Kể từ khi bác bỏ đề xuất đàm phán ngoại giao từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, CHDCND Triều Tiên dường như đã điều chỉnh lại chiến lược với Mỹ.

Triều Tiên chuẩn bị đối đầu Mỹ trong năm 2022

Cẩm Bình | 01/02/2022, 09:16

Kể từ khi bác bỏ đề xuất đàm phán ngoại giao từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, CHDCND Triều Tiên dường như đã điều chỉnh lại chiến lược với Mỹ.

Hiện tại, Triều Tiên dường như đang thực thi chiến lược “gây áp lực tối đa” bằng cách tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí tiên tiến và diễu binh hơn, thu hút chú ý của Mỹ lẫn của cộng đồng quốc tế nhằm buộc Washington thay đổi “chính sách thù địch” trước khi khôi phục đàm phán.

trbb1ghktl.jpg
Triều Tiên hiện không muốn đàm phán - Ảnh: CNBC

Chính sách đối ngoại và an ninh năm 2022 của Triều Tiên

Dù kỷ niệm 10 năm lên nắm quyền vào năm 2021, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại không phát biểu đầu năm mới 2022 như mọi khi. Và mặc dù truyền thông nhà nước đưa tin về kết quả cuộc họp toàn thể kéo dài 5 ngày của Ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng lại gây khó hiểu vì không nói rõ chiến lược cùng chính sách đối ngoại an ninh 2022 mà chỉ nói cuộc họp xem xét “các vấn đề cơ bản” và định hướng chiến lược liên quan để ứng phó tình hình chính trị quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Nhiều chuyên gia nhận định việc không đưa ra định hướng chính sách đối ngoại giúp Triều Tiên có thể hành động linh hoạt hơn trước môi trường bên ngoài đầy yếu tố không chắc chắn. Vào tháng 2 tới là Olympic Bắc Kinh, đến tháng 3 thì cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc diễn ra, ngoài ra không thể loại bỏ nguy cơ xung đột quân sự ở Ukraine hay Đài Loan trong năm nay.

Nếu Triều Tiên kiềm chế trong lúc Olympic Bắc Kinh diễn ra, Trung Quốc có thể sẽ “làm ngơ” những vụ phóng thử tên lửa tiếp theo. Còn cho dù là ai làm Tổng thống Hàn Quốc, nền tảng trong cách tiếp cận Bình Nhưỡng của Seoul vẫn sẽ không thay đổi nếu không được Washington chấp thuận.

Trên cơ sở trên, Triều Tiên tái định hướng và thực thi chiến lược “đột phá trực diện” cùng “cứng đối cứng” nhằm đối phó với Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy mặc dù không công khai nói rõ, Bình Nhưỡng vẫn đang chuẩn bị loạt kế hoạch quân sự chẳng hạn như phóng tên lửa hay thử hạt nhân đáp trả loạt trừng phạt từ Washington và tập trận chung Mỹ - Hàn thời gian tới, cũng như khả năng chính trị gia Yoon Suk-yeol thuộc đảng đối lập tại Hàn Quốc thắng cử.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Triều Tiên đã thực hiện đến 7 vụ phóng tên lửa – cho thấy ý định tăng cường năng lực quân sự quốc gia như nhà lãnh đạo Kim tuyên bố năm 2021 rất rõ ràng. Nước này sẽ tiến hành thêm nhiều vụ phóng nữa để chứng minh tiến bộ trong công nghệ tên lửa của mình. Nhà lãnh đạo Kim tin rằng áp lực tối đa bằng cách phô diễn vũ khí hạt nhân cùng tên lửa tiên tiến có thể là cách duy nhất buộc Mỹ nhượng bộ.

tr1000x563_cmsv2_dc81c27d-dd98-5498-8e9c-bd589bd1c496-6438862.jpg
Triều Tiên trong tháng 1 thực hiện đến 7 vụ phóng tên lửa - Ảnh: AP

Đột phá trực diện

Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc và đại dịch COVID-19 chưa từng có, năm nay đặc biệt quan trọng với nhà lãnh đạo Kim. Ông cần thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành, 80 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Tại phiên họp toàn thể tháng 12.2021, nhà lãnh đạo Kim chủ yếu đưa ra thông điệp về phát triển nông nghiệp - nông thôn nhằm vực dậy nền kinh tế suy sụp do trừng phạt quốc tế cùng loạt biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Nhưng nhà lãnh đạo Kim bị ràng buộc vì không có kế hoạch dài hạn nào mà ông có thể làm theo để giải quyết tình trạng thiếu lương thực đang tàn phá đất nước mà không làm giảm cách tiếp cận tự lực về kinh tế do chính ông đề ra, trong khi loạt biện pháp phòng chống dịch đã cô lập Triều Tiên khỏi thế giới suốt 2 năm qua. Giải pháp dài hạn duy nhất là mở lại biên giới với Trung Quốc hoặc nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện có.

Ngày 16 và 17.1, hai chuyến tàu hỏa chở hàng đi từ Sinuiju (Triều Tiên) sang Đan Đông (Trung Quốc) nhận viện trợ cùng nhu yếu phẩm. Triều Tiên có lẽ đã quyết định khôi phục giao thương với Trung Quốc, và viện trợ từ Trung Quốc có thể giúp Triều Tiên thúc đẩy chiến lược gây áp lực tối đa trong năm 2022.

Trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, Triều Tiên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc nhằm vực dậy kinh tế đồng thời sẵn sàng đáp trả trừng phạt từ Mỹ.

Ngay cả khi nhà lãnh đạo Kim phải đàm phán để tìm ra giải pháp lâu dài cho nền kinh tế, ông cũng sẽ tập trung tăng cường năng lực hạt nhân ít nhất cho đến lúc đại dịch toàn cầu kết thúc. Tình hình hiện tại không cho phép quan chức Triều Tiên gặp gỡ quan chức nước ngoài dù ở trong hay ngoài nước.

Như vậy, năm nay là thời điểm hoàn hảo để Triều Tiên gây áp lực tối đa với Mỹ nhằm đạt được những gì mình muốn trước khi khôi phục đàm phán, vì Mỹ đang phải đối đầu với Nga ở Đông Âu và với Trung Quốc ở Đông Á.

Ra mắt vũ khí mới

Loạt 7 vụ thử tên lửa tháng qua bắt đầu từ ngày 5.1. Triều Tiên lần lượt phóng tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn rồi tên lửa đạn đạo tầm trung mang được đầu đạn hạt nhân.

Đặc biệt, vụ thử ngày 11.1 cho thấy Triều Tiên đã thành công phát triển một phiên bản tên lửa siêu thanh tiên tiến mà họ từng thử nghiệm vào tháng 9.2021. Sau đó để đáp trả trừng phạt mới từ Mỹ, nước này tiến hành thêm 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Bình Nhưỡng khẳng định thử tên lửa chỉ nhằm mục đích tự vệ, là một phần trong chính sách “cứng đối cứng”.

Do đó, năm 2022 sẽ chứng kiến vũ khí mới, có khả năng là dòng tên lửa Pukkuksong: phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo Pukkuksong-2 hoặc tên lửa đạn đạo Pukkuksong-5 phóng từ tàu ngầm.

Đáng chú ý hơn là nhà lãnh đạo Kim để ngỏ khả năng từ bỏ cam kết không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Như vậy năm nay có khả năng Triều Tiên sẽ cân nhắc phô diễn năng lực bằng đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ hoặc tên lửa mang được nhiều đầu đạn hạt nhân.

Nếu tất cả công nghệ nêu trên đều thử nghiệm thành công, hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ gặp nguy hiểm.

Triển vọng đàm phán

Năm 2019, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố không quay lại bàn đàm phán trừ phi Mỹ nhượng bộ. Với Triều Tiên thì nhượng bộ nghĩa là phải dỡ bỏ trừng phạt, rút quân khỏi Hàn Quốc, ngừng tập trận chung Mỹ - Hàn.

Phía Mỹ - Hàn đều nhận định hiện tại không phải thời điểm thích hợp để khôi phục đàm phán. Nhưng Washington cần tái đánh giá chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của mình, vì chờ đợi đem lại cơ hội cho Bình Nhưỡng tăng cường năng lực hạt nhân lên mức mới.

Hơn nữa nếu chính trị gia Yoon Suk-yeol thắng cử Tổng thống Hàn Quốc, có nguy cơ Seoul tăng cường năng lực quân sự để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Ông Yoon chủ trương cứng rắn, từng tuyên bố có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên. Lúc đó cuộc chạy đua vũ trang ở bán đảo Triều Tiên sẽ bị đẩy lên mức nguy hiểm hơn.

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên chuẩn bị đối đầu Mỹ trong năm 2022