Nghị định số 89 vừa được Chính phủ ban hành cho phép nhập khẩu máy bay Comac của Trung Quốc và máy bay của một số nước khác sản xuất để khai thác tại Việt Nam.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Cụ thể, nghị định 89 cho phép các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức sau: Nhà chức trách Hàng không liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp/công nhận giấy chứng nhận loại.
Như vậy, quy định mới sẽ cho phép nhập khẩu nhiều chủng loại máy bay, bao gồm của Brazil, Canada, Nga, Anh và Trung Quốc.
Bộ Xây dựng cho rằng việc giới hạn cho phép các máy bay khai thác tại Việt Nam chỉ có giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp, hoặc FAA (Mỹ) hay EASA (châu Âu) cấp mà không cho phép máy bay được cấp giấy chứng nhận loại từ các quốc gia khác cấp sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không trong việc tiếp cận các máy bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ. Việc sửa quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung, chủ động hoạt động khai thác máy bay.
Cuối năm 2024, Vietjet Air đề xuất Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) thuê hai máy bay ARJ21 của hãng Comac (Trung Quốc), dự kiến khai thác chặng Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo trong tháng 5 tới. Đầu năm nay, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) để tìm hiểu về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng, tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận máy bay ARJ21-700 (C909). Loại máy bay này đã được CAAC cấp giấy chứng nhận loại vào năm 2014.
Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy hệ thống cấp chứng nhận máy bay của CAAC có một số khác biệt nhỏ so với tiêu chuẩn của Việt Nam, chủ yếu liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trên nhãn mác máy bay.
Tính đến ngày 20.12.2024 tổng số máy bay hiện có của Việt Nam là 249 chiếc (220 máy bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 máy bay so với năm 2023. Tình trạng thiếu máy bay khai thác là một phần các nguyên nhân dẫn đến giá vé máy bay cao.
Trước đó, vào ngày 14.4, tại buổi tiếp ông Hạ Đông Phong, Chủ tịch Tập đoàn tàu bay thương mại Trung Quốc (Comac), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn Comac hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế hàng không.
Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả thời gian qua giữa Tập đoàn Comac và Vietjet Air, cũng như khả năng mở rộng hợp tác giữa Comac và các hãng hàng không, các đối tác khác của Việt Nam trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị cùng với hợp tác mua, thuê, thuê mua máy bay, Comac hợp tác với các đối tác đầu tư các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Việt Nam.