Theo một khảo sát mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tình trạng xói mòn sự kết nối xã hội là mối đe dọa gia tăng nhanh nhất đối với hành tinh chúng ta kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng COVID-19.

Xói mòn sự kết dính xã hội: Nỗi lo của thế giới khi bước vào năm 3 đại dịch

Quỳnh Yên | 04/02/2022, 10:07

Theo một khảo sát mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tình trạng xói mòn sự kết nối xã hội là mối đe dọa gia tăng nhanh nhất đối với hành tinh chúng ta kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng COVID-19.

Bi quan bước vào năm thứ 3 đại dịch

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, nhà khoa học tỏ ra vô cùng bi quan khi cả thế giới bước vào năm thứ 3 đại dịch COVID-19. Họ lo lắng rằng sự phục hồi kinh tế không đồng đều sẽ đào sâu thêm sự chia rẽ trong mỗi xã hội và giữa các quốc gia.

Theo Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu do WEF xuất bản mới đây, hơn 84% chuyên gia toàn cầu được Diễn đàn khảo sát tỏ ra lo lắng hoặc rất quan tâm về viễn cảnh thế giới, chỉ 12% chuyên gia có cái nhìn tích cực và 4% cảm thấy lạc quan.

“Phần lớn người tham gia khảo sát cho rằng 3 năm tới đây hoặc là đầy bất định, nhiều bất ngờ hoặc gãy đổ khiến cho những người giành thắng lợi tương đối và những người thua cuộc càng thêm chia cách” - báo cáo viết.

Với chỉ nửa dân số thế giới đã được chích ngừa đầy đủ, WEF nói rằng sự bất bình đẳng về vắc xin đang tạo nên sự cách biệt trong phục hồi kinh tế và điều này có nguy cơ cộng dồn những cách biệt xã hội có sẵn từ trước vào những căng thẳng địa chính trị hiện tại.

Chỉ 11% trong gần 1.000 chuyên gia và nhà lãnh đạo trả lời cuộc khảo sát hy vọng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc trong 3 năm tới. Các nước đang phát triển, trừ Trung Quốc, sẽ bị tụt lại xa hơn so với các nền kinh tế đã phát triển.

Hệ quả kinh tế từ đại dịch sẽ cộng dồn với sự bất cân bằng trên thị trường lao động, chủ nghĩa bảo hộ, và những khoảng cách ngày càng rộng về kỹ thuật số, về giáo dục và kỹ năng, tạo thành nguy cơ phân chia thế giới theo những hướng khác nhau, theo WEF.

Nhìn xa hơn, thất bại trong hành động ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu là nguy cơ lớn nhất đã được các chuyên gia nhận diện cho thập niên tới, với thời tiết cực đoan, mất sự đa dạng sinh học, xói mòn sự kết dính xã hội, khủng hoảng về kế sinh nhai và các bệnh truyền nhiễm. Khủng hoảng nợ cũng nằm trong số 10 nguy cơ lớn nhất đe dọa toàn cầu.

Nguy cơ cũng xuất hiện từ phía trên quả đất, theo WEF, khi không gian đang bị quân sự hóa ngày càng tăng cùng lúc với việc khai thác thương mại mới đối với không gian làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực truyền thống ở biên giới chưa được cai quản.

Một hậu quả của các hoạt động gia tăng trong không gian là nguy cơ ngày càng lớn về xảy ra các vụ đụng độ dẫn đến sự lan tràn các mảnh vỡ không gian và tác động đến các quỹ đạo, nơi đặt cơ sở hạ tầng cho các hệ thống then chốt trên quả đất, gây tổn hại cho các thiết bị không gian đáng giá hoặc gây ra căng thẳng quốc tế.

dinhkienxh.jpg
Xói mòn sự kết dính xã hội - nỗi lo của thế giới khi bước vào năm 3 đại dịch

Xói mòn sự kết dính xã hội

Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã gây ra một loạt biến động, phần lớn là xấu: lạm phát tăng, doanh nghiệp nhỏ bị tàn phá, số người tử vong vượt tổng số người chết vì bệnh cúm trong 10 năm qua, theo báo Fast Company. Nhưng theo báo cáo mới của WEF, đó chưa phải là điều tệ hại nhất. Điều đáng sợ hơn cả là thực trạng “xói mòn sự kết dính xã hội”. Đó là mối đe dọa gia tăng nhanh nhất đối với hành tinh chúng ta kể từ lúc nổ ra cuộc khủng hoảng COVID.

Sự “kết dính xã hội” là gì?

Theo WEF, sự xói mòn kết dính xã hội “được cảm nhận như mối đe dọa sống còn đối với thế giới, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, và được xem là có khả năng gây tổn hại lớn nhất trong 10 năm tới”. Sự kết dính xã hội suy yếu đi do sự chia rẽ và phân cực gia tăng trong xã hội khi tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trở nên gay gắt bởi sự phục hồi kinh tế không đồng đều, chẳng hạn 51 triệu người được dự báo sẽ rơi xuống mức cực nghèo trong khi các tỉ phú thì giàu thêm hơn bao giờ hết. Sự xói mòn kết dính xã hội cũng bắt nguồn từ những rạn nứt trong quan điểm đối chọi nhau về vắc xin và việc bắt buộc đeo khẩu trang và trong những tiếng kêu đòi công lý chủng tộc ở những cộng đồng bị áp bức trong lịch sử.

Nói tóm lại, đó là sự sụp đổ của xã hội dân sự bị rạn nứt từ bên trong bởi những lực ly tâm. Hãy xem cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ do những người ủng hộ Donald Trump dẫn đầu cách đây một năm; đó là “một biểu hiện của sự bất ổn mà sự phân cực chính trị có nguy cơ tạo ra”, báo cáo của WEF viết. Trong một kịch bản bi quan, đó chỉ là báo hiệu của những gì sẽ đến. Và cử tri Mỹ dường như cảm thấy điều đó đang xuất hiện đầy đe dọa: trong một cuộc thăm dò mới đây họ coi sự chia rẽ trong nước Mỹ là mối đe dọa lớn nhất và cho rằng điều đó sẽ còn gia tăng trong năm 2022.

Tuy vậy vẫn có những nỗ lực ngăn chặn nguy cơ, bao gồm những nỗ lực giảm nghèo, giải quyết khủng hoảng y tế, và an ninh đối với các tài nguyên cơ bản. Tất cả, theo WEF, có hiệu quả hơn 50%.

Những nguy cơ khác theo báo cáo bao gồm: đối đầu địa chính trị như cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra, nạn chen chúc trong không gian khi các nền quân sự hàng đầu chạy đua đễ kiểm soát bầu trời với các vũ khí chống vệ tinh và siêu vượt âm. Nhưng, cũng như với nhiều tật bệnh của thế giới, WEF tin rằng tật bệnh mới nhất có thể được chữa lành nếu các quốc gia hợp tác với nhau để bảo đảm lợi ích chung và chia sẻ nguồn tài nguyên toàn cầu mới nhất, đó là không gian.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xói mòn sự kết dính xã hội: Nỗi lo của thế giới khi bước vào năm 3 đại dịch