TP.HCM hiện nay không tương đồng hoàn toàn với Sài Gòn xưa kia. Tuy nhiên với quan điểm xem TP.HCM là tiếp nối theo thời gian của Sài Gòn, chúng ta có thể xem Hòn ngọc Viễn Đông là hình bóng cũ của TP.HCM. Đọc báo chí thời gian gần đây chúng ta thường bắt gặp cụm từ Hòn ngọc Viễn Đông. Phải chăng quá khứ vàng son của Sài Gòn trước khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 bùng lên lại hiện về?

Hòn ngọc Viễn Đông - Quá khứ và tương lai của TP.HCM

21/05/2016, 10:12

TP.HCM hiện nay không tương đồng hoàn toàn với Sài Gòn xưa kia. Tuy nhiên với quan điểm xem TP.HCM là tiếp nối theo thời gian của Sài Gòn, chúng ta có thể xem Hòn ngọc Viễn Đông là hình bóng cũ của TP.HCM. Đọc báo chí thời gian gần đây chúng ta thường bắt gặp cụm từ Hòn ngọc Viễn Đông. Phải chăng quá khứ vàng son của Sài Gòn trước khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 bùng lên lại hiện về?

Nhìn chung có ba quan điểm chính khi nhắc lại Hòn ngọc Viễn Đông:

1. Hòn ngọc Viễn Đông là một quá khứ đẹp đẽ và ấm no có thực, đáng tự hào của TP.HCM. Người dân TP.HCM hiện nay có thể xây dựng thành phố phục hồi và thậm chí vượt qua quá khứ đó.

2. TP.HCM hiện nay là một Sài Gòn đã bị tàn phá bởi chiến tranh và chính sách quản lý không hữu hiệu khiến đạo đức bị xói mòn, môi trường sống thiếu an toàn và những người ưu tú nhất của nó rời đi. Hình ảnh Hòn ngọc Viễn Đông sẽ không bao giờ trở lại được.

3. Quá khứ Hòn ngọc Viễn Đông chỉ là một quá khứ mộng du, tự huyễn hoặc của những người Sài Gòn hoài cổ.

Hòn ngọc Viễn Đông có thực là một quá khứ tươi đẹp của Sài Gòn?

Ông Nguyễn Thành Tài, khi trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ ngày 7.5.2016 về chủ đề này (1), cho rằng “Năm 1975, Sài Gòn có 3,5 triệu người, thu nhập bình quân cỡ 360 USD/người/năm, chừng đó thôi thì sao nói là trung tâm của Đông Nam Á?”. Theo tôi, cách nhìn đó chưa thấy được sức mạnh và tiềm năng thực sự của Sài Gòn.

Xin cùng nhau nhớ rằng năm 1975 là năm miền Nam và Sài Gòn nghèo nhất sau cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1960 cho tới khi nó kết thúc năm 1975.

Năm 1975, GDP bình quân đầu người của miền Nam chỉ còn 44 USD, bằng 1/5 của năm 1960, cho nên thủ đô của nó, Sài Gòn, tất phải rất nghèo! Hãy nhìn Sài Gòn trước khi cuộc chiến bùng nổ. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của miền Nam là 223 USD, cao hơn Hàn Quốc (155 USD), Thái Lan (101 USD), Trung Hoa lục địa (92 USD), Ấn Độ (84 USD). Hai nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam là Mã Lai (299 USD) và Phi Luật Tân (257 USD) (2). Nếu ta nhìn ngược lại xa hơn, những năm trước thế chiến thứ hai, GDP của Nam bộ bằng 160% của năm 1960, và GDP đầu người của Nam bộ cao thứ nhì châu Á, chỉ đứng sau Nhật!

Nam bộ đã giàu có như vậy, làm sao thủ đô của nó, Sài Gòn, không giàu có? Rõ ràng, nếu lấy GDP đầu người làm tiêu chí so sánh với các thành phố lớn châu Á lúc đó, vào năm 1938 và năm 1960, Sài Gòn không phải chỉ có danh hão. Vậy chắc chắn rằng Sài Gòn đã từng có một quá khứ đáng mơ ước.

Giá trị cao nhất của một vùng đất nào cũng là giá trị của những con người tạo dựng nên vùng đất đó. Con người chính là hồn cốt của địa phương. Dân trí, dân khí, dân tâm là nguồn lực quý báu nhất, các nguồn lực đó của Sài Gòn thời Hòn ngọc Viễn Đông ra sao?

Sài Gòn là nơi hội tụ lưu dân người Hoa và người Việt từ ba miền tổ quốc. Những cư dân này tách rời khỏi cộng đồng gốc nên cùng lúc có hai tính chất thoạt nhìn rất trái ngược nhau, nhưng trên thực tế lại hòa quyện một cách hài hòa và hợp lý: vừa giữ được tập tục, truyền thống dân tộc, tổ tiên; vừa thoát khỏi những hủ tục kìm hãm sự tiến bộ. Họ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, chung sức chung lòng, trọng nghĩa, hào sảng, bao dung, công bằng, cần cù và nhanh chóng nắm bắt cái tiến bộ văn minh để cùng nhau xây dựng cộng đồng ấm no tình nghĩa. Từ cuộc sống thực luôn hướng về tương lai trên vùng đất mới, cư dân Sài Gòn mang trong mình dòng máu khai phá và tạo cho mình môi trường sống khai phóng, những điều kiện căn bản để dựng xây nên Hòn ngọc Viễn Đông.

Theo tôi, đó mới là các giá trị quý báu đích thực của Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông. Đó là các giá trị tạo nên nguồn lực mà TP.HCM nếu muốn lấy lại vị thế và niềm tự hào của Hòn ngọc Viễn Đông, cần dựa vào, nuôi dưỡng, phát triển và sử dụng một cách hữu hiệu nhất. TP hiện nay vẫn còn giữ trọn tiềm năng để phát triển thành một thành phố lớn của Đông Nam Á nếu lòng dân được tập họp, sức dân được giải phóng, trí dân được nâng cao.

Bắt đầu từ đâu để xây dựng TP.HCM sáng đẹp như Hòn ngọc Viễn Đông năm xưa?

Tôi xin đề nghị một số việc như sau:

1. Đoàn kết tối đa cư dân thành phố

Ông Đinh La Thăng có tuyên bố: “Yếu tố quan trọng nhất là tư duy được huy động từ mọi nguồn sức mạnh nội lực và đoàn kết của cả dân tộc” (3).

Tôi rất đồng ý với ông Thăng. Chúng ta đã để vuột rất nhiều cơ hội. Bây giờ nếu không đoàn kết dân tộc cùng tận dụng cơ hội đang bày ra truớc mắt thì e rằng, trước ngã ba lịch sử, đất nước ta sẽ lại đi vào ngõ cụt, ngõ tắc rất nguy hiểm và khó quay đầu. “Huy động từ mọi nguồn sức mạnh nội lực và đoàn kết của cả dân tộc” là việc rất lớn, dù biết là trách nhiệm của mỗi người, nhưng chỉ chính quyền mới có nguồn lực thực hiện thành công sứ mạng này. Cá nhân tôi luôn tin theo quy luật: Khi cùng hướng về những mục tiêu tốt đẹp hơn, cao cả hơn, khi mở phạm vi quan điểm rộng hơn, nhiều chiều hơn thì càng đoàn kết được nhiều người, nhiều thành phần hơn. Chẳng phải bao dung và chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt là một đặc tính của những con người từng tạo nên Hòn ngọc Viễn Đông hào sảng này hay sao?

2. Lập nhóm tư vấn có tài và được dân chúng tin tưởng

Một nhóm tư vấn có uy tín về tài năng sẽ giúp lãnh đạo nhìn khắp hơn, thấu hơn các vấn đề của TP, xác định được giá trị và nhu cầu thực của quần chúng, từ đó xác định các mục tiêu hợp lòng dân, xác định chiến lược thích hợp... Các thành viên của nhóm tư vấn nên được mời từ giới trí thức, những nhà think-tank, những nhà kỹ trị, quản lý, kinh doanh… như vậy các tư vấn sẽ có tầm xa, rộng và khả thi. Cũng tránh mời vào nhóm này những nhà quản lý hành chính vốn đã có sẵn kênh làm việc trực tiếp và gần gũi với lãnh đạo thành phố.

Nhóm tư vấn như vậy được trình ra sẽ tạo niềm tin nơi dân chúng, góp phần vào việc quy tụ dân chúng và duy trì cảm hứng.

3. Tiến hành vài cải tổ cấp thiết nhất

Nhắm vào những điều dân đang lo lắng nhất mà cải tiến. Dân đang lo về an ninh xã hội: trộm cướp, xã hội đen hoành hành công khai, đâm chém, tạt axít tràn lan. Dân đang lo về an toàn giao thông, về an toàn thực phẩm, về môi trường ô nhiễm. Dân đang bực bội và bị kìm hãm bởi các nhũng lạm từ chốn công quyền, nhà kinh doanh bất mãn về các khoản chi giấu mặt, các luật lệ bất minh…

Những cải tổ quyết đoán và hữu hiệu trong những lĩnh vực trên sẽ được dân chúng ủng hộ. Chúng chắc chắn sẽ tạo TP.HCM thành nơi thú vị hơn để sống và làm việc. Người tại chỗ sẽ phấn chấn, tự hào; người nước ngoài sẽ đến đông hơn, lưu ở lâu hơn, hay chọn TP.HCM để lập nghiệp lâu dài… Chắc chắn rằng TP sẽ biến đổi trở thành văn minh, cao thượng, tinh thần hợp tác xã hội và năng suất tổng hợp của TP cao hơn hẳn hiện nay.

4. Xác định sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi cho TP.HCM

Đây là trách nhiệm rất quan trọng của lãnh đạo. Những điều này thực ra là nhằm minh bạch cho dân chúng thấy và hiểu rõ:

- Lý do tồn tại của TP.HCM. Mục tiêu tổng quát và tối thượng của nó (Sứ mạng).

- TP.HCM sẽ ra sao trong tương lai (Tầm nhìn).

- TP.HCM và cư dân của nó sống, hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức nào, nguyên tắc ứng xử nào… (Giá trị cốt lõi).

Theo tôi nghĩ, TP.HCM có thể xác định Sứ mạng, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi theo hướng sau:

a. Sứ mạng: Phục vụ cư dân bằng dịch vụ công tốt nhất với chi phí rẻ nhất.

Như vậy người dân cảm nhận thành phố giúp đỡ họ rất nhiều mà họ không phải đóng các loại thuế, mức thuế vô lý.

b. Tầm nhìn: năm 2025 là một trong ba TP được xếp hạng cao nhất châu Á về nơi đáng sống theo tiêu chuẩn tổng hợp, về mức độ dân chủ xã hội, về chất lượng dịch vụ công, về mức độ an toàn đường phố, an toàn môi trường, về mức độ thân thiện của cư dân…

c. Giá trị cốt lõi:

• Giữ gìn các truyền thống tổ tiên là lòng nhân ái, hiếu để với cha mẹ, tình đồng bào, tính trung thực, liêm khiết.
• Bình đẳng, công bình, tôn trọng con người, tuân thủ luật pháp.
• Bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.

Sứ mạng, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi một khi được xác định phù hợp với ý muốn, với tâm lý, với truyền thống của dân chúng sẽ là ngọn cờ quy tụ và động viên, thúc giục họ xây dựng một tương lai tươi đẹp chung cho tất cả.

Được vậy, làm sao Hòn ngọc Viễn Đông trong lòng TP.HCM không tỏa sáng?

Tham khảo

(1) Dám nhìn thẳng vào sự thật TP.HCM mới có vị trí số 1. Tuổi Trẻ online, ngày 7.5.2016.

(2) List of countries by past and projected GDP (nominal) per capita.

http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_past_and_future_GDP_(nominal)_per_capita

(3) Thi đua để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuổi Trẻ, ngày 15.4.2016, trang 3.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hòn ngọc Viễn Đông - Quá khứ và tương lai của TP.HCM