Thành phố Hồ Chí Minh vốn phồn hoa, lộng lẫy những tòa nhà cao ốc vươn lên trời xanh, nhưng đó đây vẫn còn các khu nhà xập xệ, cũ nát. Cư dân ờ đó là những người lao động nghèo quay quắt với đủ thứ nghề mưu sinh, sống lay lắt qua ngày.

Xóm tạm cư ven kênh: Trôi nổi những phận đời, bệnh tật bủa vây

Một Thế Giới | 11/07/2015, 07:33

Thành phố Hồ Chí Minh vốn phồn hoa, lộng lẫy những tòa nhà cao ốc vươn lên trời xanh, nhưng đó đây vẫn còn các khu nhà xập xệ, cũ nát. Cư dân ờ đó là những người lao động nghèo quay quắt với đủ thứ nghề mưu sinh, sống lay lắt qua ngày.

Sống tạm bên dòng kênh đen

Dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7) từ Cư xá Ngân Hàng đến cầu Kênh Tẻ, qua cầu Rạch Ông, nối đường Phạm Thế Hiển, quận 8 có hàng ngàn căn nhà lụp xụp được người dân cơi nới tạm bợ. Hầu hết những căn nhà ở đây được dựng lên một phần trên đất và được đóng cọc lấn ra kênh. Cái gọi là nhà này được thiết kế trên nhũng chiếc cọc gỗ, bê-tông được đóng sâu vào lòng đất làm giá đỡ. Không chỉ một vài căn mà khu vực này tồn tại hàng ngàn căn như vậy nằm san sát nhau.
Xom tam cu ven kenh: Troi noi nhung phan doi-hinh-anh-1
 Một khu nhà "ổ chuột" ở quận 8, TP HCM. Ảnh: Duy Trần.

Phía quận 4, đường Tôn Thất Thuyết cũng tương tự. Thủy triều dâng cao, khi có tàu, thuyền đi ngang qua cũng khiến sóng nước ập vào nhà. Nước dùng để tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày được người dân nơi đây thải trực tiếp xuống kênh. Nguy hiểm hơn, nhà vệ sinh kiêm luôn nhà tắm được thiết kế sơ sài bằng những tấm tôn tạm bợ, cũng vô tư thải ra kênh. Hàng nghìn căn chòi ép vào nhau san sát, tạo thành khu dân cư đông đúc lộn xộn.

Nói trong nỗi buồn, ông Trương Đình Hoàng, sống ở khu Cư xá Ngân Hàng, quận 7 cho rằng, từ những năm 1986, khi đất nước mới mở cửa thì xóm nhập cư này được hình thành. Ban đầu là những phu bốc vác từ khắp mọi miền đổ về. Kế đến là những gia đình làm ăn thất bát lần lượt kéo nhau tới đây. Ban ngày, họ ra cảng Bến Nghé, Tân Thuận, Nhà Rồng làm việc. Khi màn đêm buông xuống, họ kéo nhau về đây nghỉ ngơi. Lúc ấy, tình hình kinh tế rất khó khăn, chính quyền địa phương không biết phải giải quyết như thế nào, nên đành làm ngơ. Lâu dần... dòng người di cư tư do từ những nơi khác đến ngày càng đông, nên nhiều gia đình rủ nhau chen chúc xây dựng nhà tạm.

Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, nhiều thành phần phức tạp cư ngụ nơi đây như gái mại dâm hết thời, các băng nhóm xã hội đen, giang hồ gác kiếm cũng dạt về đây. Vì vậy, trong một thời gian dài, khu vực này luôn là điểm nóng về an ninh trật tự.

Năm 1993, khi thành phố có chủ trương giải tỏa, UBND các phường chạy dọc theo đường Trần Xuân Soạn mới tổ chức kiểm tra thì đã có hơn 1.000 hộ gia đình cắm chốt làm ăn, sinh sống. Khi được hỏi, ông Hùng 61 tuổi, một cư dân địa phương cho biết, gia đình đã có hơn 20 năm định cư và đã có 7 lần dựng vợ, gả chồng cho con. Khi nhân khẩu tăng lên, gia đình bàn cách chiếm đất, tách ra thành nhiều hộ nhỏ. Theo đó, những căn nhà tạm của các con ông cũng được dựng lên ngay sát nhà cũ. Thấy ông Hùng làm được, nhiều gia đình khác cũng làm theo.

Tập trung chủ yếu ở các quận 4, 6, 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, phần lớn các ngôi nhà đều có chiều ngang từ 3 đến 5m, dài từ 7 đến 13m. Phía dưới sàn nhà rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối quanh năm. Hầu hết những căn nhà tạm bợ như thế này thuộc sở hữu của dân nhập cư từ các tỉnh tập trung về đây buôn thúng bán bưng, nhặt ve chai, vé số, bốc vác, xe ôm...

Cuộc sống ngột ngạt, bệnh tật bủa vây

Chị Lê Thị Hiền, cư dân ở xóm nước đen, than thở: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải sống giữa cảnh ô nhiễm. Tôi có nhà ở đường Tôn Đản, quận 4 nhưng quá chật nên hai vợ chồng ra đây sinh sống hơn 10 năm, nhường nhà cũ cho các con. Hàng ngày hai vợ chồng phải hít thở không khí ô nhiễm, rất khó chịu”.
Xom tam cu ven kenh: Troi noi nhung phan doi-hinh-anh-2
 Dòng nước đen ngòm, hôi thối vì ô nhiễm
Ngồi nói chuyện với chị, chúng tôi cũng ngạt thở vì mùi xúi uế nồng nặc bốc lên sau khi nước thủy triều rút đi. Nhìn dòng nước đen ngòm, đặc quánh lềnh bềnh hàng trăm loại rác thải qua những khe hở của sàn nhà, bà Tư bán trái cây cho biết người dân ở đây đa số đều mắc bệnh phổi, thậm chí ho lao...

Giải thích cho nguyên nhân ô nhiễm ngày một tăng, chị Hiền cho rằng, dòng Kênh Tẻ dài và có nhiều nhánh, người sống phía trên thải rác ra và trăm thứ dơ bẩn trôi theo dòng nước nên người sống ở khu vực hạ lưu lãnh đủ. Trong khi đó, người dân sống hai bên khu vực Kênh Tẻ quá đông, rác thải nhiều năm tích tụ lại khiến dòng nước ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngày qua ngày chất thải lắng đọng, người dân lại tiếp tục xả rác, thậm chí phóng uế xuống kênh khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng. Cuộc sống ngột ngạt, bệnh tật bủa vây khiến người dân càng thêm khốn khó. Nhiều người bị sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh dị ứng da là chuyện thường. Bệnh này chưa qua, bệnh khác đã tới. Không dừng lại đó, người dân còn phải sống chung với muỗi, chuột bọ.

Qua trao đổi với phóng viên, nhiều người cư ngụ trong các dãy nhà tạm ven kênh rạch đều mong muốn được chính quyền thành phố hỗ trợ thỏa đáng di dời đến nơi ở mới sạch sẽ, khang trang, hiện đại hơn, để con cái họ có điều kiện học hành, vươn lên thoát khỏi kiếp lênh đênh. Đây cũng là tiền đề cho thành phố chỉnh tràng đô thị, thực hiện các công trình dân sinh với mục tiêu xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo thống kê của sở Xây dựng TPHCM, trên toàn địa bàn có hơn 17.000 căn nhà lụp xụp tạm bợ trên và ven hành lang các tuyến kênh rạch, nằm trong phương án di dời. Sở đang phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án tối ưu để có lợi cho dân và phục hồi môi trường xanh trở lại. Thiết nghĩ, việc giải tỏa hành lang kênh rạch là rất cấp bách. Trong 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời 11.600 hộ sống dọc các tuyến kênh rạch đang có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, .nạo vét, thoát nước như: Kênh Tẻ, Tham Lương - Bến Cát, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Bàu Trâu... với tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.

Nam Anh / Công an TP.HCM 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóm tạm cư ven kênh: Trôi nổi những phận đời, bệnh tật bủa vây