Ngành du lịch Việt Nam ghi nhận mức độ phục hồi tốt nhất trong khu vực ASEAN, cao hơn các điểm du lịch nổi tiếng như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines...
Du lịch Việt Nam phục hồi tốt nhất ASEAN
Theo số liệu cập nhật của Ban Thư ký ASEAN, năm 2024, Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 98% so với năm 2019 thời điểm trước đại dịch COVID-19, gần như phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, các quốc gia phát triển du lịch khác đều đạt mức thấp hơn khá nhiều: Thái Lan phục hồi ở mức 88%, Singapore và Indonesia cùng phục hồi ở mức 86%, Philippines đạt mức 72%, Malaysia đạt mức 94%.
Về lượng khách quốc tế, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt 17,6 triệu lượt, vượt qua Singapore (16,5 triệu), vươn lên xếp thứ 3 sau Thái Lan (35 triệu) và Malaysia (dự kiến 24,5 triệu). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn nhiều so với Indonesia (dự kiến 13,8 triệu lượt) và Philippines (5,9 triệu lượt).
Theo báo cáo mới nhất của Agoda, Việt Nam cùng Malaysia là hai điểm đến dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thu hút lượng booking cho các tour du lịch bền vững, bảo vệ môi trường (Eco Deals) - một xu hướng chủ đạo của du khách quốc tế sau dịch. Nền tảng trực tuyến này cho biết 75% du khách toàn cầu nói rằng họ muốn đi du lịch theo hướng bền vững hơn trong 12 tháng tới. Trong top 10 thành phố hấp dẫn nhất cho loại hình du lịch này, Việt Nam có tới 3 thành phố góp mặt là Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM.
Giám đốc quốc gia Agoda Việt Nam Vũ Ngọc Lâm cho biết số liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ với du khách quốc tế trong dịp Tết Nguyên Đán 2025.
Lượng tìm kiếm chỗ ở từ khách quốc tế tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng khách từ Trung Quốc tăng gần 300%. Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng trở thành lựa chọn điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2025, với lượng tìm kiếm chỗ ở tăng đến 266% so với năm 2024. Bên cạnh du khách Trung Quốc, số liệu từ nền tảng này còn ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể từ các du khách ở thị trường nguồn khác như Hàn Quốc (tăng 94%) và Đài Loan (tăng 123%).
Nhìn lại chặng đường từ khi chính thức mở cửa trở lại từ 15.3.2022, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phục hồi rất mạnh mẽ. Nếu như năm 2022, lượng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, thì năm 2023 đã lên tới 12,6 triệu lượt và đến năm 2024 đã đạt 17,6 triệu lượt (tăng 40% so với năm 2023 và gấp 4,7 lần so với năm 2022). Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong bức tranh phục hồi chung của ngành du lịch khu vực.
Thành tựu của ngành du lịch trong thời gian qua có được nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi. Chính sách visa thông thoáng là động lực quan trọng thu hút khách quốc tế. Cùng với đó là hiệu quả đột phá của các chương trình xúc tiến, quảng bá tới các thị trường trọng điểm trong năm 2024.
Trong đó, điểm nhấn là sự đổi mới sáng tạo về nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, thể hiện ở một số điểm đáng chú ý: Lựa chọn thị trường trọng điểm, tập trung vào các quốc gia là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam; Phương thức xúc tiến đa dạng, từ tổ chức roadshow, tham gia hội chợ, lễ hội văn hóa du lịch, hội nghị xúc tiến... Gia tăng quy mô tổ chức các chương trình xúc tiến; Phát huy cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội; Quảng bá đa dạng các loại hình du lịch, nhất là các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu du khách.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tập trung triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại hàng loạt thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Úc. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Mỹ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới" đã tạo tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 500 khách mời là các đạo diễn, nhà làm phim Mỹ, mở ra triển vọng mới về phát triển du lịch thông qua điện ảnh.
Chính sách visa tiến bộ nhưng chưa đột phá
Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mục tiêu cao, đầy tham vọng của ngành du lịch, thể hiện quyết tâm lớn đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kỳ vọng rằng, với sức bật từ kết quả quan trọng đạt được trong năm 2024, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đột phá, khai thác tốt tiềm năng của các thị trường nguồn, đẩy mạnh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, khẳng định thương hiệu, vị trí của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.
Một công ty dịch vụ lữ hành ở Hà Nội chia sẻ, năm 2024, chính sách mới, thông thoáng hơn về visa với du khách quốc tế đã giúp tăng mạnh về lượng khách quốc tế và doanh thu. Với những quốc gia đã được mở cửa visa 45 ngày, công ty ghi nhận tăng trưởng lượt khách lên đến 30%.
"Chính sách visa của Việt Nam tiến bộ nhưng chưa đột phá. Đối thủ du lịch của Việt Nam là Thái Lan đã miễn visa 2 - 3 lần, lại miễn visa hoàn toàn cho các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng thị trường được miễn visa và liên tục tung ra các chính sách ưu đãi..., nên khách tăng trưởng nhanh chóng. Hạ tầng du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế khi các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài... đều quá tải, khách phải xếp hàng chờ cả tiếng để làm thủ tục. Ẩm thực, con người, cảnh quan thiên nhiên vẫn là những lợi thế của du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế. Việc cần thiết hiện nay là gỡ rào cản về visa và hàng không", vị này cho hay.
Năm 2025, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu từ 980.000 tỉ đồng đến 1,05 triệu tỉ đồng và tạo 5,5 triệu việc làm. Đến năm 2030, ngành du lịch phấn đấu trở thành kinh tế mũi nhọn, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá, du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Cùng với sự phục hồi thần kỳ sau khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị, năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược là quản lý du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cụ thể, Cục Du lịch Quốc gia cần tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tham mưu công tác hoạch định chính sách; tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Du lịch, xây dựng lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành du lịch để phù hợp với tình hình mới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng thị trường quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, đồng thời, phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn trong đầu tư phát triển du lịch.
Ngành du lịch cần tập trung khai thác, mở rộng nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng; xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf...; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.