trong căn phòng mà có lẽ sau lễ cưới sẽ là phòng tân hôn của hai vợ chồng trẻ. Cạnh đó là Long, rồi mẹ chồng, rồi cháu chồng, chị ruột chồng được người ta đưa ra gia đình ở Đông Hà sau khi tử nạn... Chị cầm chiếc nhẫn mân mê, một đôi sao giờ chỉ còn một chiếc?
“Anh ơi, mẹ ơi, chị ơi, cháu ơi... Sao lại thế này?” – cô công nhân ngành may mặc cất tiếng khóc thê lương.
Đoàn công tác Ban ATGT quốc gia do ông Khuất Việt Hùng, Phó ban (áo xanh, hàng thứ 2) dẫn đầu cùng đại diện hai tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đến thăm, chia sẻ với gia đình các nạn nhân ở Lương Điền sau tai nạn thảm khốc
Ông Tuân nhìn con, ngồi bất động trong ngôi nhà của sui gia. “Tui lần đầu tới đây, lần đầu trong cảnh thảm thương này... Cháu Yên vừa xả tang bà nội, nhà tui còn để tang nên chúng tôi thống nhất không làm lễ cưới rình rang ở Bình Định. Bàn thờ tui cũng không đơm hoa kết quả hương đèn gì. Đã thống nhất là đoàn nhà trai vào mấy giờ cũng được, không vội, ấy vậy sao mà thành ra thế này kia chứ...” – ông Tuân vỗ vỗ vào ngực mình như tự than trách.
Ông Nguyễn Đức Tuân (bố cô dâu) cùng người thân đưa con gái đến nhà làm cô dâu mới nhưng cũng là ngày thọ đại tang
12 con người – 12 nạn nhân mỗi người một cảnh. Con đường làng của Lương Điền phủ một màu tang. Tấm thiệp cưới mời bà con, làng xóm được bà Ngô Thị Bê và con trai mời mọi người đến dự tiệc vào trưa 2.8 (21.6 âm lịch) trở nên kỉ niệm buồn. Ngày ấy đã được thay bằng việc đưa tang bà Bê cùng con và cháu... Ngôi nhà bà Bê khản đặc tiếng của Thượng, Du, hai anh trai Long và những người thân.
“Trời ơi, nước mắt đâu mà đủ khóc nhỉ” – một thanh niên trong làng đến trợ tang, nói bâng quơ nhưng đau nhói bao người.
Bài, ảnh: Nhật Lam