Theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ buộc phải di dời, xóa bỏ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong khi đó, chợ Long Biên đang tiến hành nâng cấp, cải tạo với số vốn hơn 30 tỷ đồng. Như vậy, việc xóa bỏ chợ Long Biên liệu có đồng nghĩa với việc "thả trôi sông" 30 tỷ đồng?
Chợ Long Biên được thành lập từ trước năm 1985 và liên tục mở rộng quy mô hoạt động. Đây là chợ hoa quả, nông sản lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy không đủ điều kiện là chợ đầu mối nhưng trong cách nhìn của người dân và nhiều tiểu thương, chợ Long Biên có vị trí như một chợ đầu mối của Thủ đô.
Thông tin di dời chợ hoặc xóa bỏ chợ Long Biên được Bộ Công thương công bố mới đây đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận cũng như trong các tiểu thương ở khu chợ lâu đời này.
Trao đổi với báo Một Thế Giới, nhiều tiểu thương ở chợ Long Biên cho biết có nghe thông tin di dời chợ trên báo, tuy nhiên Ban quản lý chợ chưa có thông tin chính thức về việc này. Các tiểu thương tại chợ Long Biên cũng không cảm thấy quá lo lắng trước thông tin sẽ xóa bỏ hoặc di dời chợ, bởi khu chợ đang tiếp tục được xây mới, nâng cấp.
|
Chị Nguyễn Thị Thúy bình thản trước thông tin chợ Long Biên di dời (Ảnh: Trí Lâm) |
Chị Nguyễn Thị Thúy bán hoa quả ở chợ Long Biên đã hơn 5 năm cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ di dời chợ Long Biên vì đây là chợ rất lớn, đã gắn bó với việc buôn bán của người Hà Nội nhiều năm nay. Hơn nữa, chợ còn tiếp tục xây dựng, nâng cấp rất khang trang nên không có lý do gì để di dời cả”.
“Nếu di dời thì họ còn bỏ tiền tỷ ra để xây dựng làm gì cho lãng phí? Vốn đầu tư nâng cấp hơn 30 tỷ đồng chứ đâu có ít ỏi gì?” – chị Thúy đặt câu hỏi.
Đồng tình với chị Thúy, chị Lương Thị Tú, cũng là một tiểu thương bán hoa quả cho hay: “Tôi chưa nghe về thông tin này, nếu có thì cũng không lo lắng gì nhiều bởi di dời chợ Long Biên là điều không hề đơn giản. Chúng tôi buôn bán ở đây đã lâu, chợ còn tiếp tục nâng cấp nên tôi nghĩ chợ sẽ vẫn tiếp tục duy trì”.
|
Nhịp độ buôn bán vẫn diễn ra bình thường ở chợ, ban đêm, chợ còn nhộn nhịp hơn nhiều lần (Ảnh: Trí Lâm) |
Chị Thúy, chị Tú cũng như nhiều tiểu thương khác tỏ thái độ khá an tâm và bình thản trước thông tin chợ Long Biên sẽ bị xóa bỏ hoặc di dời. Theo các chị, chợ Long Biên có tầm quan trọng rất lớn đối với Hà Nội, hơn nữa, lại đang nâng cấp nên việc xóa bỏ hoặc di dời chợ Long Biên là điều không thể xảy ra.
Một tiểu thương khác, chị Nguyễn Thị Lương cũng cho biết, nếu chợ di dời thật thì phải bố trí chỗ buôn bán cho bà con tiểu thương, nếu không thì sẽ mất chỗ làm ăn, sinh sống. Chị cũng bức xúc rằng, quy định ban ra mà Ban quản lý chợ không thông báo, tiểu thương không nắm rõ ràng tình hình, mọi người bàn tán không biết đâu là thật, đâu là giả.
Theo quan sát của phóng viên, khu chợ Long Biên đang tiếp tục được xây mới, nâng cấp hiện đại, khang trang hơn. Quá trình thi công đã bắt đầu từ nhiều tháng nay, dự kiến cuối năm 2015 sẽ khánh thành và đi vào hoạt động.
|
Khu chợ Long Biên đang được thi công nâng cấp, cải tạo (Ảnh: Trí Lâm) |
Nếu thông tin di dời hoặc xóa bỏ chợ Long Biên là thật thì đây chính là việc làm gây thất thoát, lãng phí 30 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ. Quá trình thi công công trình cũng đang gấp rút và việc hoàn thiện chỉ còn trong 6 tháng nữa, trong khi, thời gian di dời chợ từ 2015-2020, tức là trong vòng 5 năm nữa.
|
Công việc thi công đang trong giai đoạn hoàn thiện ở nhiều hạng mục (Ảnh: Trí Lâm) |
|
Có hạng mục mới chỉ xong phần thô, đang tiếp tục thi công khẩn trương (Ảnh: Trí Lâm) |
|
Nhìn từ ngoài, công trình nâng cấp, dự kiến các gian hàng cao đến 4,2m. Hệ thống cống thoát nước cũng được cải tạo lại (Ảnh:Trí Lâm) |
Trước đó, trao đổi với báo Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú – chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chợ Long Biên hoạt động mạnh nhưng chưa thể quản lý nổi tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan khác. Chợ Long Biên cũng chưa thể gọi là chợ đầu mối, bởi chợ đầu mối phải cách trung tâm thành phố 10-15km, diện tích rộng, có bãi đỗ xe, có kho lạnh, có cơ chế hoạt động chặt chẽ, có hệ thống kiểm nghiệm…
Ông Phú nói thêm, vấn đề đầu tư quy hoạch các chợ đầu mối thì sớm muộn Hà Nội cũng sẽ làm, nhưng làm thế nào mới là điều quan trọng. Muốn làm phải có tiền, có đội ngũ quản lý, có diện tích mặt bằng…và quan trọng là phải làm thế nào cho thật phù hợp.
PV Một Thế Giới đã tìm gặp Giám đốc Ban Quản lý chợ Long Biên và được hẹn sẽ trả lời mọi thắc mắc trong thời gian sớm nhất.
Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến độc giả.
Theo Quyết định của Bộ Công thương, tại thủ đô Hà Nội, sẽ giữ nguyên chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Xoá bỏ di dời chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) giai đoạn đầu từ 2021-2025. Chợ đầu mối Long Biên sẽ bị xóa bỏ hoặc di dời trong giai đoạn từ 2015-2020.
Song song với đó, Hà Nội sẽ xây mới 3 chợ đầu mối nông sản tại xã Phủ Đổng huyện Gia Lâm, phân kỳ đầu tư 2015-2020, chợ đầu mối nông sản tại Quốc Oai từ 2021-2025, chợ đầu mối nông sản tại Phú Xuyên 2021-2025.
Các chợ hạng I sẽ được giữ nguyên ở Hà Nội bao gồm chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Mơ (Hai Bà Trưng), chợ Bưởi (Tây Hồ), chợ Hà Đông (Hà Đông), chợ Nghệ (Sơn Tây), chợ Thị trấn Vân Đình (Ứng Hoà).
Tại TP.HCM, sẽ không xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối nào mà giữ nguyên 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn; và giữ nguyên chợ hạng I hiện có là chợ Bến Thành.
Tại Đà Nẵng, sẽ giữ lại chợ đầu mối Hoà Cường (Phường Hoà Cường Nam), cải tạo, nâng cấp chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang. Xây mới chợ đầu mối kinh doanh giết mổ gia súc và kinh doanh nông sản tại Hoà Vang. Giữ nguyên chợ hạng I hiện có là chợ Cồn, Đống Đa, ST Nguyễn Kim, Hoà Khánh.
Trí Lâm