Ngày 17.11, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập kỷ lục với sự kiện chế biến và công diễn 102 món ăn từ tàu hũ ky.
Trong chuỗi hoạt động của Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh, từ 16 - 23.11, tại TP.Vĩnh Long, “Hội chợ đặc sản vùng miền khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Vĩnh Long năm 2024” quy tụ nhiều đặc sản vùng rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn thực khách.
Đặc biệt, ngày 17.11, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập kỷ lục với sự kiện chế biến và công diễn 102 món ăn từ tàu hũ ky. Chứng nhận kỷ lục được trao cho UBND thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long).
Đây là hoạt động nằm trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024 của Bộ Công Thương, là sự kiện lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đây cũng là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 84 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23.11.1940 - 23.11.2024); 102 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2024) và nằm trong chuỗi hoạt động Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần nhất - năm 2024.
Hội chợ đặc sản vùng miền khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Vĩnh Long năm 2024 thu hút sự tham gia của 120 đơn vị là các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đến từ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Bắc; trên 250 gian hàng trưng bày đặc sản vùng miền gồm các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, hàng tiêu dùng, hàng lương thực thực phẩm…
Đặc biệt, tại hội chợ này nổi bật là mặt hàng tàu hũ ky - một sản phẩm đặc trưng của thị xã Bình Minh (Vĩnh Long). Tàu hũ ky là sản phẩm được chế biến từ đậu nành. Từ sản phẩm tàu hũ ky, người dân Vĩnh Long chế biến 102 món ăn chế biến từ tàu hũ ky và kèm tàu hũ ky. Món tàu hũ ky được giới tu hành theo phái Bắc tông chế biến thành nhiều món ăn chay, vì món ăn này bổ sung đạm tốt cho con người nhất là người tu hành kiêng các món từ thịt động vật.
Từ tàu hũ ky, người dân còn chế biến ra hàng chục món kèm thịt trong món ăn hằng ngày như canh, xào, chưng... Chính vì vậy, nghề làm tàu hủ ky luôn phát triển hơn 100 năm nay ở vùng đất Bình Minh bên bờ sông Hậu.
Tàu hũ ky từ Bình Minh được bán đi khắp nơi ở ĐBSCL và TP.HCM, chính vì vậy nghề truyền thống này luôn phát triển dù thời gian có làm một số làng nghề ở Bình Minh tàn lụi, thất truyền.
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”, đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL. Năm 2023, nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban tổ chức hội chợ chia sẻ, Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp của vùng và được khẳng định qua các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nổi tiếng, tạo nên vị thế thương hiệu riêng cho tỉnh như: bưởi năm roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, sầu riêng Ri6, chôm chôm Bình Hòa Phước, khoai lang Bình Tân... Cùng với đó là sự đa dạng các mặt hàng nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã công nhận 159 sản phẩm OCOP với 98 chủ thể. Trong đó, có 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; có 178 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gồm 145 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 27 sản phẩm cấp khu vực và 6 sản phẩm cấp quốc gia đã được công nhận trong thời gian qua. Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tỉnh Vĩnh Long xác định mục tiêu tập trung vào thị trường nội địa, đây là thị trường hết sức quan trọng với lợi thế gần 100 triệu dân sẽ là những người tiêu dùng thông thái, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, người nông dân, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh.
Tại hội chợ này, ngoài các đặc sản của vùng ĐBSCL còn có rất nhiều sản phẩm đến từ miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội, vùng Tây Bắc... Đây là nơi hội tụ đặc sản và món ngon vùng miền, giúp cho người dân trải nghiệm món ngon từ mọi miền đất nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho rằng: “Hội chợ đặc sản vùng miền khu vực ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2024” không chỉ làm tốt vai trò là nhịp cầu kết nối tại tỉnh Vĩnh Long với các tỉnh thành ĐBSCL nói riêng và các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nói chung, mà còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội; là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá hình ảnh các sản phẩm đến người tiêu dùng. Mục tiêu của Vĩnh Long là tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế, thương hiệu sản phẩm của các địa phương trên thị trường trong nước và ngoài nước”.