Cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố oan chủ quán cà phê Xin Chào do hiểu sai, hiểu không thấu đáo điều luật áp dụng.
Sau khi Công an TP.HCM thông tin cho báo chí vụ án ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào, bị xử hình sự tội kinh doanh trái phép, chúng tôi cho rằng còn có nhiều cách hiểu không đúng về tội kinh doanh trái phép.
Thế nào là quy định viện dẫn?
Điều 159 BLHS 1999 quy định về tội kinh doanh trái phép như sau: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này…”.
Về mặt lý luận, Điều 159 BLHS năm 1999 được thiết kế dưới dạng quy định viện dẫn. Đặc điểm của loại quy phạm viện dẫn này là:
(1) Muốn xác định nội hàm của nó phải dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn, muốn xác định hàng cấm trong tội buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS 1999) thì chúng ta phải dựa vào danh mục hàng cấm do Nhà nước quy định trong từng giai đoạn. Tương tự, muốn xác định thế nào là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ở Điều 202 BLHS 1999 thì chúng ta phải dựa vào các vi phạm được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
(2) Mặc dù quy định BLHS không thay đổi nhưng các văn bản pháp luật viện dẫn có thể có thay đổi, từ đó dẫn đến hành vi bị coi là tội phạm có thể thay đổi (mở rộng hoặc thu hẹp hành vi bị coi là tội phạm). Chẳng hạn: Có thời điểm chúng ta quy định thuốc lá ngoại không phải là hàng cấm thì lúc này hành vi buôn bán thuốc lá ngoại không bị xử về tội buôn bán hàng cấm. Sau đó, chúng ta lại quy định thuốc lá ngoại là hàng cấm thì hành vi buôn bán thuốc lá ngoại lại bị coi là buôn bán hàng cấm theo Điều 155 BLHS 1999.
Kinh doanh trái phép: Phải dựa vào Luật Đầu tư
Như đã nói, tội kinh doanh trái phép được thiết kế dưới dạng quy định viện dẫn. Có nghĩa là muốn xác định thế nào là kinh doanh trái phép thì phải dựa vào (dẫn chiếu đến) các quy định về pháp luật kinh doanh hiện hành.
Tại thời điểm hiện nay, hoạt động kinh doanh thế nào là trái phép phải dựa trên Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ 1.7.2015) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều đó có nghĩa là kể từ ngày 1.7.2015 tất cả quy định xác định hành vi nào là kinh doanh trái phép bắt buộc phải dựa vào các quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu dựa vào các văn bản trước đó về hoạt động kinh doanh đều là hiểu sai luật.
Cách hiểu của cơ quan tố tụng Bình Chánh
Trở lại vụ việc của ông Tấn, các cơ quan tố tụng ở huyện Bình Chánh khởi tố và truy tố ông Tấn trên cơ sở cho rằng ông đã bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép mà còn vi phạm.
Cụ thể, ông Tấn đã bị xử phạt hành chính lần đầu về hành vi kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (GCN ATVSTP) vào ngày 18.8.2015 (cùng bốn hành vi khác). Ngày 10.9.2015, Công an huyện Bình Chánh lại kiểm tra, xác lập hành vi vi phạm của ông Tấn là kinh doanh không có GCN ATVSTP và các vi phạm khác.
Vấn đề đặt ra là hành vi vi phạm kinh doanh không có GCN ATVSTP có coi là kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép theo Điều 159 BLHS 1999 hay không.
Về vấn đề này, nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh (người trước đây phụ trách vụ án này) giải thích với Pháp Luật TP.HCM rằng: “Đó chính là giấy phép riêng để đảm bảo kinh doanh đúng quy định”.
Còn Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khi trả lời chất vấn của Pháp Luật TP.HCM tại buổi gặp mặt báo chí sáng 21.4 thì nói: “… Về câu chữ, thuật ngữ giấy phép và GCN cho cơ sở kinh doanh đang còn lẫn lộn. Tôi ví dụ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu buộc phải có GCN đủ điều kiện PCCC và đây được xem là một loại giấy phép”.
Hiểu sai giấy phép và GCN
Theo tôi, cách hiểu như trên là chưa hiểu đúng quy định viện dẫn của Điều 159 BLHS như đã nói. Ở đây văn bản được viện dẫn để xác định nội hàm của tội kinh doanh trái phép phải là Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuyệt đối không được hiểu sai luật được viện dẫn cho Điều 159 BLHS.
Tại khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư 2014 quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu rõ danh mục này được quy định tại Phụ lục 4 của luật này. Khoản 3 điều luật này lại quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định…
Và tại Điều 9 Nghị định 118/2015 (hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư) quy định điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây: a) Giấy phép; b) GCN đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Văn bản xác nhận…
Đến đây hẳn chúng ta thấy rõ giấy phép chỉ là một trong các điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư chứ không được đồng nhất giấy phép với GCN đủ điều kiện… Nói cách khác, giấy phép là giấy phép, GCN là GCN, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, rành mạch, không nên lẫn lộn và không có gì phải lẫn lộn.
Như vậy, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đồng nhất GCN ATVSTP là giấy phép là sai lầm trầm trọng.
Phải đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm
Việc ông Tấn có hành vi kinh doanh không có GCN ATVSTP thì đã rõ. Nhưng vì GCN này không phải là giấy phép nên hành vi của ông không thuộc trường hợp “kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép”. Nói cách khác, hành vi của ông Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép, do đó không có cơ sở để khởi tố, truy tố ông Tấn về tội này.
Tuy nhiên, do cơ quan tố tụng đã lỡ khởi tố, truy tố ông Tấn rồi nên bây giờ cần phải khắc phục bằng cách đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can ông. Và như đã phân tích trên đây, hành vi của ông Tấn không cấu thành tội phạm nên ông Tấn phải được đình chỉ theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS. Tức là ông Tấn bị khởi tố, truy tố oan.
Cần lưu ý rằng trường hợp này không thể được đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS theo diện miễn trách nhiệm hình sự. Bởi đơn giản một điều: Ông Tấn có phạm tội đâu mà miễn!
VKSND TP.HCM thống nhất đình chỉ vụ án Xin Chào
Chiều 22.4, sau cuộc họp liên ngành tố tụng TP.HCM về vụ án chủ quán Xin Chào, nguồn tin của PV cho biết các bên đã thống nhất sẽ đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn. Tuy nhiên, VKSND TP.HCM còn phải xin ý kiến của VKSND Tối cao về việc đình chỉ này.
Thời gian đình chỉ, cơ sở pháp lý để đình chỉ sẽ quyết định sau. Sở dĩ đi đến quyết định này là do các ngành tố tụng cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp của báo chí cũng như các chuyên gia. Theo các cơ quan tố tụng, việc khởi tố tuy hợp lý nhưng chưa hợp tình nên dễ khiến dư luận hoang mang.
Trịnh Ngoan
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM
TheoPháp luật TP.HCM