Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong quý 1/2024 đạt kết quả tích cực. Đây là điểm sáng của nền kinh tế.
Thị trường và chính sách

Xuất khẩu khởi sắc - điểm sáng của kinh tế quý 1

Lam Thanh 01/04/2024 12:45

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong quý 1/2024 đạt kết quả tích cực. Đây là điểm sáng của nền kinh tế.

Về tổng cầu thế giới, quý 1/2024 duy trì xu hướng phục hồi từ quý 4/2023. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng từ mức 0,2% năm 2023 lên 2,3% năm 2024 và IMF nhận định tăng trưởng thương mại thế giới đạt 3,3% năm 2024.

Trong nước, kế hoạch sản xuất của một số doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động xuất khẩu như Samsung, Intel… đạt kế hoạch năm 2024 sản xuất tăng trưởng dương (+).

“Kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam quý 1/2024 đạt kết quả tích cực (đây là điểm sáng của nền kinh tế), với kim ngạch xuất khẩu tăng 17% và nhập khẩu tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023”, TCTK nêu.

xk-1.png
Xuất khẩu khởi sắc trong quý 1

Đối với kinh tế trong nước, quý 1/2024 phục hồi khá, xuất khẩu đạt 25,2 tỉ USD, tăng 26,2%. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong nước chiếm 27,1% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Về mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong quý 1/2024 có đến 35/45 (đạt 77,8%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu.

Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: cà phê tăng 54,2%; hạt điều tăng 20,2%; rau quả tăng 25,8%; gạo tăng 40%.

Ngoài ra, ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Trung Quốc tăng 5,2%; Mỹ tăng 26%; Nhật Bản tăng 6,4%; thị trường EU tăng 16,3%...

Cán cân thương mại, quý 1/2024 duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu đạt 8,1 tỉ USD (cao nhất trong vòng 5).

TCTK cho rằng có được kết quả như trên nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng được các cơ hội; khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thế giới tin dùng.

Bên cạnh đó, một tín hiệu đáng mừng là xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam cũng đã bắt đầu phục hồi.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng xuất nhập khẩu khả quan là điều đáng mừng sau thời gian khó khăn vừa qua. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực từ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đơn hàng.

xk-2.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Tuy vậy, ông Thịnh cũng cho rằng kinh tế vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh vẫn lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện miễn giảm các loại phí, lệ phí, cải thiện môi trường kinh doanh… để giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm được chi phí, hồi phục và phát triển.

Nhận định về xuất khẩu năm 2024 tại cuộc họp báo vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết kết quả xuất khẩu khởi sắc trong quý 1/2024 là do số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng. Những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số hạn chế bao gồm: hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính; đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu còn hạn chế.

"Để giữ vững đà tăng trưởng, Bộ Công Thương sẽ cùng với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA (hiệp định thương mại) hiện tại, nâng cấp các FTA để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục thông tin về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường", Thứ trưởng thông tin.

Trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bài liên quan
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu khởi sắc - điểm sáng của kinh tế quý 1