Ngày 17.8, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 13 – TB/TƯ do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ký, thông báo về việc xác định tuổi của đảng viên.
Theo đó, đây là việc mà Ban Bí thư đã thảo luận, phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và đi đến kết luận: Kể từ ngày 18.8, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Như vậy, kể từ nay, những trường hợp muốn thay đổi tuổi khai sinh trong hồ sơ sẽ không còn được chấp nhận và không còn có thể tái diễn. Việc này cho tới nay thường rất hay xuất hiện trước đại hội Đảng các cấp hòng được kéo dài công tác, tham gia thêm nhiệm kỳ cấp uỷ. Nó đồng nghĩa hành vi "đặc quyền đặc lợi" trong một lớp cán bộ có tham vọng không lành mạnh hiện nay, và đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhiều đảng viên và quần chúng đối với người lãnh đạo.
Trong thực tiễn nhiều thập kỷ qua ở nước ta, đã có rất nhiều người đến với cách mạng từ lúc còn tuổi thiếu niên. Rồi thì sau hòa bình lập lại ở miền Bắc 1954, cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà rất cần có lực lượng trẻ tham gia cầm súng chiến đấu. Trong số này có khá nhiều người còn vị thành niên đã "khai man" tuổi cho đủ 18 và có khi đút cả cục đá vào túi quần cho đủ cân nặng hòng trúng tuyển nghĩa vụ, mong được cầm súng ra chiến trường hay vào công an làm nhiệm vụ. Thậm chí có trường hợp do tổ chức yêu cầu, họ phải làm lại tuổi cho ít đi để thực thi nhiệm vụ gì đó...
Tất cả những trường hợp đó đều rất trong sáng, khi họ chấp nhận dấn thân vào nơi hiểm nguy mà không vụ lợi dù chưa đến tuổi phải làm nghĩa vụ đối với đất nước. Họ không mảy may tính toán thiệt hơn với tổ chức. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, cũng có một số người đã chủ động kê khai lại cho chuẩn xác. Vào hồi đó, đây cũng là chuyện rất bình thường và dễ thông cảm.
Tôi còn nhớ, những năm tôi có vinh dự được đứng trong quân ngũ (kể cả trước đó), hàng năm, với những sĩ quan chỉ huy, cơ quan cán bộ thường phát cho một tờ mẫu, gọi là "Tự kể chuyện". Thực ra, đó là bản khai lý lịch bổ sung của năm cho mọi sĩ quan nhưng viết theo lối nhẹ nhàng, kể lể.
Qua tờ giấy 4 trang này, anh sẽ phải bổ sung những gì liên quan đến cá nhân mình xảy ra trong năm, chẳng hạn như mới được thăng quân hàm, lên chức; hay bị kỷ luật và hạ sao, giáng chức; từ chuyện tứ thân phụ mẫu có ai khuyết, con cái có thêm ai, tên gì đến vợ con chuyển nhà mới đi đâu,v.v... đều phải khai tuốt.
Nghĩa là khai đầy đủ những di biến động của cá nhân sĩ quan đó và người thân của anh ta để lưu lại trong hồ sơ cán bộ. Anh nào giấu giếm, nếu phát hiện ra thì rất mệt. Cách làm này có thể bây giờ cũng không còn phù hợp nữa, song nó cho thấy không dễ có chuyện sau vài chục năm công tác, mới có chuyện sửa tuổi.
Nhưng khoảng hai chục năm gần đây, chuyện sửa tuổi theo lối "trẻ dần ra" khiến dư luận dị nghị, nhiều nơi sinh kiện cáo tố giác nhau. Thật nực cười và trớ trêu khi tôi từng thấy có những trường hợp gian dối đến kỳ quặc, để rồi người ta đặt vè "sinh em rồi mới sinh anh"... Ấy vậy mà không hiểu sao nhiều cơ quan đi xác minh vẫn bỏ ngoài tai?
Quả thật, cần nghiêm túc nhìn nhận, sự gian lận, lấp liếm, chạy tuổi của nhiều vị quan chức những năm qua rất trắng trợn đã và đang tạo dư luận không tốt trong xã hội, nếu để kéo dài sẽ trở thành căn bệnh khó trị vì, họ sẽ nhìn người làm trước, thấy an toàn, không bị dư luận lên án thì họ sẽ nhắm mắt làm theo, bất chấp danh dự miễn là có lợi.
Về phía tổ chức Đảng, nếu buông lỏng điều này cũng đồng nghĩa với việc buông lỏng kỷ cương, để những người có phẩm chất kém leo sâu, trèo cao vào bộ máy Đảng, chính quyền các cấp. Chắc chắn một điều, những con người từng làm việc không hay này sẽ dung túng cho một lớp cán bộ khác "đồng hội đồng thuyền" vào tổ chức. Như vậy sẽ rất không tốt cho chế độ. Điều đau xót là ở chỗ, chính những nhân vật này lại luôn rao giảng đạo đức, tư cách, phẩm chất, như thế nào là cán bộ "gương mẫu" cho người khác noi theo.
Chính vì thế, đây cần xem là một quyết định sáng suốt dù có phần quá muộn. Tôi tin rằng Thông báo này sẽ được rất nhiều đảng viên và quần chúng theo dõi. Họ sẽ là những "tai mắt" tinh tường giám sát giúp Đảng, giúp tổ chức trong thời gian tới về công tác cán bộ.
Đồng thời, Đảng, chính quyền cũng cần quy trách nhiệm cho những ai, cơ quan nào ký xác nhận thiếu trách nhiệm lý lịch kiểu đó. Cần nhớ rằng, những người gian dối đó, tự họ không thể làm một mình được mà phải được "tiếp sức" từ cơ quan tư pháp, từ chính quyền địa phương và ngầm thông đồng với cơ quan đang công tác để hủy cái cũ, thay cái mới vào và thường người làm được lại là những người có chức có quyền trong đơn vị.
Quốc Phong