Những dư âm về chuyến thăm Việt Nam vừa qua của tổng thống Mỹ Barack Obama dường như vẫn chưa kết thúc, khi chuyến công du này đang mở ra khá nhiều những cánh cửa đầy hứa hẹn với nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, tận dụng được hay không lại là chuyện khác.

Win-win là gì với một nền kinh tế làm thuê?

27/05/2016, 05:15

Những dư âm về chuyến thăm Việt Nam vừa qua của tổng thống Mỹ Barack Obama dường như vẫn chưa kết thúc, khi chuyến công du này đang mở ra khá nhiều những cánh cửa đầy hứa hẹn với nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, tận dụng được hay không lại là chuyện khác.

Ông Obama đến Việt Nam một phần là để thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhanh chóng thông qua, nhưng rất nhanh chóng người Việt Nam sẽ phải quay trở lại mặt đất khi nhìn lại thực trạng nền kinh tế của mình khi mà cánh cửa TPP đang mở ra ngày càng rộng hơn: kinh tế Việt Nam có trình độ phát triển thấp nhất trong nhóm 12 nước thành viên TPP. Thủ tướng và chính phủ cũng đã thừa nhận rằng số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quá thấp (chỉ khoảng 500.000 DN) và cần tăng gấp đôi đến năm 2020 thông qua chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”. Một nền kinh tế có quá ít DN và các ông chủ, đương nhiên là một nền kinh tế chủ yếu là làm thuê.

Có nhiều lý do để tổng thống Barack Obama chọn Việt Nam làm quốc gia đóng vai trò chìa khóa để giúp ông mở cánh cửa TPP bằng chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày vừa qua. Với bản hợp đồng bom tấn trị giá 11,3 tỉ USD của Vietjet với Boeing cùng hàng loạt các hợp đồng kinh tế khác, ông Obama muốn chứng tỏ cho một số người dân Mỹ rằng quan niệm bấy lâu nay của họ về tự do thương mại là hoàn toàn sai lầm. Trong vài năm trở lại đây, khá nhiều người dân Mỹ tin rằng những nước có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ thuộc dạng cao như Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại, và lấy đi nhiều công ăn việc làm của người lao động Mỹ. Nhưng những bản hợp đồng bom tấn mà các tập đoàn và công ty Mỹ nhận được từ Việt Nam trong chuyến đi của tổng thống Obama lại đang chỉ ra rằng: tự do thương mại đang đem đến cho nền kinh tế Mỹ nhiều lợi ích hơn là những thiệt hại. Và rằng, kể cả một nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong số 12 nước TPP như Việt Nam cũng có thể đem đến cho Mỹ những lợi ích kinh tế lớn lao như thế nào.

Thông điệp mà ông Obama muốn gửi đến người dân Mỹ đó đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Trước hết, nó chứng tỏ những lợi ích rất lớn mà tự do thương mại đem lại cho các quốc gia cả Mỹ cũng như Việt Nam. Nhưng ở một góc nhìn khác, nó cũng đang chứng tỏ một thực tế đáng buồn: là nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP, Việt Nam sẽ là nước phải chịu nhiều áp lực nhất khi hiệp định thương mại này đi vào hoạt động. Về lý thuyết, Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích khi gia nhập TPP mà điển hình là gia tăng xuất khẩu, điều này đã được các chuyên gia trong và ngoài nước thừa nhận. Nhưng, thực tế là cũng chẳng có lý thuyết nào bênh vực cho chuyện, rằng có một hiệp định thương mại nào dù công bằng đến đâu lại khiến cho một nền kinh tế kém nhất lại nhận được nhiều lợi ích nhất so với phần còn lại. Thế giới này chưa bao giờ có thứ công bằng lý tưởng đến vậy.

Lẽ dĩ nhiên, lợi ích mà tự do thương mại đem lại là win-win, trong đó cả hai bên đều có lợi. Nhưng tỷ lệ của cái win-win đó cụ thể là bao nhiêu thì có trời mới biết. Tỷ lệ 99-1 cũng là win-win, một bên có 99% miếng bánh và bên kia nắm 1% còn lại cũng là win-win. Và điều rất đáng mừng là tỷ lệ win-win của Việt Nam hiện nay cao hơn thế một chút: 98-2. Tỷ lệ win-win 98-2 này đang tồn tại ở khá nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đến nỗi nó có thể được xem như một “tỷ lệ vàng”.

Có thể dễ dàng điểm qua những trường hợp điển hình. Một trong số đó là dệt may, lĩnh vực đang được xem là mũi nhọn xuất khẩu trong nền kinh tế. Theo dẫn chứng của ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc điều hành Công ty VIETGO – đơn vị chuyên tư vấn cho các DN xuất khẩu, thì hiện nay một sản phẩm dệt may có thương hiệu có giá bán trên thị trường khoảng 100 USD thì các công ty gia công của Việt Nam chỉ nhận được tiền công khoảng 2 USD, đôi khi còn thấp hơn. Dù tỷ lệ ăn chia này có vẻ hơi chênh lệch, nhưng nó vẫn đáp ứng tỷ lệ 98-2 một cách khá "chuẩn mực" trong nền kinh tế Việt Nam. Nếu chúng ta muốn biết giá trị thực mà Việt Nam nhận được từ con số hàng tỉ USD hàng xuất khẩu dệt may đem về cho đất nước, thì phải nhân con số hàng tỉ USD đó với tỷ lệ 2%.

Ở một số lĩnh vực khác, tỷ lệ win-win này còn thê thảm hơn, như lĩnh vực chế biến xuất khẩu gỗ. Tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong năm 2015 là khoảng 7 tỉ USD, nhưng theo ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, thì điều này không có gì đáng mừng. Vì tổng giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam lên tới 6,9 tỉ USD. Điều này có nghĩa là lợi nhuận thực mà Việt Nam nhận được từ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ trong cả năm 2015 chỉ là 100 triệu USD mà thôi, so với con số 7 tỉ USD thì tỷ lệ này là khoảng 1/70, thấp hơn tỷ lệ khá phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam là 2/98 một chút.

Những con số này chứng tỏ điều gì? Nó chứng tỏ một thực tế rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay chỉ là một nền kinh tế làm thuê. Trong đó đa phần người lao động làm thuê với mức giá rẻ mạt, và tập trung chủ yếu vào các công đoạn gia công đơn giản. Thay vì tự mình làm ông chủ thì chúng ta lại đang phải chấp nhận thân phận làm thuê, phần lớn là cho các ông chủ ngoại. Thực tế này rõ ràng đến mức, kể cả thủ tướng và chính phủ cũng phải thừa nhận một cách gián tiếp, thông qua chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” đang tạo ra được sự hào hứng lớn trong nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu của chương trình này là nhân lên gấp đôi số DN hiện nay để đạt mức 1 triệu DN vào năm 2020. Một nền kinh tế có quá ít các ông chủ, thì dĩ nhiên phần lớn lao động là đi làm thuê.

Thừa nhận thẳng thắn thực tế này không phải là để khước từ các hiệp định thương mại tự do mà Tổng thống Obama đã nỗ lực thúc đẩy trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, mà để nói lên rằng xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn quá thấp, và chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn hiện nay rất nhiều nếu như muốn hưởng trái ngọt mà các hiệp định thương mại tự do như TPP đem lại. Qúa tô hồng tương lai mà không nhìn thẳng vào thực trạng khó khăn hiện tại, là một cách không thể dễ dàng hơn để tự biến mình thành những kẻ làm thuê khốn cùng.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Win-win là gì với một nền kinh tế làm thuê?