Sáng 7.12 BSCK2 Phạm Thanh Phong Anh - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết: “Các bác sĩ khoa Sản vừa phẫu thuật thành công bóc u xơ tử cung (UXTC), bảo tồn tử cung và phẫu thuật lấy thai”.

Vừa mổ lấy thai, vừa ‘diệt’ khối u xơ tử cung nặng 500 gam

Phong Phạm | 07/12/2020, 09:38

Sáng 7.12 BSCK2 Phạm Thanh Phong Anh - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết: “Các bác sĩ khoa Sản vừa phẫu thuật thành công bóc u xơ tử cung (UXTC), bảo tồn tử cung và phẫu thuật lấy thai”.

Vào lúc rạng sáng 3.12, ê kíp trực cấp cứu Sản tiếp nhận sản phụ Huỳnh Thị Kim Th. (40 tuổi, ngụ H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) được người nhà đưa đến trong tình trạng đau bụng, thai 38 tuần 6 ngày. Kết quả siêu âm cho thấy ngoài 1 thai sống trong tử cung trưởng thành, ngôi đầu, còn có 1 nhân xơ tử cung kích thước lớn đoạn thân eo bên trái.

5.jpg
Mẹ và bé đều đã khỏe mạnh- Ảnh: Phong Phạm

Được biết sau khi mang thai 2 lần sinh thường, trong lần mang thai này sản phụ biết có khối UXTC qua kết quả siêu âm thai vào tháng 5.2020 (thời điểm bé được 12 tuần tuổi) tại BVĐKTƯCT. Và sản phụ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi sự phát triển và hình thành của thai nhi, cũng như khối u xơ.

Chẩn đoán lúc vào viện: suy thai kèm u xơ tử cung kích thước to. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai cấp cứu. Do vị trí khối u ở mặt trước tử cung nên bác sĩ thực hiện mổ dọc thân tử cung bóc u xơ, bảo tồn tử cung (kích thước u xơ 10 x 12cm, cân nặng 500 gam) và tiếp đến phẫu thuật lấy thai cấp cứu.

Cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công sau 60 phút do TS BS Lâm Đức Tâm - Phó Khoa Sản BVĐKTƯCT và BS Võ Thị Ánh Trinh - Khoa Sản thực hiện. Bé trai nặng 2.500 gam được chuyển đến phòng dưỡng nhi để chăm sóc. Hiện bệnh nhân có các chỉ số sinh hiệu tốt, bé trai da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt và ra viện ngày 7.12.

Theo TsBS Lâm Đức Tâm: UXTC là những khối u lành tính xuất phát từ tế bào cơ tử cung. UXTC là khối u vùng chậu thường gặp nhất ở phụ nữ trên 30 tuổi, vì sự phát triển u xơ liên quan đến nồng độ estrogen trong máu nên kích thước lớn nhất nằm trong độ tuổi sinh sản. UXTC chiếm khoảng 2- 10,7 % ở phụ nữ mang thai .

Tùy vào vị trí, kích thước, số lượng của u xơ mà sự ảnh hưởng lên thai kỳ khác nhau. Có thể từ không triệu chứng đến những biến chứng nghiêm trọng. Như nếu UXTC nằm phần thấp làm tăng khả năng ngôi bất thường, mổ lấy thai và băng huyết sau sinh. UXTC có cuống có thể bị xoắn, hoại tử và xuất huyết. Những biến chứng khác như sẩy thai, sinh non, nhau bong non, băng huyết sau sinh thường gặp nếu bánh nhau nằm kế cận hoặc tiếp xúc trực tiếp với u xơ, khả năng biến chứng có thể lên đến 71%.

Với những u xơ có kích thước lớn hơn 200 cm3 sẽ tăng nguy cơ nhau bong non. Vì vậy nên siêu âm lặp lại trong suốt thai kỳ đề đánh giá sự phát triển của thai, bánh nhau, ngôi thai, kích thước UXTC và những biến chứng.

Những biến chứng hiếm gặp là đông máu nội mạch lan tỏa, thai ở cổ tử cung, lộn tử cung, xoay tử cung, xuất huyết nội, biến dạng chi và đầu thai có thể gặp do chèn ép. Ngược lại, thai nghén cũng ảnh hưởng đến UXTC như gây ra khó khăn trong chẩn đoán cũng như có thể gây hoại tử và xoắn khối u.

Một khi UXTC được chẩn đoán siêu âm, việc xử lý khối UXTU trong khi mổ lấy thai là một thách thức đối với phẫu thuật viên. Phẫu thuật viên là người ra quyết định liệu có bóc UXTC trong khi mổ lấy thai hay không. Xử trí u xơ tử cung trong khi đẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như số lượng u, kích thước khối u, vị trí khối u, tình trạng bệnh nhân…

Chính vì vậy, phác đồ điều trị cho từng trường hợp cụ thể vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với các thầy thuốc sản phụ khoa. Những báo cáo trước đây cho thấy bóc UXTC trong thai kỳ làm tăng nguy cơ xuất huyết và mất thai sau đó. Khi UXTC nằm ngay đường rạch cơ tử cung gây khó khăn cho việc bắt con hoặc khâu cơ tử cung, do đó cần phải loại bỏ khối u trong khi mổ lấy thai. Bên cạnh đó, tâm lý thai phụ mong muốn được bóc UXTC trong cuộc mổ lấy thai để tránh phải mổ lần sau và sự lo lắng khi mang khối u.

Vấn đề khó khăn cho phẫu thuật viên là làm thế nào bóc UXTC cho an toàn, tránh phẫu thuật lại để cắt tử cung vì xuất huyết. Trong thai kỳ, UXTC tăng kích thước và tăng cung cấp máu nuôi. Vì vậy nguy cơ trong và sau khi sinh bao gồm: băng huyết, hoại tử, bế sản dịch và phải cắt tử cung.

Về sinh lý, sau khi sổ thai, sự co hồi tử cung giúp co thắt mạch máu và kiểm soát chảy máu. Sự thay đổi mạch máu kèm sự hình thành cục máu đông giường bánh nhau giúp cầm máu. Đây là những thuận lợi cho phẫu thuật bóc UXTC. Về mặt kỹ thuật, việc bóc UXTC trong bao khi mổ lấy thai sẽ thuận lợi do vỏ bao lỏng lẽo nhờ vào nội tiết thai kỳ. Oxytocin thúc đẩy sự co cơ tử cung và giúp cầm máu tốt hơn.

Lợi ích khác nữa của bóc UXTC trong khi mổ lấy thai là giảm nguy cơ vô cảm và chi phí cho lần mổ bóc u xơ sau đó. Vấn đề thành công cuộc phẫu thuật là đòi hỏi tư vấn cho bệnh nhân trước phẫu thuật, chọn lựa bệnh nhân phù hợp, áp dụng những kỹ thuật giảm mất máu, trang thiết bị bệnh viện, sự phối hợp nhiều chuyên khoa và kinh nghiệm phẫu thuật viên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vừa mổ lấy thai, vừa ‘diệt’ khối u xơ tử cung nặng 500 gam